Dang dở một tài hoa ra trận

Nguyễn Kim Duyệt (thứ hai từ trái sang) đang học vẽ tại chiến trường. Ảnh: Lê Trí Dũng.
Nguyễn Kim Duyệt (thứ hai từ trái sang) đang học vẽ tại chiến trường. Ảnh: Lê Trí Dũng.
TP - Ðang là sinh viên, Nguyễn Kim Duyệt nhập ngũ, thuộc Lữ đoàn xe tăng 203, đơn vị sau này đã đánh chiếm Dinh Ðộc Lập ngày 30/4/1975. Trong quá trình chiến đấu, người lính tài hoa ấy luôn mong ước khi nước nhà thống nhất sẽ trở lại giảng đường đại học, nhưng ước nguyện đó mãi dở dang bởi anh đã ngã xuống ngay trước ngày đại thắng, ngày 28/4/1975…

Khát vọng giữ trong ba lô

Tôi đến gặp đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, nguyên chiến sĩ lái xe tăng 380, đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Kim Duyệt năm xưa. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, xe tăng 380 thuộc đại đội 4 (tiểu đoàn 1, lữ đoàn 203, quân đoàn 2), cùng đại đội với xe tăng 390 và 843, những xe tăng đầu tiên vào Dinh Ðộc Lập ngày 30/4/1975. “Ðáng tiếc khi xe 380 tiến vào Dinh Ðộc Lập ngày 30/4 không có Nguyễn Kim Duyệt. Anh đã hy sinh trước đó hai ngày”- Ðại tá Nguyệt bồi hồi cho biết.

Ðại tá Nguyệt kể: Ðầu tháng 4/1975, do yêu cầu chiến đấu, pháo thủ số hai xe tăng 380 được điều sang xe khác, sau đó Nguyễn Kim Duyệt đến nhận nhiệm vụ pháo hai mới. Duyệt trông khá thư sinh. Sau lưng ngoài chiếc ba lô lép kẹp còn khoác thêm cây ghi-ta cũ.

Khi đó lái xe Nguyệt nghĩ: So với tiêu chuẩn thông thường thì pháo hai mới chưa đạt, bởi lính xe tăng thường phải khoẻ vì công việc rất nặng nhọc. Tuy nhiên, sau “khoản” ra mắt chưa thật ưng ý, Kim Duyệt đã khiến các thành viên xe 380 yên lòng bằng những thao tác gọn gàng khi lau chùi, bảo dưỡng khẩu đại liên cũng như sắp xếp lại các trang bị trong buồng chiến đấu.

Tối hôm đó, có dịp trò chuyện với nhau, kíp xe biết thêm Kim Duyệt là người Hà Nội, đang học năm thứ hai Ðại học Nông nghiệp 1 thì nhập ngũ, đến nay đã làm nhiệm vụ pháo hai được hơn một năm. Sau đó, kíp xe ngồi nghe Duyệt chơi đàn. “Tay này cũng được đấy chứ”- lái xe Nguyệt nghĩ.

Có lần dừng chân trên đường hành quân, Kim Duyệt tâm sự với đồng đội rất mong chiến tranh mau kết thúc để trở lại giảng đường đại học. Anh phấn chấn hẳn khi giữa tháng 4/1975, đơn vị nhận lệnh hành quân thần tốc vào Sài Gòn.

Tối 26/4/1975, sau khi nhận nhiệm vụ về, trưởng xe 380 Nguyễn Ðình Luông thông báo: “Ðại đội ta sẽ nằm trong đội hình thọc sâu đánh chiếm Dinh Ðộc Lập. Bây giờ phải chuẩn bị thật tốt để không xảy ra bất cứ điều gì đáng tiếc trong chiến đấu”. Kíp xe khẩn trương chuẩn bị, ngoài cơ số đạn theo xe còn được nhận thêm mười viên đạn xuyên.

Do buồng chiến đấu chật hẹp, nên để xếp thêm đạn mọi người phải bỏ hết tư trang và những thứ không cần thiết ra ngoài. Khi đó, ba lô của các anh Luông, Nguyệt và pháo thủ số một Trương Ðức Thọ được buộc gọn sau tháp pháo, còn pháo hai Duyệt vẫn lúi húi tìm cách nhét ba lô của mình vào một góc buồng chiến đấu.

