Đặc nhiệm Mỹ - mũi giáo gieo rắc sợ hãi cho IS

Đặc nhiệm SEAL Mỹ huấn luyện bắn súng cho một binh sĩ Iraq. Ảnh: AFP
Đặc nhiệm SEAL Mỹ huấn luyện bắn súng cho một binh sĩ Iraq. Ảnh: AFP
Với việc điều thêm 200 đặc nhiệm tới Iraq và Syria, Mỹ hy vọng sẽ gieo rắc nỗi sợ hãi và bất an cho tất cả chỉ huy của phiến quân IS.

Ngày 1/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố sẽ triển khai lực lượng đặc nhiệm tới Iraq trong vài tuần tới để hỗ trợ cho lực lượng an ninh chính phủ của nước này, cũng như lực lượng peshmerga người Kurd trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa toàn cầu từ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), theo Reuters.

"Lực lượng tìm diệt viễn chinh đặc biệt" này sẽ gồm khoảng 200 lính đặc nhiệm Mỹ, với mục tiêu tận dụng các lợi thế về thông tin tình báo để nhanh chóng "tiêu diệt các lãnh đạo chủ chốt và các yếu tố chỉ huy, kiểm soát của IS" trên chiến trường Iraq và Syria, một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.

Theo giới phân tích, tuyên bố trên của ông Carter là một lời thừa nhận rằng chiến dịch không kích phiến quân IS kéo dài hơn một năm rưỡi qua, cũng như sử dụng một lượng nhỏ lính Mỹ làm nhiệm vụ cố vấn mà không tham chiến trực tiếp, đã tỏ ra không hiệu quả. Những gì Mỹ đề ra trước đây đã không "làm suy yếu dẫn tới tiêu diệt hoàn toàn phiến quân".

Theo chuyên gia phân tích Sean Naylor của Washington Post, việc điều thêm lực lượng "tìm diệt viễn chinh đặc biệt" này tới chiến trường Iraq chứng tỏ một điều rằng quân đội Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào đặc nhiệm, lực lượng được ví như mũi giáo nhọn chuyên dùng để thọc thẳng vào trái tim của kẻ thù.

Bộ trưởng Carter cũng không hề giấu giếm ý định này. Trả lời trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông khẳng định đặc nhiệm Mỹ sẽ gieo rắc nỗi sợ hãi khủng khiếp trong hàng ngũ lãnh đạo của IS.

"Chúng sẽ không thể biết được thứ gì sẽ đến qua cửa sổ khi đêm xuống, và đó chính là cảm giác mà chúng tôi muốn tất cả những tên trùm IS và những kẻ tay chân phải trải qua", ông nói, ám chỉ đến những cuộc đột kích "chặt đầu rắn" đầy bất ngờ của đặc nhiệm Mỹ. "Chặt đầu rắn" là chiến thuật được đặc nhiệm Mỹ sử dụng để tiêu diệt những tên khủng bố cầm đầu dựa vào thông tin tình báo thu thập được.

Theo Michael Pregent, cựu sĩ quan tình báo Mỹ đang làm việc tại Viện Hudson, tổ chức nghiên cứu và chính sách ở Washington, Mỹ muốn tăng cường sự hiện diện của đặc nhiệm ở Iraq và Syria với hy vọng sẽ bắt được những "con cá to" giống như những gì xảy ra trong vụ đột kích tiêu diệt tên trùm tài chính của IS Abu Sayyaf, bắt giữ vợ hắn ta và tịch thu một nguồn thông tin tình báo khổng lồ.

Chính những nguồn thông tin tình báo ngày càng nhiều là cơ hội tốt để đặc nhiệm Mỹ có đất diễn. "Về mặt chiến lược, IS đã bị chia cắt khỏi nhiều khu vực quan trọng. Đây là thời điểm tốt trong chiến dịch để huy động lính đặc nhiệm, những người có kỹ năng gấp nhiều lần người bình thường", một quan chức Mỹ giấu tên nói.

Theo quan chức này, những bước tiến trên mặt đất của lực lượng an ninh Iraq và dân quân người Kurd cũng như phe nổi dậy ở Syria đã tạo điều kiện cho các sĩ quan tình báo Mỹ thu thập được nhiều thông tin hơn về nhóm khủng bố IS cũng như những điểm yếu của chúng, từ đó đặc nhiệm Mỹ có thể mở các chiến dịch đột kích chính xác hơn vào những mục tiêu quan trọng. Những cuộc đột kích này sẽ thu về nhiều thông tin tình báo quý giá, mở đường cho chiến dịch đột kích tiếp theo.

