50 năm, huyền thoại một con tàu

Cuộc hội ngộ trong mơ sau nửa thế kỷ

Thân nhân liệt sĩ tàu C235 thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thân nhân liệt sĩ tàu C235 thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - 70 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ, báo Tiền Phong phối hợp với Tập đoàn Vingroup, Học viện Hải quân, UBND xã Ninh Vân, Hội Cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển tổ chức các hoạt động tri ân xung quanh sự kiện về con tàu C235 huyền thoại tại xã Ninh Vân và thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Nhiều thân nhân liệt sĩ (LS) tàu C235 lần đầu có dịp gặp những đồng đội của người thân mình trước đây…

Ký ức ùa về

Từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, các thân nhân LS tàu C235 đã tề tựu khu vực Hòn Hèo (xã Ninh Vân), nơi người thân của họ đã hy sinh. Cách đây ngót nửa thế kỷ, do phải giữ bí mật con đường vì cuộc chiến vẫn trong giai đoạn ác liệt, nên nhiều gia đình chỉ biết người thân của họ hy sinh tại mặt trận phía Nam. Những năm sau này, khi con tàu C235 huyền thoại được tôn vinh, các thân nhân rất tự hào khi biết cha anh họ hy sinh xương máu cho con đường vận chuyển vũ khí bí mật trên biển Đông. Tuy nhiên, một số người vẫn chưa có dịp đến nơi người thân đã ngã xuống, nay thành di tích lịch sử quốc gia.

Chị Ngô Thị Hải Yến – con gái duy nhất của liệt sỹ Ngô Văn Thứ, chưa một lần được gặp bố mà chỉ hình dung qua ảnh và những lá thư tay gửi về gia đình, biết nơi bố hy sinh tại “Chiến trường miền Nam”. Điều mong mỏi bao năm của chị và mẹ là được vào thăm nơi bố hòa máu xương mình vào đất Mẹ và gặp đồng đội của bố. Sau năm 1994, biết nơi bố hy sinh, chị đã có ba lần vào thăm, lần gần nhất cách đây đã hơn 10 năm. “Những lần trước, tôi và mẹ vào thăm, dâng hương hoa cho bố và đồng đội của bố đã hy sinh. Còn lần này là cuộc đầu tiên tôi được gặp thân nhân đồng đội của bố. Mọi người được nghe câu chuyện cảm động về các thành viên tàu C235, trong đó có bố, tôi cảm thấy rất xúc động, tự hào” – chị Yến chia sẻ.

Chung cảm xúc lần đầu gặp những đồng đội còn sống của bố, chị Doãn Thị Thu – con LS Doãn Quang Ruyện xúc động: “Gặp và nói chuyện với các chú, các bác, tôi như được gặp lại bố của mình. Càng được nghe kể nhiều chuyện về tàu C235, tôi càng xúc động, tự hào hơn về bố và đồng đội của bố”.

Chị Thu bộc bạch, trước đây chỉ mới gặp đồng đội của bố là cựu chiến binh (CCB) Lê Duy Mai. Lần nào gặp, nghe lại chuyện về tàu C235 chị đều khóc, muốn biết bố hy sinh như thế nào và hy vọng tìm được mộ có một phần thi thể bố. Nhưng lần gần nhất, bác Mai đã nói bố tôi hy sinh ngay trong đợt đầu tiên và cùng với tàu C235 hoà vào biển. Chị Trần Thị Nhung – con gái đầu LS Trần Lộc nghẹn ngào không nói nên lời khi nghe đồng đội của bố kể về khúc tráng ca của con tàu C235 huyền thoại.

Cuộc hội ngộ trong mơ sau nửa thế kỷ ảnh 1 Các CCB và thân nhân LS tàu C235 bên đài tưởng niệm ở Hòn Hèo - Ninh Vân. Ảnh: Xuân Tùng.

Đồng cảm về hoàn cảnh, thân nhân các LS tàu C235 mới lần đầu gặp nhau sớm có sự gần gũi, sẻ chia như người trong gia đình. Tâm tình với đoàn thân nhân, chị Yến chia sẻ chuyến đi này thật ý nghĩa, “giờ em đã có thêm những người chị, người anh rồi”. Cũng thật tình cờ, nhiều thành viên trong đoàn mang ảnh của người thân đã hy sinh, chuyền cho nhau xem những tấm ảnh trắng đen – chính là kỷ vật vô giá, hiếm hoi về người thân của mình. Bên đài tưởng niệm ghi chiến công tàu C235, các anh chị vỡ òa những cảm xúc dâng trào…