Trưởng xe Luông lẩm bẩm: “Làm gì cứ loay hoay mãi thế, nhanh lên còn làm việc khác”. Pháo thủ Thọ gắt: “Ðời lính có cái quái gì mà cứ giấu giếm như giấu vàng ấy. Ðem buộc ra ngoài tháp pháo như bọn tao ấy”, rồi quay sang lẩm bẩm với lái xe Nguyệt: “Chẳng biết nó nhặt được những gì mà cất kỹ thế?”. Quả thật, trong chiến đấu, nếu không chấp hành kỷ luật chiến trường thì lính chiến cũng nhặt được nhiều thứ giá trị. Nhưng vốn hiểu Duyệt, nên Nguyệt gàn: “Thôi, kệ nó. Miễn không ảnh hưởng đến thao tác là được”.

Chiều 27/4, xe 380 được lệnh tăng cường cho đại đội 5 của tiểu đoàn để đánh căn cứ Nước Trong, một cứ điểm quan trọng trước cửa ngõ Sài Gòn. Sáng 28/4, trong trận chiến ác liệt, Kim Duyệt đã chứng tỏ mình là pháo hai có hạng.

Chỉ vài giây sau khẩu lệnh của trưởng xe Luông, với những thao tác nhanh gọn, anh đã nạp đạn để pháo thủ Thọ bắn. Trong quá trình chiến đấu, bất ngờ một quả đạn của địch nã trúng tháp pháo xe 380. Lái xe Nguyệt bị choáng ngất đi giây lát, khi tỉnh lại đã nghe tiếng pháo thủ Thọ phía sau: “Xe trúng đạn rồi, Luông và Duyệt bị thương nặng lắm”.

Quay đầu lại, Khắc Nguyệt thấy Trưởng xe Luông nằm bất động trên ghế, còn pháo hai Duyệt đầm đìa máu. Biết không còn khả năng chiến đấu, hai anh cho xe quay về trạm xá tiền phương để cấp cứu đồng đội. Sau khi kiểm tra, trưởng xe Luông bị thương chủ yếu do sức ép và va đập vào vành tháp pháo, còn pháo hai Duyệt nửa người tả tơi vì mảnh đạn.

Duyệt nắm tay Nguyệt thều thào: “Mình đau lắm, chắc không sống được”. Khắc Nguyệt động viên đồng đội, rồi bón sữa cho bạn. Kim Duyệt vừa thiu thiu ngủ, thì Khắc Nguyệt và Ðức Thọ được lệnh trở về vị trí tập kết để khôi phục xe tiếp tục chiến đấu.

Vào xe, khi nhấc ba lô của Duyệt ra để gửi lại bệnh xá, Ðức Thọ thấy khá nặng. Ðột nhiên ba lô bật nắp, cả hai lặng người khi thấy trong đó chỉ có bộ quần áo cũ, cái võng và một bó sách.

Lật qua vài quyển, Khắc Nguyệt thấy toàn là sách học, từ điển tiếng Anh, tiếng Pháp… mà bạn đã lượm được trên đường hành quân. Anh ứa nước mắt khi nhớ lại những lời tâm sự của Kim Duyệt muốn trở lại giảng đường đại học trước đây. Ðức Thọ trầm ngâm: “Thế mà có lúc mình đã nghĩ oan cho Duyệt. Phải xin lỗi Duyệt mới được”.

Quay vào trạm xá, hai anh thấy Kim Duyệt vẫn thiêm thiếp ngủ. Người quân y ngồi bên ra hiệu cho họ im lặng. Do chiến trận gấp gáp, cả hai phải trở lại xe.

Tuy nhiên, tối hôm đó, Khắc Nguyệt và Ðức Thọ nghe tin Kim Duyệt đã hy sinh sau khi họ rời khỏi bệnh xá chừng hai tiếng. Cả hai lặng người, không nói nên lời.

Dang dở một tài hoa ra trận ảnh 1 Ký họa chân dung Nguyễn Kim Duyệt của họa sĩ Lê Trí Dũng.

