Đám cưới trong mưa bão

Đám cưới trong mưa bão
TP - Yêu trong xa cách, có lẽ đã thành mẫu số chung của những cuộc tình người lính. Khoảng cách trở thành thử thách của tình yêu, mà xét đến cùng, lại chẳng nghĩa lí gì khi giữa họ là trọn vẹn niềm tin. Trung tá Nguyễn Xuân Trường, Phó Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Vũ Thư (Thái Bình) và vợ - chị Nguyễn Thị Tuyết Mai thấm thía hơn ai hết trải nghiệm ấy.

> Bài thơ tình vượt đại dương
> Lá thư tình nhờ người viết hộ

Yêu nhau từ thời học sinh, anh chị có 3 năm gắn bó trước khi đằng đẵng cách xa. Tốt nghiệp cấp ba, anh thi vào trường Sĩ quan Lục quân 1 (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn), chị đi làm công nhân kỹ thuật tại Ukraina. Tình yêu được nuôi dưỡng và lớn dần qua những lá thư.

Tháng 7/1985, ra trường, anh tình nguyện về Quân chủng Hải quân và được điều động về Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa). Là sỹ quan trẻ, anh háo hức ngày ra đảo, khát khao được áp dụng kiến thức đã học, góp phần cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Đêm 10/8/1985, con tàu HQ 613 kéo ba hồi còi dài, từ từ rời vịnh Cam Ranh, nhằm hướng đông rẽ sóng. Anh và đồng đội vẫy tay tạm biệt những người đưa tiễn. Lòng anh chùng xuống khi nghĩ về chị, khi đó vẫn đang ở nước ngoài… Tháng 12/1987, chị về nước. Trong số những người thân chờ đón tại sân bay, người chị mong gặp nhất đã không thể xuất hiện.

Một năm chỉ có hai chuyến tàu ra đảo, đồng nghĩa anh chị chỉ nhận được tin nhau hai lần. Chị nhớ anh quay quắt, chỉ biết trút nỗi nhớ vào những lá thư. Mỗi tháng chị viết đều đặn cho anh một lá dù biết phải nửa năm thư mới đến được tay người mình thương nhớ. Ở đảo xa, anh gửi tình yêu vào những con ốc biển, cành san hô.

Anh khắc tên mình và tên chị lên thân ốc, có lần anh lặn xuống biển tìm san hô trúc tặng chị, bị dính sứa độc, vết thương bị nhiễm trùng nặng nên sốt li bì hơn một tuần. Anh mong ngóng những chuyến tàu cập đảo bởi nó chất chứa cả niềm yêu thương của đất liền.

Mỗi chuyến tàu ấy, bao giờ đồng đội cũng trầm trồ vì anh nhận được liền lúc cả một tập thư dày, đa số là thư của người yêu. Anh xếp thư theo dấu bưu điện ngày gửi rồi đọc. Càng đọc, nỗi nhớ chị càng da diết… Anh gửi lại chị những bài thơ tình anh viết trong nhớ nhung.

25 tuổi, chị vẫn đợi anh. Ngày ấy, ở dưới quê, bạn bè cùng trang lứa đã con bồng con bế trên tay. Chị xinh đẹp, con nhà gia giáo nên rất nhiều chàng trai theo đuổi. Bố mẹ chị cũng không khỏi sốt ruột…

Tháng 4/1989, anh được về phép ba tháng. Sau gần tám năm chỉ gặp nhau qua những lá thư, bức ảnh, bao nỗi nhớ thương vỡ òa trong ngày gặp mặt. Anh chị quyết định tổ chức đám cưới vào tháng 5 năm đó. Thế nhưng, đúng vào ngày cưới, cơn bão số 5 ập về, lịch cưới không thể hoãn vì ngày anh quay trở lại đơn vị đã cận kề. Đám cưới không bắc được rạp vì mưa gió đánh sập, đội nhạc cũng vì thời tiết mà không đến, chiếc xe ôtô rước dâu bị nhà xe hủy hợp đồng vì bão…

Bà Nguyễn Thị Bốn, cô ruột chị Mai kể, cả đời bà chưa thấy đám cưới nào đặc biệt như đám cưới của cháu mình. Bà không khỏi chạnh lòng thương cháu gái. Nhưng trước bàn thờ gia tiên hôm ấy, chú rể trong trang phục sĩ quan Hải quân và cô dâu mặc váy cưới đều sũng nước mưa, bà chỉ thấy ngời lên trong mắt đôi trẻ niềm hạnh phúc.

Sau đám cưới, anh tiếp tục ra đảo làm nhiệm vụ. Trong thời gian ở đảo, anh nhận được thư của bố vợ thông báo chị sinh con trai, cháu nặng 3,6kg. Cả đảo đến chúc mừng, Đảo trưởng cho nhà bếp nấu một nồi quân dụng chè đậu xanh để ăn mừng.

Đầu năm 1991, anh chuyển công tác về Trường Quân sự tỉnh thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình, sau đó về Ban CHQS huyện Vũ Thư, những nơi gần nhà. Anh tự nhận mình là người lính may mắn vì có được người vợ hiền, đảm đang và hơn nữa anh hiểu rằng, đồng đội mình, có nhiều người vì nhiệm vụ mà cuộc đời quân ngũ, số năm bên gia đình chưa bao giờ đầy nổi số đốt của một ngón tay.

… Đoàn rước dâu và đưa dâu phải đi trên những chiếc xe đạp, khi mưa gió dữ quá đành dắt xe đi bộ hơn bảy cây số. Cũng vì thời tiết mà đoàn đưa dâu hôm ấy chỉ có khoảng chục người của hai bên gia đình.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.