Xúc động ngày gặp mặt

Dịp này, các thân nhân LS đã gặp các cựu chiến binh CCB Lê Duy Mai, Nguyễn Hồng Phong, Hà Minh Thật, Lâm Quang Tuyến. Các CCB tàu C235 chia sẻ: Sau khi thoát khỏi sự truy bắt của địch trở về, họ không cùng đơn vị nên chưa có điều kiện gặp lại nhau. Đến năm 2008, khi Ban Liên lạc tàu Không số tổ chức cho các CCB trở lại chiến trường xưa, CCB Lê Duy Mai và Nguyễn Hồng Phong mới có dịp gặp lại nhau sau đúng 40 năm diễn ra sự kiện. Cả hai xúc động nhớ về những đồng đội đã hy sinh và những người còn sống trong sự kiện lịch sử đó. Đến năm 2011, kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, 5 đồng đội cũ (thiếu Vũ Long An do đã mất) mới có dịp gặp nhau tại TPHCM để thực hiện chương trình cầu truyền hình.

“Lần này có dịp trở lại Ninh Vân-Hòn Hèo, là lần thứ hai chúng tôi có mặt đông đủ nhất tại chiến trường xưa sau ngót nửa thế kỷ, nhưng là lần đầu tiên gặp gỡ người thân của nhiều đồng đội đã hy sinh”- các CCB tàu C235 bồi hồi cho biết. Trong cuộc gặp gỡ này, CCB tàu C235 có dịp gửi tới nhau những tấm hình kỷ niệm chụp lần tề tựu năm 2011 tại Cát Lái (TPHCM), Nha Trang. Nhìn những tấm hình chưa cũ, các cựu binh lại bồi hồi về những người đã mất, người vì tuổi cao, bệnh trọng mà không thể tề tựu đông đủ lần về chiến trường xưa hôm nay…

Cuộc hội ngộ trong mơ sau nửa thế kỷ ảnh 2 Chị Nhung, chị Thu xúc động bên đài tưởng niệm chiến công, LS tàu C235.

Trở lại chiến trường xưa, bao kỷ niệm sinh tử và ân tình gắn với Hòn Hèo-Ninh Vân ùa về xúc cảm trong câu chuyện của những CCB tàu C235. Đó là những bãi đá, rặng dừa làm nơi ẩn nấp, cứu khát trên đường tránh địch vây bắt, tìm về hậu cứ; chuyện về những gia đình làm nhiệm vụ đón bến năm xưa, những người nuôi giấu, chăm sóc chiến sỹ ở xã Ninh Vân; về thuyền trưởng Phan Vinh tài tình chỉ huy tàu hoàn thành nhiệm vụ; giây phút chiến đấu sinh tử với lực lượng địch áp đảo… Cùng với những thân nhân của đồng đội, câu chuyện của các cựu binh cứ mãi nối dài.

Nhìn tấm ảnh chân dung LS Thứ, các CCB bùi ngùi: “Thứ trong ảnh chụp là khi còn mập, chứ ở ngoài dáng người cao, gầy”. Các cựu binh cho biết, những bức ảnh chụp về người lính làm nhiệm vụ trên tàu Không số là kỷ vật quý hiếm. Khi nhận nhiệm vụ, không chụp và giữ theo mình ảnh chân dung cá nhân hay ảnh chụp tập thể. Các CCB và thân nhân LS cũng ôn lại những lần liên lạc thư từ, cơ duyên gặp gỡ trong hành trình vất vả tìm kiếm thông tin chiến trường, đồng đội, phần mộ người ngã xuống…

Là người cao tuổi nhất trong đoàn thân nhân LS tàu C235, ông Trần Thọ Nghị (anh ruột liệt sỹ Trần Thọ Thuyết, nay đã 79 tuổi) chia sẻ, trước đây biết tin em trai hy sinh, gia đình nghĩ Thuyết đã hoà vào biển Tổ quốc. Mãi đến năm 2002, gia đình mới nhận thông tin có tên Thuyết ở bia ghi tên LS tàu C235 tại Ninh Vân-Hòn Hèo. “Năm 2003, vợ chồng tôi và 3 em trai vào tìm mộ Thuyết nhưng không thấy. Từ đó đến nay đã 14 năm tôi mới có dịp quay lại Ninh Vân, được ngồi với đồng đội của Thuyết, tôi rất hạnh phúc”, ông Nghị chia sẻ.

Chuyện của những CCB và thân nhân LS tàu C235 về những đồng đội còn sống và hy sinh, những địa danh đã gắn liền với huyền thoại tàu C235 mà cả đoàn về thăm trong dịp này, cứ được nối dài mãi…

Dịp này, đoàn CCB tàu C235 và thân nhân các LS của tàu đã có dịp về xã Ninh Vân thăm, tặng quà 3 gia đình đón bến năm xưa (mỗi suất quà trị giá 2 triệu đồng). Ban tổ chức chương trình trao tặng 10 suất quà cho các gia đình chính sách của địa phương (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng).

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".