Đồ tể IS “John thánh chiến” bị tiêu diệt như thế nào?

Đội đặc nhiệm Không quân Anh
Đội đặc nhiệm Không quân Anh
TPO - Đội đặc nhiệm Không quân Hoàng gia Anh (SAS) lừng danh đã đột nhập vào hang ổ IS ở Syria trong chiến dịch tiêu diệt tên đao phủ khét tiếng có biệt danh “John thánh chiến” của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Hồi giữa tháng 11 vừa qua, quân đội Mỹ tuyên bố, một cuộc không kích bằng máy bay không người lái được tiến hành tại Syria đã tiêu diệt đối tượng Mohammed Emwazi- đao phủ khét tiếng có biệt danh “John thánh chiến” của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Emwazi "máu lạnh" đã trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người khi mặc đồ đen kín mít, xuất hiện trong video chặt đầu hai nhà báo Mỹ là James Foley và Steven Sotloff, nhân viên cứu trợ người Mỹ Peter Kassig, hai nhân viên cứu trợ người Anh David Haines và Alan Henning, nhà báo Nhật Bản Kenji Goto và nhiều con tin khác.

Kể từ khi quân đội Mỹ đưa ra tuyên bố trên, nhiều người vẫn thắc mắc rằng, tên đồ tể IS bị tiêu diệt như thế nào?

Đồ tể IS “John thánh chiến” bị tiêu diệt như thế nào? ảnh 1

Đao phủ khét tiếng có biệt danh “John thánh chiến”

Ngày 6/12, tờ The Mail on Sunday dẫn các nguồn tin quân sự đã tiết lộ quá trình tiêu diệt tên đao phủ khét tiếng của IS, một phần lớn nhờ sự trợ giúp từ Lực lượng đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) lừng danh, xâm nhập sâu vào bên trong thành phố Raqqa-thành trì của IS tại Syria.

Cụ thể, vào nửa đêm 11/11, tình báo Anh nhận được thông tin về vị trí chính xác của "John thánh chiến", đó là ở trong một toà nhà 6 tầng tại Raqqa, gần một tháp đồng hồ nổi tiếng của thành phố.

Một giờ sau, 2 trực thăng Chinook của Mỹ chở 8 lính đặc nhiệm SAS cùng 2 xe địa hình đặc biệt và 4 máy bay không người lái mini, cất cánh từ một căn cứ trong khu vực, bay qua sa mạc Syria ở độ cao thấp và thả nhóm lính đặc nhiệm SAS xuống một địa điểm cách phía bắc Raqqa 56 km. Tránh xa tất cả các tuyến đường chính, họ lái xe địa hình băng qua sa mạc, từng bước tiến về phía Raqqa.

Vào khoảng 3h sáng 12/11, nhóm lính đặc nhiệm SAS đã bí mật áp sát Raqqa và chỉ cách khu vực này khoảng 8km mà không bị phát hiện. Khi màn đêm buông xuống, trong lúc các thành viên của nhóm canh phòng, một lính đặc nhiệm đã lắp ráp 4 máy bay không người lái mini (dài 0.9 m, nặng hơn 0.5 kg), có trang bị camera hồng ngoại và camera quay hình ban đêm ở phía mũi. Những chiếc UAV mini này được lập trình trước để bay đến một tòa nhà 6 tầng ở Raqqa- nơi ẩn náu của tên John thánh chiến theo nguồn tin tình báo.

Lúc 19h, chiếc UAV đầu tiên bay đến “mục tiêu”, sau đó lơ lửng tại chỗ và chĩa camera ghi lại mọi chuyển động của "nghi phạm” ở trong toà nhà gần nhà thờ Hồi giáo Sharksa. Hình ảnh từ UAV được truyền về máy tính làm việc của nhóm đặc nhiệm và họ truyền lại qua vệ tinh về trung tâm chỉ huy của SAS tại Hereford (Anh) và về Bộ tư lệnh trung tâm Mỹ ở Doha, Qatar.

Lúc 20h30’, chiếc UAV đầu tiên sắp hết năng lượng và quay về, chiếc UAV thứ 2 bay đến thế chỗ. Sau một thời gian chờ đợi chẳng có gì mới, chiếc này quay về lúc 22h.

Khi chiếc UAV mini thứ 3 đến vị trí thì tên "John thánh chiến" bất ngờ xuất hiện trước ống kính máy quay của UAV. Các trung tâm điều khiển theo dõi của Mỹ và Anh căng thẳng cao độ.

Ngay lập tức, Bộ tư lệnh trung tâm Mỹ tại Doha cùng đội đặc nhiệm SAS đã xác nhận, hình ảnh đó chính là John thánh chiến. Một chiếc UAV loại MQ-9 Reaper của Mỹ mang tên lửa Hellfire được điều đến khu vực.

Đến 23h40', một chiếc xe ô tô dừng lại trước toà nhà, tên John thánh chiến đi ra và bước vào trong xe. UAV Reaper lập tức khóa mục tiêu và khai hoả cho nổ tung chiếc xe.

Nhiệm vụ mạo hiểm đã kết thúc thành công và "John thánh chiến rốt cuộc cũng trở thành quá khứ”.

Theo Daily Mail
MỚI - NÓNG