Lời xin lỗi không bao giờ kịp nói

Trước khi được nghe câu chuyện trên, tôi có dịp gặp hoạ sĩ Lê Trí Dũng và biết một số tình tiết khác về liệt sĩ Nguyễn Kim Duyệt. Bữa ấy, tôi đến nhà họa sĩ Dũng cùng anh Ngô Sĩ Nguyên, cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390, xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Ðộc Lập ngày 30/4/1975. Hóa ra họa sĩ Lê Trí Dũng- người được biết đến với những bức tranh ngựa nổi tiếng - trong thời chiến từng là lính xe tăng.

Khi họa sĩ Dũng cho chúng tôi xem một bức ảnh chụp bốn người lính ngồi trên xe tăng đang học vẽ tại chiến trường, anh Nguyên đã nhận ra đồng đội Kim Duyệt. Họa sĩ Dũng bùi ngùi: “Duyệt từng cứu sống tôi, còn anh lại hy sinh”.

Họa sĩ Lê Trí Dũng cho biết, cuối năm 1972, anh được điều trở lại Quảng Trị để vừa trực tiếp chiến đấu, vừa ký họa, chụp ảnh với nhiệm vụ phóng viên chiến trường.

Ðầu năm 1973, khi đến Tiểu đoàn 1(Lữ đoàn xe tăng 203) công tác, anh được Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ (người sau này đã hy sinh ngày 30/4/1975 trước cửa ngõ Sài Gòn-PV) thông báo: “Trên vừa điện vào, lệnh cho anh mở một lớp học vẽ cho đơn vị để sau này có thể làm bích báo tăng cường sĩ khí cho quân ta”. Lớp học tổ chức, chọn ra được bốn người, trong đó có Nguyễn Kim Duyệt.

Duyệt học vẽ rất khá, lại có năng khiếu âm nhạc.Sau mỗi chiều học vẽ, anhlại vác ghi-ta vào xóm để đàn cho trẻ em nghe. Duyệt từng tâm sự với Trí Dũng: “Hết đánh nhau, em chỉ muốn về học tiếp. Còn ngoại ngữ và ghi-ta là thứ em sẽ theo hết đời”. Hiếu học và tâm hồn nghệ sĩ là vậy, nhưng khi chiến đấu Kim Duyệt lại rất mạnh mẽ, cứ như lúc ấy có một Duyệt khác nhập vào anh.

Thời đó, lớp học luôn bị gián đoạn bởi những trận chống lấn chiếm. Một hôm, khoảng 3 giờ sáng, Trí Dũng đang ngủ say trên võng bỗng bị một cú huých mạnh khiến anh ngã xuống đất. Vừa vớ khẩu AK, Trí Dũng đã thấy Kim Duyệt nấp sau bao cát bắn địch. Té ra, đêm ấy bọn địch lấn vào trận địa ta. Nhìn chiếc võng rách toang, Trí Dũng biết nếu không có phản xạ và cú huých của Kim Duyệt thì anh đã trúng đạn địch.

Trong quá trình dạy vẽ, Trí Dũng từng ký họa chân dung Kim Duyệt và chụp một bức ảnh về lớp học đặc biệt này để kỷ niệm. Rồi anh chia tay lớp học, nhận nhiệm vụ mới…

Dang dở một tài hoa ra trận ảnh 2 Liệt sĩ Nguyễn Kim Duyệt.

Ðại tá Nguyệt cho biết, năm 1993, qua hỏi thăm anh đã biết mộ Kim Duyệt đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành (Ðồng Nai) nên đã đến viếng đồng đội.

Trước mộ bạn, anh nói: “Duyệt ơi, chúng tớ rất muốn xin lỗi cậu. Tiếc thay, lời xin lỗi ấy không bao giờ kịp nói”. Sau lần đó, Khắc Nguyệt nhiều lần trở lại viếng mộ đồng đội. Cuối tháng 4/2015, anh lại cùng họa sĩ Lê Trí Dũng đến viếng mộ Kim Duyệt.

Hai cựu binh lặng lẽ ngồi bên mộ đồng đội, nhớ lại những kỷ niệm riêng của mỗi người với người đã khuất, một “tài hoa ra trận” đã không thể thỏa ước nguyện trở lại giảng đường… 

“Hết đánh nhau, em chỉ muốn về học tiếp. Còn ngoại ngữ và ghi-ta là thứ em sẽ theo hết đời”.

Tâm sự của người lính Nguyễn Kim Duyệt với đồng đội, họa sĩ Lê Trí Dũng

MỚI - NÓNG