Trường Sa mùa xuân về - Bài 2:

Điểm tựa vươn khơi bám biển

Các chiến sĩ đảo Tốc Tan A làm cơm trong ngày mưa bão. Ảnh: Trường Phong.
Các chiến sĩ đảo Tốc Tan A làm cơm trong ngày mưa bão. Ảnh: Trường Phong.
TP - Sóng cấp 6 - 7, biển động dữ dội. Tàu 561 vội vào neo trong lòng hồ đảo Tốc Tan. Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân bảo, cũng may có lòng hồ, nếu đang đi đảo khác cũng phải quay về đây neo. Bên cạnh tàu 561, vài chiếc tàu cá cũng vừa chạy vào thả neo...

“Thèm người” giữa biển

Vượt cơn giông biển do ảnh hưởng của đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường, tàu 561 thả neo trong lòng hồ Tốc Tan. Phía ngoài lòng hồ, sóng vẫn cấp 5 – 6. Lên boong tàu theo dõi diễn biến thời tiết, Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 bảo, không đùa với tự nhiên được, một khi đã nổi giông gió thì không biết thế nào. Có lẽ, lịch trình di chuyển đến thăm các điểm đảo phải thay đổi để phù hợp. “Ở đất liền nghe biển động cấp 6 - 7 chắc lo lắm, nhưng cũng may có lòng hồ này để tránh trú. Nếu đi Núi Le rồi thì cũng phải quay về đây”, ông Quang nói thêm.

Sau một ngày neo trong lòng hồ, do thời tiết chuyển biến tốt, lại muốn tiết kiệm thời gian hành trình, dù sóng lớn, gió vẫn to, đoàn công tác vẫn lên xuồng vào đảo, trong đó có phóng viên báo Tiền Phong. Xuồng lắc lư trong gió, nâng lên hạ xuống theo nhịp sóng. Vừa tiếp cận đảo Tốc Tan A, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải lao xuống biển vớt dây, lai dắt xuồng vào bờ. Trời vẫn mưa tầm tã, sóng đánh bờ đảo ầm ầm, bọt tung trắng xóa. Một nhóm cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo, một nhóm chuẩn bị nấu cơm phục vụ đoàn công tác. Một chiến sĩ lội xuống biển vớt “đặc sản” ốc nhảy. Anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường hay tăng gia rồi chờ đãi khách. Một vài anh em cán bộ, chiến sĩ khác lấy thịt gà trong tủ cấp đông ra chặt, trong khi những chiếc bắp cải vừa mang từ tàu vào cũng ngay lập tức được lấy ra làm món canh. Cơn bão Tembin quét qua khiến đảo thêm khó khăn trong việc tăng gia rau xanh. Trong thời điểm khó khăn, anh em không có rau xanh, lượng rau cải trồng được chủ yếu để muối dưa, hoặc dùng một ít nấu canh cho có vị rau.

“Có những người thuê tàu đi biển, họ sợ hỏng tàu phải đền nên không dám rời tàu lên đảo. Anh em cán bộ, chiến sĩ thông báo về Lữ đoàn, chúng tôi bảo, nếu ngư dân không lên, chúng tôi sẽ đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ đi biển. Thế họ mới lên đấy”.

 Đại tá Phan Ngọc Quang - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146

Bữa cơm ngày mưa bão diễn ra đầm ấm, Đại tá Phan Ngọc Quang bảo, biết là anh em mong, nên dù thời tiết bất thuận, đoàn cũng bố trí vào thăm, kiểm tra, động viên anh em. “Đảo chìm diện tích nhỏ. Anh em đi ra đi vào chạm mặt nhau mãi. Muốn có một vài “người lạ” đến để trò chuyện cũng khó. Nay bão gió, đoàn chỉ có vài người vào được. Có cả chị em nữ phóng viên, nhưng không vào được vì khó quá”, đại tá Quang cười. Rồi ông kể, có những câu chuyện dở khóc dở cười như việc nhiều khi nhìn mặt nhau chán quá, bảo mày đi đường khác đi, xong rồi một lát sau lại chạm mặt nhau. Có những câu chuyện kể đi kể lại, kể mãi, hết chuyện không còn gì để kể với nhau nữa. Hầu hết các đảo ở Trường Sa đều “thèm người” như vậy. Thấy phóng viên vào đảo, cán bộ đảo Thuyền Chài A bảo, biết có đoàn đến, cả tuần anh em mất ngủ. Ngày nào cũng mong ngóng. Đoàn lại đổi hành trình nên mong ngóng càng nhiều hơn. “Anh em nhìn mãi nhau chán rồi, giờ có người từ đất liền đến thăm, trò chuyện, văn nghệ vui hơn nhiều”...

Điểm tựa vươn khơi bám biển ảnh 1 Một tàu cá vào neo đậu tránh sóng ở Trường Sa. Ảnh: Trường Phong.

Điểm tựa giữa trùng khơi

Nói thêm về đảo Tốc Tan trong bữa cơm trưa với anh em cán bộ, chiến sĩ, Đại tá Phan Ngọc Quang nói thêm, đảo nằm trên bãi san hô có diện tích hơn 140km vuông, là một trong những bãi cạn rộng ở Trường Sa. Tốc Tan cũng là ngư trường thuận lợi cho ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ ra khai thác hải sản. Lòng hồ đảo cũng rộng, sẵn sàng hỗ trợ tàu ngư dân khai thác đánh bắt hải sản và tránh trú bão. Cơn bão số 16 vừa qua, nhiều ngư dân vào tránh trú bão và được bố trí ăn nghỉ trên nhà văn hóa đa năng của đảo. Năm 2017, đảo hỗ trợ nhiều ngư dân về y tế, hàng nghìn lít nước ngọt để đồng bào yên tâm bám biển, đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ông Quang bảo, đảo lớn, đảo bé, dù một nhà hay hai nhà, ba nhà, dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn thì nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân được ưu tiên hàng đầu. Ngay trên đảo Tốc Tan C, dù chỉ có một nhà giữa biển, nhưng khi giông bão nổi lên, ngư dân vào tránh trú bão, đề nghị hỗ trợ về lương thực, nước ngọt, cán bộ, chiến sĩ vẫn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ. “Đó là nhiệm vụ củng cố thế trận quốc phòng an ninh trên biển, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”, ông Quang nói. Ông Quang kể, nhiều khi ngư dân vào neo trú bão nhưng không lên đảo vì sợ chi phí tốn kém, anh em cán bộ, chiến sĩ lại phải thông báo trên loa, mời gọi vào đảo ở cho an toàn và hoàn toàn miễn phí. “Có những người thuê tàu đi biển, họ sợ hỏng tàu phải đền nên không dám rời tàu lên đảo. Anh em cán bộ, chiến sĩ thông báo về Lữ đoàn, chúng tôi bảo, nếu ngư dân không lên, chúng tôi sẽ đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ đi biển. Thế họ mới lên đấy”, ông Quang nói thêm.

Cùng với Tốc Tan, Thuyền Chài và hầu hết các đảo ở Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân, nên cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ đóng trên các đảo thường xuyên làm nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân. Đỗ Ngọc Kình, Phó Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài B kể, nhiều khi ngư dân đi biển lâu ngày, thiếu thốn lương thực, nước ngọt vào đảo đều được hỗ trợ. “Có tàu hết gạo đúng lúc gặp bão, vào đảo hỏi mua, nhưng mình cho một bao để ăn trên đường về bờ. Đồ ăn, uống lúc nào cũng thoải mái với ngư dân”, anh Kình nói. Không chỉ ngư dân Việt Nam, các đảo còn sẵn sàng làm công tác cứu trợ nhân đạo ngư dân nước ngoài gặp nạn, như năm 2017, đảo Thuyền Chài cứu vớt được 4 ngư dân của Philippines và đã trao trả lại cho nước bạn. Nói thêm về Thuyền Chài, đại tá Phan Ngọc Quang tiết lộ, nhìn trên hải đồ trông giống như một chiếc thuyền nên nhân dân gọi là Thuyền Chài. Đây cũng là đảo có diện tích bãi cạn thuộc diện lớn nhất ở Trường Sa, ở giữa có lòng hồ sâu để ngư dân tránh trú bão hoặc khi thời tiết phức tạp. Theo ông Quang, Thuyền Chài là một ngư trường khai thác hải sản rất thuận lợi. Các ngư dân ra đây đánh bắt hải sản tương đối nhiều, ngoài cá còn có các loài ốc quý như ốc nón, ốc nhảy. Đảo đã làm tốt công tác giúp ngư dân, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trong năm 2017 và cần phát huy trong những năm tới. Ông Quang cũng hé lộ, trong tương lai, Thuyền Chài có nhiều cơ hội phát triển về kinh tế biển...

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG