Dàn pháo Triều Tiên đủ sức san phẳng thủ đô Seoul?

Triều Tiên tập trận pháo binh lớn chưa từng có tại thành phố duyên hải Wonsan ngày 26/4. Ảnh: AP
Triều Tiên tập trận pháo binh lớn chưa từng có tại thành phố duyên hải Wonsan ngày 26/4. Ảnh: AP
Một số chuyên gia cho rằng pháo Triều Tiên đủ sức san phẳng thủ đô Seoul, Hàn Quốc, song nhiều ý kiến lại nói sức mạnh của lực lượng này đã bị thổi phồng.

Đối với hầu hết các lực lượng quân đội trên thế giới, pháo binh chỉ là thành phần trong một tổ hợp đa binh chủng gồm bộ binh, thiết giáp, tên lửa... Tuy nhiên, vị trí chiến lược của Triều Tiên, nằm trong phạm vi tấn công vào Seoul, khiến nhiều chuyên gia tin đội pháo binh và dàn phóng tên lửa nước này sở hữu có khả năng san phẳng thủ đô Hàn Quốc chỉ trong vài ngày, giống như một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo National Interest. Song cũng có ý kiến cho rằng mối đe dọa pháo binh, được mệnh danh "vua chiến trường" của Triều Tiên, đối với Seoul đã bị thổi phồng.

Lực lượng pháo binh khổng lồ

Suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên dồn sức xây dựng lực lượng quân đội và quân chủng pháo binh khổng lồ nhằm hiện thực hóa mục tiêu tái chiếm Hàn Quốc.

Bộ tư lệnh pháo binh Triều Tiêu chịu trách nhiệm quản lý 12.000 khẩu pháo và 2.300 dàn phóng tên lửa đa nòng, cỡ nòng trên 107 mm. Đa số các khẩu pháo Triều Tiên đều có cỡ nòng 122 mm, 130 mm, 153 mm, 170 mm và phần lớn dàn phóng tên lửa có cỡ nòng 240 mm.

Dàn pháo Triều Tiên đủ sức san phẳng thủ đô Seoul? ảnh 1

Xe tăng và xe pháo Triều Tiên đồng loạt khai hỏa trong cuộc tập trận ở thành phố duyên hải Wonsan ngày 26/4. Ảnh: Reuters

Cây bút Kyle Mizokami từ National Interest nhận định pháo binh đặc biệt hữu dụng trên báo đảo Triều Tiên bởi địa hình đồi núi, rừng cây chiếm phần lớn bán đảo làm hạn chế tầm nhìn, khiến tầm bắn thẳng bị rút ngắn. Những vũ khí với quỹ đạo bắn cầu vồng như pháo, dàn phóng tên lửa, súng cối sẽ phát huy tác dụng trong các chiến dịch tấn công những mục tiêu ở phía bên kia núi hoặc trong một thung lũng.

Vào thời bình, các đơn vị pháo binh do Bộ tư lệnh pháo binh, trực thuộc Cục 4, Cục Tác chiến, Bộ tổng tham mưu Triều Tiên, quản lý. Tuy nhiên, trong thời chiến, các đơn vị pháo binh Triều Tiên được đặt dưới quyền chỉ huy của những tư lệnh quân đoàn chịu trách nhiệm điều hành chiến dịch.

Các đơn vị quân sự Triều Tiên nói chung được trang bị pháo binh bắt đầu từ cấp trung đoàn. Chẳng hạn, mỗi trung đoàn bộ binh không chỉ có ba tiểu đoàn bộ binh mà còn có thêm một tiểu đoàn súng cối hạng nặng 120 mm 18 khẩu, một tiểu đoàn pháo 120 mm 18 khẩu, một tiểu đoàn pháo 122 mm 18 khẩu và một một tiểu đoàn phụ trách 9 dàn phóng đa nòng 107 mm và 140 mm. Điều này bảo đảm mỗi trung đoàn có thể tác chiến độc lập trên chiến trường, phát động tấn công mà không cần yểm trợ từ bộ chỉ huy trong trường hợp cần thiết.

Ở cấp độ cao hơn, một sư đoàn của Triều Tiên thường có ba tiểu đoàn pháo binh, gồm một tiểu đoàn pháo binh 152 mm 12 khẩu và hai tiểu đoàn pháo binh 122 m 18 khẩu kết hợp với một tiểu đoàn tên lửa đa nòng 122 mm gồm 12 bệ phóng tên lửa đa nòng Katyusha gắn trên xe tải. Tất cả các tiểu đoàn kể trên kết hợp lại tạo nên một sư đoàn chiến đấu ở tiền tuyến sở hữu số vũ khí tính theo nòng lớn hơn một sư đoàn của Hàn Quốc hay thậm chí cả Mỹ.

Triều Tiên được cho là còn có các quân đoàn sở hữu những khẩu pháo hạng nặng và dàn phóng tên lửa. Mỗi quân đoàn có 12 tiểu đoàn pháo binh, gồm 6 tiểu đoàn pháo và 6 tiểu đoàn tên lửa đa nòng, nhiều gấp đôi số lượng đơn vị pháo binh trong một quân đoàn Mỹ. Các tiểu đoàn pháo này được trang bị 18 khẩu pháo tự hành 170 mm, trong khi đó, các tiểu đoàn tên lửa đa nòng được trang bị các dàn phóng tên lửa 240 mm.

Quân bài chủ răn đe đối thủ

Thế giới có cơ hội chứng kiến khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị pháo binh Triều Tiên trong một sự kiện hiếm hoi hồi tháng 11/2010, khi nước này phát động cuộc tấn công pháo binh bất ngờ nhằm vào đảo Yeonpyeong, phía nam Hàn Quốc. Để chuẩn bị cho cuộc tấn công, một tiểu đoàn tên lửa đa nòng 122 mm được di chuyển đến bán đảo Kangnyong, Triều Tiên, gần đảo Yeonpyeong.

