Cường kích Harrier biến thành đuốc sống sau cú hạ cánh

Máy bay Harrier hạ cánh thẳng đứng.
Máy bay Harrier hạ cánh thẳng đứng.
Bất thành trong nhiệm vụ và phải hạ cánh xuống sân bay Kandahar ở Afghanistan, cường kích Harrier của Anh đã biến thành ngọn đuốc khi đuôi va chạm xuống đường băng.

Thông tin này được tờ PopularMechanics đăng tải ngày 2/9, vụ tai nạn này xảy ra vào năm 2009, khi Không quân Anh có mặt ở Afghanistan cùng liên quân hỗ trợ quân chính phủ Afghanistan chống lại lực lượng Taliban.

Hôm 14/5/2009, hai chiếc cường kích Harrier GR.9 của Không quân Hải quân Anh sau khi phi vụ hỗ trợ lực lượng mặt đất bất thành đã quay về căn cứ không quân Kandahar với đầy đủ bom đạn dưới cánh. Khi đến gần sân bay và chuẩn bị hạ cánh, chiếc đi đầu phát hiện có tên lửa bắn lên nên bắn pháo sáng ra cản phá, rồi hạ cánh.

Player Loading...

Trong khi đó, chiếc Harrier thứ hai khi đó lại ở độ cao khá cao đến gần 2 km so với độ cao bình thường lúc hạ cánh, và khoảng cách hạ cánh xuống đường băng lại quá ngắn, phi công duy trì tốc độ cao nên khi máy bay đáp xuống đường băng thì phần đuôi đập xuống đường băng khiến máy bay mất kiểm soát.

Sau cú va chạm, dàn bánh của máy bay bị hỏng hoàn toàn, mũi máy bay văng ra, máy bay lướt trên đường băng bằng bụng và bốc cháy rừng rực như đuốc. Viên phi công vẫn cố cầm cần lái cho ngọn đuốc này lao vùn vụt một đoạn đường 1,2 km qua 4 chiếc máy bay đang chuẩn bị lăn ra đường băng để cất cánh.

Khi qua khỏi vị trí này, đến lúc lửa lan vào buồng lái thì phi công mới dùng ghế phóng thoát hiểm bắn ra khỏi máy bay và rơi xuống bằng dù. Còn chiếc máy bay lao thêm một đoạn ngắn thì dừng lại và cháy rừng rực.

Hậu quả của vụ việc là phi công chỉ bị thương nhẹ, máy bay cháy rụi cùng nhiên liệu và số bom đạn. Rất may là vụ tai nạn không gây thêm sự cố cho máy bay khác trên sân bay.

Tuy nhiên, vụ tai nạn đã gây nên sự khó hiểu với nhiều chuyên gia. Bởi Harrier là cường kích được thiết kế để có thể cất cánh được trên đường băng cực ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Tuy nhiên, trong video được công bố cho thấy, máy bay này đã thực hiện pha hạ cánh như chiến đấu cơ thông thường.

Đặc biệt, theo số liệu của Lầu Năm Góc, Lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ đã mất đi 1/3 trong số 397 máy bay Harrier do tai nạn trong 32 năm. Tỉ lệ tai nạn gấp 3 lần so với tiêm kích hạm F/A-18C và đứng top đầu thế giới.

Chính vì vậy, Mỹ đã lên kế hoạch thay thế toàn bộ những chiếc Harrier bằng tiêm kích F-35B. Tuy nhiên do việc phát triển máy bay thế hệ thứ năm F-35B gặp hàng loạt vấn đề, vì vậy người Mỹ và những đồng minh đang dùng loại máy bay này vẫn phải tiếp tục kéo dài thời gian phục vụ cho Harrier.

Theo Theo Đất Việt
MỚI - NÓNG