Điểm tựa nơi đầu sóng

Niềm vui đón thêm thành viên mới của gia đình anh Phan Văn Định - chị Đặng Thị Chung
Niềm vui đón thêm thành viên mới của gia đình anh Phan Văn Định - chị Đặng Thị Chung
TP - Hơn bao giờ hết, gia đình là điểm tựa vững chắc để những người lính biển vững tin vượt qua khó khăn, gian khổ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển cùng lực lượng Kiểm ngư vẫn đang kiên cường bám biển, thực thi nhiệm vụ... Hơn bao giờ hết, gia đình là điểm tựa vững chắc để những người lính biển vững tin vượt qua khó khăn, gian khổ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Vững tâm con nhé!"

Những ngày này, cứ đến chương trình thời sự lúc 19 giờ của Đài Truyền hình Việt Nam là bà Nguyễn Thị Tuất (mẹ thiếu úy Nguyễn Xuân Tuyển, nhân viên tín hiệu tàu CSB 2012, Hải đội 201, vùng CSB 2) và bà Nguyễn Thị Loan (mẹ trung úy Nguyễn Trung Thành, làm việc trên tàu CSB 4033, Vùng Cảnh sát biển 2) ở xóm Thái Bình, xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An) lại ngồi trước màn hình ti vi xem tin tức về tình hình ở biển Đông - nơi hai người con trai của họ đang thực hiện nhiệm vụ.

Bà Loan cho biết: “Từ hôm xem thời sự, thấy tàu 4033 của thằng Thành bị tàu Trung Quốc đâm va, ruột gan rối bời, tôi không sao chợp mắt được. Mãi 5 ngày sau, tàu của nó được đưa vào bờ sửa chữa và tiếp nhiên liệu, nó mới gọi về báo là mọi người đều an toàn, không ai bị thương, tôi cũng thấy yên tâm hơn”.

Điểm tựa nơi đầu sóng ảnh 1

Ảnh cưới của vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tuyển và chị Nguyễn Thị Huyền

Bà Nguyễn Thị Tuất cho biết: “Từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 đến nay, Tuyển mới gọi về nhà một lần. Thấy con dặn bố mẹ và vợ con ở nhà yên tâm, con và mọi người vẫn khỏe, tôi cũng bớt lo. Tôi luôn động viên con trai phải vững tâm, phát huy truyền thống của gia đình, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Anh Tuyển là con út và là con trai độc nhất của bà Tuất. Cưới vợ được 3 ngày, vợ chồng chưa kịp “bén hơi nhau” thì anh Tuyển lên đường làm nhiệm vụ. “Anh ấy đi biển quanh năm, vợ chồng chúng em chỉ được kết nối qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi. Em sinh con 17 ngày sau anh ấy mới về. Xác định đã là vợ lính biển thì phải hy sinh" - chị Nguyễn Thị Huyền, vợ anh Tuyển nói.

Chị Huyền còn bật mí: “Con trai của chúng em được đặt là Hải Đăng. Anh ấy bảo Hải Đăng là đèn biển, là ánh sáng dẫn đường để anh trở về sau mỗi chuyến ra khơi”.

Tâm sự của bà Loan, bà Tuất, chị Huyền khiến chúng tôi càng thấu hiểu hơn nỗi lòng của những người mẹ, người vợ có chồng, con đang công tác nơi đầu sóng. Các mẹ, các chị luôn chấp nhận những khó khăn, gian khổ và cả những thiệt thòi để động viên chồng, con yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

"Con là đèn biển, con là đại dương!"

Đó là lời nhắn nhủ của chị Đặng Thị Chung tới chồng là trung úy CN Phan Văn Định (nhân viên tàu CSB 8001, vùng Cảnh sát biển 4). Trong ngôi nhà nhỏ, nằm cạnh đường tỉnh lộ 535 Vinh-Cửa Hội của gia đình chị Chung mấy ngày nay rộn rã tiếng cười nói của bà con lối xóm đến chúc mừng, chia vui bởi chị Chung vừa sinh hạ cho anh Định một bé trai kháu khỉnh hôm 29/5.

Tay ôm chặt đứa con trai vào lòng, chị Chung chia sẻ với chúng tôi: “Mặc dù đây là lần thứ hai em “vượt cạn” mà không có anh Định ở bên, nhưng em hiểu mình yêu và cưới bộ đội thì phải biết chấp nhận. Hơn nữa, em cũng tự hào vì có chồng làm Cảnh sát biển, càng tự hào hơn khi biết nhiệm vụ cao cả mà anh đang làm để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Ba năm làm vợ bộ đội, chị Chung quá quen với việc anh thường xuyên vắng nhà, một mình chị lo toan, quán xuyến việc nhà để anh yên tâm công tác. Đợt này, anh lên tàu làm nhiệm vụ trước ngày chị Chung sinh một tháng. Trước khi đi, anh còn bàn với vợ sẽ đặt tên con là Phan Đặng Đại Dương, để nhắc nhở con về tình yêu đối với biển, đảo, quê hương.

Câu chuyện của chị Chung, khiến chúng tôi thực sự xúc động và cảm phục, cảm phục bởi đức tính dịu dàng nhưng cũng đầy bản lĩnh của chị để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lo toan gánh vác việc nhà, giúp chồng yên tâm làm nhiệm vụ.

Rời căn nhà nhỏ của chị Chung, anh Định, chúng tôi ra về khi ánh hoàng hôn đang dần tắt. Trên chiếc loa phát thanh của xã Nghi Thái, giai điệu bài hát “Nơi đảo xa” ngân nga: “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba, ta vượt qua, vượt qua...”, trong tôi dâng trào bao niềm cảm xúc. Tôi chợt nhớ tới hình ảnh những người mẹ, người vợ, người con - họ chính là điểm tựa vững chắc nơi hậu phương, tiếp thêm sức mạnh để các cán bộ, chiến sĩ vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió.

Ba năm làm vợ bộ đội, chị Chung quá quen với việc anh thường xuyên vắng nhà, một mình chị lo toan, quán xuyến việc nhà để anh yên tâm công tác. Đợt này, anh lên tàu làm nhiệm vụ trước ngày chị Chung sinh một tháng. Trước khi đi, anh còn bàn với vợ sẽ đặt tên con là Phan Đặng Đại Dương, để nhắc nhở con về tình yêu đối với biển, đảo, quê hương.

MỚI - NÓNG