Giấc mơ hạt nhân của IS: Chỉ là quả bom tâm lý?

Giấc mơ hạt nhân của IS: Chỉ là quả bom tâm lý?
Tạp chí Dabiq - được coi là “cái loa tuyên truyền” của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - số mới nhất tiết lộ tổ chức khủng bố cực đoan này sẽ có vũ khí hạt nhân trong vòng một năm. Nhiều chuyên gia chống khủng bố phương Tây tỏ ra ngờ vực về tuyên bố của IS.

Thế nhưng, nhiều cuộc điều tra bí mật mới đây cho thấy có vẻ như IS không hề muốn “nói đùa”. Tổ chức này từng đề cập khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân từ Pakistan, một nước có lịch sử chế tạo bom hạt nhân phức tạp. Giờ đây, IS còn có thể mua vật liệu chế tạo vũ khí hạt nhân từ một nguồn cung cấp khác là Moldova - một quốc gia nhỏ bé ở Đông Âu.

Kế hoạch của quỷ

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, số phận kho vũ khí hạt nhân của khối Đông Âu là một cơn ác mộng đối với các chuyên gia quân sự phương Tây. Việc quản lý lỏng lẻo kho vũ khí hủy diệt hàng loạt ở các nước Đông Âu trước đây đã cho ra đời “chợ đen vật liệu hạt nhân” khá phong phú do các băng nhóm tội phạm có tổ chức kiểm soát. Cơn ác mộng nêu trên không hề viển vông mà rất gần với thực tế.

Trong 5 năm qua, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phối hợp với một nhóm cảnh sát chống buôn lậu Moldova đã phá vỡ 4 âm mưu bán vật liệu phóng xạ có thể chế tạo bom hạt nhân hoặc “bom bẩn”. Những âm mưu này đều thực hiện qua trung gian (hay “cò hạt nhân”), chứ những tên cầm đầu ít khi chường mặt ra ánh sáng.

Điều đáng nói là các tổ chức tội phạm đang săn tìm khách hàng có lập trường chính trị chống phương Tây và hướng tới tổ chức khét tiếng IS. Vụ mới nhất bị triệt phá xảy ra ở Moldova vào cuối tháng 10 vừa qua, khi một tay buôn lậu giới thiệu một kho khổng lồ chứa chất cesium-137 chết người đủ để tàn phá nhiều khu phố, và đã tìm được một khách hàng tới từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Các tổ chức tội phạm đang chèo lái một thị trường nguyên liệu hạt nhân chợ đen ở đất nước Moldova nhỏ bé và nghèo túng. 

Nhà chức trách Moldova cho rằng do Nga và phương Tây cắt đứt sự hợp tác nên hiện nay càng khó khăn hơn nhiều trong việc nhận biết bọn buôn lậu có tìm cách chuyển nguyên liệu hạt nhân từ kho dự trữ khổng lồ của Nga đi hay không, và số lượng bị tuồn ra thị trường chợ đen là bao nhiêu.

Một số tài liệu tiết lộ cuộc giao dịch liên quan đến mua bán chất phóng xạ cesium-137 có thể chế tạo “bom bẩn” với giá trị lên đến 2,5 triệu euro. “Cò hạt nhân” phải cẩn thận bí mật kiểm tra người mua qua 20 lần gặp gỡ tại nhiều địa điểm khác nhau, trước khi quyết định trao “hàng nóng”. 

Theo đó, những tay buôn lậu nguyên liệu chỉ nhắm tới khách hàng người Hồi giáo với mong muốn họ sẽ đánh bom người Mỹ, thông qua kết nối với tổ chức IS để sản xuất các quả bom với sức công phá khủng khiếp, trở thành loại vũ khí hoàn hảo “bất khả xâm phạm”. Khám trang trại của nhiều “cò hạt nhân”, cảnh sát phát hiện nhiều tư liệu kinh hoàng như các sơ đồ kỹ thuật chế tạo “bom bẩn”, hợp đồng bán vũ khí hạng nặng liên quan tới IS.

Quá trình điều tra đã đưa ra ánh sáng về âm mưu xóa sạch các nước phương Tây trên bản đồ thế giới bằng “sóng thần hạt nhân” của Nhà nước Hồi giáo. Theo kế hoạch này, IS sẽ tiêu diệt tất cả người vô thần và những tín đồ tôn giáo khác, kể cả những người Hồi giáo phái Shiite ủng hộ dân chủ. Vì theo quan điểm của IS, họ “áp đặt luật của loài người lên luật của Thượng đế”. 

Điều này dẫn tới những bi quan trong việc chống lại IS khi lực lượng cực đoan này tỏ ra mạnh hơn những người phương Tây tưởng rất nhiều. Đó là kẻ thù tàn bạo và nguy hiểm không chỉ chặt đầu nạn nhân mà còn chuẩn bị sẵn cả một chiến lược thanh lọc tôn giáo, tàn sát ít nhất 500 triệu người nếu có thể.