Không phải đòn kết liễu

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng tỏ ra thận trọng khi cho rằng việc điều thêm đặc nhiệm đến Iraq và Syria không phải là một đòn kết liễu đối với IS, hay là dấu hiệu cho thấy IS đang trên bờ vực sụp đổ.

Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ hiện nay hoạt động dưới sự điều phối của Bộ Chỉ huy Đặc nhiệm Liên quân (JSOC), đơn vị được thành lập sau sự thất bại của chiến dịch Vuốt Đại bàng nhằm giải cứu con tin Mỹ ở Iran năm 1980. Nhiệm vụ của JSOC là "thực hiện những sứ mệnh mà không ai khác muốn hoặc có thể làm, dù ở phạm vi xa đến đâu".

Từ thập niên 1980, JSOC tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu là săn lùng những kẻ bị coi là kẻ thù của nước Mỹ, chẳng hạn như tên trùm ma túy Palblo Escobar ở Colombia, thủ lĩnh quân sự Mohammed Farah Aideed ở Somalia.

Trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu được phát động sau sự kiện 11/9, JSOC bỗng trở thành chiếc "đũa thần" của quân đội Mỹ trong cuộc săn lùng những thủ lĩnh cấp cao phiến quân al-Qaeda. JSOC phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tình báo Mỹ để thực hiện những cuộc đột kích "chặt đầu rắn" liên tiếp nhau, tiêu diệt các chỉ huy cấp trung và cấp cao của al-Qaeda, trong đó đình đám nhất là vụ đột kích diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Giới phân tích cho rằng dù đặc nhiệm Mỹ đã rất thành công trong các chiến dịch tiêu diệt al-Qaeda, kẻ thù mới của họ hiện nay là IS lại rất khác, bởi IS kiểm soát được một vùng lãnh thổ rộng lớn và thiết lập hệ thống cai trị rất chặt chẽ ở Iraq và Syria.

Theo ông Naylor, JSOC được lập ra không phải để tự mình giành chiến thắng trong cuộc chiến, bởi họ không phải là lực lượng có thể phòng thủ và bảo vệ được lãnh thổ. Đặc nhiệm Mỹ chỉ là các đơn vị chiến thuật chuyên săn lùng và tiêu diệt những tên khủng bố cấp cao, sau đó rút đi càng nhanh càng tốt. Bị mất những tên chỉ huy, IS luôn có phương án thay thế dự phòng, trong khi các cuộc không kích của Mỹ không thể lấy lại được lãnh thổ từ tay IS.

Chuyên gia Pregent cho rằng việc Mỹ điều thêm 200 lính đặc nhiệm tới Iraq và Syria chẳng khác gì "muối bỏ bể", và nếu như lực lượng này tiêu diệt được các mục tiêu có giá trị cao của IS, điều đó vẫn chưa đủ để thay đổi tình hình.

"Trong cuộc chiến chống al-Qaeda ở Iraq, đặc nhiệm Mỹ tiến hành 10 đến 15 cuộc đột kích mỗi đêm trong suốt 5 năm trời, với sự hậu thuẫn của 130.000 quân trên mặt đất và 90.000 dân quân người Sunni. Còn bây giờ, lực lượng của Mỹ chỉ bằng một phần 20 số đó", ông nói.

Ông Christopher Harmer, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, cho rằng để có thể chặn đứng được sự bành trướng của IS, Mỹ cần phải huy động thêm lực lượng đặc nhiệm và nguồn lực tới khu vực này.

"Ít nhất phải có vài nghìn đặc nhiệm. Bạn phải có lính đặc nhiệm đóng vai trò làm mũi giáo trong mỗi cuộc tấn công vào IS. Bạn phải có các nguồn lực tình báo để hướng mũi giáo đó vào đúng tim đen của phiến quân, nhằm thực hiện những đòn tấn công nhanh chóng, quyết đoán và có ảnh hưởng lớn", ông nói.

Hiện Mỹ chỉ có 3.500 binh sĩ đóng quân tại 6 vị trí ở Iraq để thực hiện nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ cho lực lượng an ninh chống IS, cùng hàng chục ngàn quân được bố trí rải rác ở khắp Trung Đông.

Đặc nhiệm Mỹ - mũi giáo gieo rắc sợ hãi cho IS ảnh 1

Một đội đặc nhiệm Mỹ triển khai ở Iraq. Ảnh: Reuters

"Sử dụng đặc nhiệm không phải là một chiến lược mới để diệt IS, nó chỉ là công cụ cho một chiến lược lớn. Sức mạnh của đặc nhiệm chỉ được phát huy khi đi cùng một chiến lược toàn diện chống lại phiến quân IS, và đây là điều mà chính phủ Mỹ phải lưu tâm khi quyết tiêu diệt tổ chức khủng bố này", chuyên gia Naylor nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.