Các dàn phóng tên lửa này do Sư đoàn Bộ binh số 33, Triều Tiên, quản lý, theo trang tin chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên 38North.org.

Ngày 23/11/2010, đảo Yeonpyeong bị pháo kích hai đợt với tổng cộng 170 quả tên lửa 122 mm và dường như còn có thêm một số quả đạn pháo 76,2 mm bắn từ các đơn vị pháo binh sát bờ biển Triều Tiên.

Hàn Quốc đáp trả ở mức độ hạn chế vì radar chống pháo không hoạt động và cần thời gian sửa chữa để kịp tấn công vào các đơn vị tên lửa Triều Tiên. Hai dân thường và hai lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Tiểu đoàn tên lửa đa nòng Triều Tiên có thể bắn tổng cộng khoảng 288 quả tên lửa nhưng chỉ có 170 quả thực sự vươn đến đảo Yeonpyeong, trong đó, chỉ 80 quả rơi xuống đảo, số còn lại rơi ở vùng biển xung quanh đảo.

Theo Kyle Mizokami, kể từ thập niên 1990, khi chính quyền tổng thống Mỹ Bill Clinton quyết định không phát động tấn công quân sự chống lại chương trình hạt nhân Triều Tiên, người ta bắt đầu có một sự nhìn nhận chung rằng Bình Nhưỡng sở hữu đủ pháo binh để biến Seoul, nơi có 25 triệu dân sinh sống, thành một "biển lửa" và khiến ít nhất một triệu người thiệt mạng. Viễn cảnh chết chóc ấy khiến lực lượng pháo binh được so sánh như quân bài chủ lực của Triều Tiên nhằm răn đe hành động quân sự từ Mỹ và Hàn Quốc.

Rủi ro

Một báo cáo từ Viện nghiên cứu An ninh và Bền vững Nautilus, trụ sở ở California, Mỹ, hồi năm 2011, không tin vào viễn cảnh Triều Tiên tổng lực pháo kích Seoul. Về mặt lý thuyết, một lực lượng pháo binh hùng hậu có khả năng khiến một lượng dân số lớn thương vong, nhưng các vấn đề tác chiến có thể gây khó khăn và khiến số thương vong dân thường giảm đáng kể.

Triều Tiên nắm trong tay hàng nghìn khẩu pháo nhưng chỉ 700 khẩu pháo hạng nặng cùng bệ phóng tên lửa, cộng với 300 dàn phóng tên lửa đa nòng mới có tầm bắn vươn đến Seoul. Thêm vào đó, chỉ 1/3 số này có thể khai hỏa cùng lúc và tần suất khai hỏa sẽ rất chậm vì Triều Tiên vẫn cần phải rút các khẩu pháo và dàn phóng hỏa tiễn vào những địa điểm an toàn để né hỏa lực pháo binh phản công từ đối thủ.

Các yếu tố khác cũng có thể làm giảm số thương vong dự báo ở khu vực đô thị Seoul trong một cuộc pháo kích từ Triều Tiên. Chẳng hạn, Seoul có hệ thống hầm trú ẩn khổng lồ cho người dân, góp phần giảm mật độ dân số bị đặt vào tình thế nguy hiểm.

Bên cạnh đó, Triều Tiên còn có khả năng gặp khó khăn trong việc cung cấp đạn dược cho các đơn vị pháo binh, đặc biệt khi chúng đã cũ kỹ.

Mặt khác, lực lượng Mỹ và Hàn Quốc chắc chắn sẽ nhanh chóng truy tìm để tiêu diệt các đơn vị pháo binh Triều Tiên đang tham gia tấn công Seoul. Điều này sẽ khiến số lượng pháo binh Triều Tiên tham chiến giảm gần như lập tức.

Cuối cùng, nếu phát động pháo kích Seoul, Triều Tiên sẽ đối mặt thế bế tắc mang tính chiến lược. Pháo binh sử dụng để dội hỏa lực vào Seoul sẽ không còn khả năng làm suy yếu các tuyến phòng vệ khác của đối phương.

Một cuộc pháo kích tổng lực nhằm gây thương vong tối đa vào thủ đô Hàn Quốc có thể khiến Bình Nhưỡng mất khả năng chiếm giữ Seoul, đồng thời mở ra cơ hội chắc chắn để Hàn Quốc và Mỹ thực hiện cuộc phản công phối hợp, lật ngược thế cờ.

Một chiến dịch pháo kích ồ ạt có khả năng khiến một triệu dân thường Seoul thiệt mạng nhưng nó chắc chắn cũng sẽ dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Triều Tiên, Kyle Mizokami đánh giá.

Pháo binh Triều Tiên chắc chắn đóng vai trò rất lớn đối với bất kỳ cuộc xung đột nào có thể nổ ra trên bán đảo Triều Tiên trong tương lai. Dù quân đội Triều Tiên sở hữu một lượng lớn pháo và dàn phóng hỏa tiễn, những diễn biến gần đây cho thấy chúng chưa đạt đến sức mạnh tối đa. Hơn nữa, dù một cuộc pháo kích nhằm vào Seoul chắc chắn gây thương vong lớn cho dân thường, nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu tố liên quan khiến Triều Tiên phải cân nhắc kỹ trước một cuộc tấn công như vậy.

Cây bút Kyle Mizokami kết luận viễn cảnh tốt đẹp nhất vẫn là Triều Tiên sẽ không sử dụng lực lượng pháo binh hùng hậu của mình để tấn công Seoul.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG