'Điểm danh' 5 vũ khí thay đổi cục diện chiến tranh tương lai

'Điểm danh' 5 vũ khí thay đổi cục diện chiến tranh tương lai
Dự đoán về các loại vũ khí sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đối với cục diện chiến tranh trong tương lai là một điều rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đưa ra một danh sách các loại vũ khí mà hầu hết trong số đó đang được phát triển và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi có thể thay đổi bản chất của một cuộc chiến.

1. Máy bay không người lái “cảm biến”

Có lẽ sự phát triển quan trọng nhất của ngành công nghiệp quốc phòng trong thập kỷ qua là sự xuất hiện của các phương tiện bay không người lái (UAV). Khi công nghệ phát triển, những chiếc máy bay không người lái sẽ nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ truyền thống của con người và nó khiến một số nhà bình luận cho rằng UAV có thể một ngày nào đó sẽ khiến phi công trở nên lỗi thời.

Tuy nhiên, những UAV hiện nay, từ loại mang bom trong các tàu ngầm mini, từ loại trực thăng giám sát trên tàu chiến đến các máy bay thực hiện nhiệm vụ ám sát ở vị trí cao hơn cũng không thể tự di chuyển và phần lớn đều cần có sự can thiệp của con người. Không chỉ được điều khiển từ xa (mặc dù tính tự động hóa ngày càng cao) mà nó còn phải chịu sự giám sát của con người, ví dụ như việc phát hiện mục tiêu và quyết định phóng tên lửa Hellfire vào mục tiêu đó.

Điều này có thể sớm thay đổi khi các nhà khoa học làm cho các UAV có “trí tuệ” nhân tạo, giúp chúng có thể hoạt động độc lập hơn và một ngày nào đó có thể mở ra cánh cửa cho các máy bay không người lái tự chủ ra “các quyết định” có ý nghĩa sinh tử. Tất nhiên, những thiết bị không người lái hay robot nói chung không thể thông minh theo nghĩa giống như con người và cũng không thể có cảm giác như con người. Nhưng những tiến bộ trong khả năng tính toán sẽ cho phép UAV nhận thức được tình huống và có khả năng thích ứng cao hơn. Khi tiếp tục được cải thiện, những chiếc UAV một ngày nào đó có thể trở thành thứ vũ khí “bắn và quên”. Và khi đó, chúng có thể chiếm ưu thế trong các cuộc đối đầu.


'Điểm danh' 5 vũ khí thay đổi cục diện chiến tranh tương lai ảnh 1

2. Tên lửa hành trình siêu thanh Nếu tên lửa hành trình siêu thanh xuất hiện trong những năm 1990, Mỹ có thể đã tiêu diệt trùm khủng bố Al Qaeda Osama bin Laden sớm hơn và việc này sẽ được thực hiện tại Afghanistan chứ không phải là ở Pakistan. Với sức công phá của đầu đạn hạt nhân cùng với khả năng tấn công chính xác các mục tiêu ở một khoảng cách xa hàng nghìn km, tên lửa hành trình cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến chiến tranh hiện đại. Nhưng trong giai đoạn mà trong một phút có thể chuyển bại thành thắng, tên lửa đạn đạo vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ, phải mất 80 phút để một quả tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM) phóng từ tàu chiến Mỹ ở biển Arập tấn công các trại huấn luyện của Al Qaeda tại Afghanistan năm 1998, sau các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania. Nếu sử dụng tên lửa siêu thanh bay ở tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh), nhiệm vụ trên chỉ mất khoảng 12 phút để bay tới mục tiêu. Việc hướng tới khả năng tấn công ở bất cứ nơi nào trên thế giới một cách nhanh chóng đã cho ra đời một chương trình gọi là "Tấn công chớp nhoáng trên toàn cầu" mà quân đội Mỹ bắt đầu phát triển từ năm 2001. Những nỗ lực ban đầu của Mỹ tập trung vào thiết bị tên lửa siêu thanh có tên gọi X-51A do Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL) và Cơ quan thiết kế thuộc Sở Nghiên cứu Quốc phòng cao cấp (DARPA) cùng hợp tác nghiên cứu. Được nhà sản xuất Boeing và Pratt Whitney cùng phối hợp chế tạo, tên lửa siêu thanh X-51A được trang bị động cơ chạy bằng hydrocarbon JP-7, có tốc độ bay thiết kế lên đến Mach 6 - 6,5 (gấp từ 6 đến 6,5 lần tốc độ âm thanh). Sau ba lần thử nghiệm thất bại, đầu tháng 5/2013, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa X-51A Waverider. Tên lửa này đã đạt đến vận tốc Mach 5,1 trong lần bay thử nghiệm cuối trên Thái Bình Dương. Sau cuộc thử nghiệm thành công này, Mỹ đã thực hiện một bước đột phá lớn trong công nghệ tên lửa siêu tốc độ. Một số chuyên gia tin rằng, công nghệ này thực sự là công nghệ mang tính cách mạng. Nếu công nghệ mới này được sử dụng thành thục, các cuộc tấn công trên toàn cầu của Mỹ sẽ đạt được bước nhảy vọt quan trọng, đồng thời có ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống vũ khí cũng như phương thức phòng thủ tấn công hiện nay. Hiện Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã có những bước tiến trong việc phát triển công nghệ trên, khiến một số nhà phân tích quốc phòng cảnh báo về sự xuất hiện một cuộc chạy đua vũ trang tấn công toàn cầu đang xuất hiện. Loại tên lửa X-51A Waverider của Mỹ đạt được tốc độ 6.000 km/giờ, nhanh hơn nhiều so với các tên lửa Tomahawk hiện nay, có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác trên khắp trái đất chỉ trong 1 giờ và làm lu mờ hệ thống phòng thủ truyền thống. Có thể sự ra đời của vũ khí siêu tốc độ này sẽ mở ra một công nghệ phòng thủ chiến thuật mới.
'Điểm danh' 5 vũ khí thay đổi cục diện chiến tranh tương lai ảnh 2

3. Các loại vũ khí không gian

Bất chấp áp lực quốc tế phản đối việc vũ khí hóa không gian, các nước lớn tiếp tục khám phá công nghệ có thể biến bầu trời thành chiến trường. Khả năng phát triển những vũ khí loại này là vô hạn, từ bệ phóng tên lửa triển khai trên mặt trăng cho đến hệ thống chặn bắt và đổi hướng các tiểu hành tinh tới một mục tiêu trên mặt đất.

Cùng với những đột phá của khoa học công nghệ hiện đại, các loại vũ khí không gian chắc chắn sẽ có tác động lớn đối với bản chất của chiến tranh trong tương lai.

Trong tương lai, các tàu vũ trụ không gian có thể sẽ được trang bị vũ khí hạt nhân hoặc xung điện từ phi hạt nhân (EMP). Như vậy, bằng cách gây nổ vũ khí EMP gắn trên vệ tinh, một bên tham chiến sẽ mở đầu vụ tấn công phá hủy mạng lưới điện tử, vệ tinh, hệ thống chỉ huy kiểm soát, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát vốn rất cần thiết cho các hoạt động quân sự của đối phương. Tùy thuộc vào kích cỡ của loại vũ khí EMP được sử dụng, cuộc tấn công có thể làm tê liệt cả một quốc gia, thậm chí là cả một khu vực. “Cú đòn chí tử” như vậy có thể ngay lập tức chấm dứt một cuộc chiến tranh trước khi một viên đạn được bắn ra.

Ngoài ra, vũ khí EMP bắn từ các bệ phóng dưới mặt đất hoặc không qua hệ thống vệ tinh rất dễ bị đánh chặn hoặc tấn công phủ đầu, nhưng vũ khí EMP gắn trên vệ tinh có thể vượt ra ngoài tầm với của hầu hết hệ thống tên lửa phòng không các nước, trừ một vài quốc gia có khả năng chống vệ tinh như Nga, Mỹ...

Một công nghệ khác rất được quan tâm và đã được cảnh báo từ vài thập kỷ qua là việc sử dụng vũ khí laser năng lượng cao, triển khai ngoài không gian để đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương - hay còn gọi là BPI. Ưu điểm của BPI là có khả năng vô hiệu hóa một tên lửa đạn đạo tại giai đoạn nó có tốc độ bay chậm nhất, do đó xác suất đánh chặn thành công sẽ cao hơn.

Không giống như các hệ thống phòng thủ chiến trường đang được sử dụng cho BPI (ví dụ như Aegis) phải được triển khai gần lãnh thổ đối phương, hệ thống laser triển khai trong không gian, như đã nói ở trên, hoạt động ở độ cao vượt ra ngoài tầm với của tên lửa phòng không nhiều quốc gia.

'Điểm danh' 5 vũ khí thay đổi cục diện chiến tranh tương lai ảnh 3

4. Súng điện từ

Mỹ đã phát triển loại súng này từ năm 2005 và bắt đầu thử nghiệm mẫu súng điện từ do BAE Systems thiết kế năm 2012. Ngoài ra, một công ty khác là General Atomics cũng tham gia vào lĩnh vực này. Súng điện từ không sử dụng vật liệu cháy nổ để đẩy đầu đạn. Tuy nhiên, nhờ từ trường mà loại súng này có thể đẩy các đầu đạn có khối lượng cực lớn đi xa với vận tốc 4.500 - 5.600 m/phút. Tầm bắn của súng điện từ cũng đạt từ 320 - 400 km.

Tốc độ cao và tầm bắn xa của súng điện từ mang lại một số lợi ích cả trong tấn công và phòng ngự, từ tấn công chính xác các hệ thống phòng ngự tiên tiến nhất cho đến phòng không chống lại các mục tiêu đang bay đến. Một lợi thế khác của công nghệ này là không còn phải lưu trữ các loại chất nổ nguy hiểm và các vật liệu dễ cháy cần thiết khác để phóng các quả đạn thông thường.

Về nguyên lý hoạt động, đây là vũ khí sử dụng năng lượng điện tử thay vì thuốc súng để phá hủy mục tiêu bằng động năng thay vì bằng chất nổ. Nó hoạt động bằng cách gửi đi những dòng điện tạo ra lực từ trường đủ mạnh để bắn đạn với tốc độ cao hơn so với những loại sử dụng thuốc súng. Nhờ khả năng này, nó cho phép những con tàu bắn sâu vào lãnh thổ của đối phương trong khi vẫn có thể neo đậu ở nơi an toàn. Vì không cần thuốc súng nên những khẩu đại bác này an toàn hơn và không tốn diện tích vận chuyển. Hải quân Mỹ hiện đang thử nghiệm và hy vọng sẽ sử dụng súng điện từ vào năm 2018.

Trung Quốc cũng được cho là đang chế tạo loại súng này với phiên bản riêng của mình. Những hình ảnh vệ tinh chụp năm 2010 cho thấy các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành tại một đơn vị pháo binh gần Baotou ở khu tự trị Nội Mông.

'Điểm danh' 5 vũ khí thay đổi cục diện chiến tranh tương lai ảnh 4

5. Áo siêu tàng hình

Nguyên lý tàng hình của loại áo này là uốn cong các sóng ánh sáng xung quanh. Ý nghĩa quân sự của áo tàng hình là cho phép các lực lượng đặc biệt thực hiện những cuộc tấn công vào ban ngày trên lãnh thổ đối phương mà không bị phát hiện, hoặc ít nhất là cung cấp cho họ thêm thời gian để nắm quyền chủ động, như vậy sẽ làm giảm nguy cơ thương vong trong các chiến dịch quân sự. Người sử dụng áo siêu tàng hình cũng có thể dễ dàng đột nhập và phá hủy các mục tiêu quan trọng hoặc ám sát một nhân vật được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt.

Công nghệ này còn có thể áp dụng cho máy bay tàng hình, tàu ngầm và nhiều loại vũ khí khí tài khác để làm “mù” đối phương. Quân đội Mỹ và Canada đang tài trợ cho dự án phát triển áo siêu tàng hình. Tất nhiên, công nghệ này cũng sẽ rất nguy hiểm nếu nó rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.