Tại những khu vực được cho là đại bản doanh chuẩn bị vũ khí của IS, cuộc sống người dân hết sức lầm than. Họ sống trong các hố bom, các trại tập trung và những căn nhà bị trúng bom với thái độ an phận, không chút than vãn bởi binh lính và chế độ IS rất tàn bạo. Người dân tỏ ra hoàn toàn bất lực và buông xuôi khi IS kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn với tâm thế háo hức “như lên đồng”.

Mỗi ngày có hàng trăm chiến binh tình nguyện đổ về từ khắp nơi, và chiến đấu vì IS. Và chiến lược này tỏ ra khá hữu hiệu, khi chỉ với chưa đến 400 tay súng, IS đã chiếm được các thành phố lớn ở Iraq. Trong nhiều trận đánh, có tin lính Iraq mất tinh thần để lực lượng IS tràn vào chiếm dễ dàng.

IS có ưu thế vượt trội, rất giàu về tiền bạc và tham vọng, lại nung nấu âm mưu bom hạt nhân và âm thầm tuyển dụng các nhà khoa học để phát triển vũ khí. Rất có thể các quốc gia phương Tây sẽ không thể có được chiến thắng trước lực lượng này bằng biện pháp quân sự bởi không có khái niệm “chính xác” gì về hiểm họa IS và đánh giá quá thấp sức mạnh của địch. Chiến binh IS nguy hiểm và tinh quái, có niềm tin sắt đá vào chiến thắng cuối cùng. 

Một nhà báo từng tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng chỉ có người Ảrập mới có thể đánh thắng IS. Năm 2007, quân đội Iraq từng thắng một lần nhưng lúc đó vì IS quá yếu. Nhưng đó là khả năng và cách duy nhất”. Thậm chí, nhân vật này còn kết luận trong tâm trạng bi quan rằng không hề có bất cứ một cơ may nào để ngăn chặn sự bành trướng của IS.

Giấc mơ hạt nhân của IS: Chỉ là quả bom tâm lý? ảnh 1

Bắt giữ nghi phạm trong một cuộc giao dịch liên quan đến mua bán chất phóng xạ cesium-137 có thể chế tạo “bom bẩn” với giá trị lên đến 2,5 triệu euro.

Chỉ là trò tuyên truyền

Trước tuyên bố giật gân của Nhà nước Hồi giáo rằng sẽ dùng vũ khí hạt nhân quét sạch quân thù và những tiết lộ về âm mưu bán chất liệu phóng xạ ở Moldova, nhiều chuyên gia phương Tây đã trấn an dư luận rằng IS không thể có được vũ khí hạt nhân. Chúng có thể chế tạo “bom bẩn” nhưng loại bom này không đáng sợ như tưởng tượng. 

Và trên thực tế, giấc mơ hạt nhân của IS chỉ là trò “rung cây nhát khỉ” nhằm mục đích tâm lý chiến. Sau khi phân tích những dữ liệu về IS mua nguyên liệu vũ khí hạt nhân thông qua các tay cò mồi ở Pakistan hay Moldova, Alain Rodier - giám đốc trung tâm nghiên cứu về tình báo của Pháp - khẳng định mọi chi tiết có vẻ như… hư cấu.

Theo ông Rodier, đúng là Pakistan từng khiến phương Tây lo lắng về việc phổ biến vũ khí hạt nhân cho ngoại bang nhưng nếu có đi chăng nữa thì chỉ có thể là Arab Saudi để chống lại Iran (trong trường hợp nước này chế tạo được bom hạt nhân) chứ không đời nào là một tổ chức khủng bố như IS. Lý do rất dễ hiểu: nếu làm như vậy thì nạn nhân đầu tiên có thể là chính quyền Pakistan. 

Riêng chuyện có tin một tổ chức chống chính quyền Islamabad có thể ăn cắp một quả bom hạt nhân rồi bán lại cho IS chỉ có trong óc tưởng tượng của các nhà làm phim Hollywood. Ngoài ra, những cơ sở hạt nhân của Pakistan được bảo vệ rất cẩn mật vì luôn luôn phải canh chừng người bạn láng giềng Ấn Độ.

Tóm lại, mục đích tuyên bố “sắp có vũ khí hạt nhân” của IS chỉ là trò tuyên truyền nhằm thu hút sự chú ý của dư luận và tạo ra tâm lý sợ hãi. Về mặt đối nội, sách lược này cũng nhằm lên dây cót tinh thần các chiến binh đang xả thân vì IS. Ngay cả trong trường hợp sở hữu một đầu đạn hạt nhân, việc IS có thể sử dụng nó rất khó xảy ra. 

Muốn kích hoạt đầu đạn hạt nhân thì phải biết mật mã và nắm vững nhiều kỹ thuật vô cùng phức tạp, điều mà IS khó lòng vượt qua. Dĩ nhiên, không loại trừ khả năng IS bí mật chuyên chở đầu đạn hạt nhân bằng đường bộ hay đường thủy đến mục tiêu. Dù vậy, thực tế cho thấy không thể có chuyện này vì đầu đạn hạt nhân đi tới đâu phát ra phóng xạ tới đó, và tương đối dễ dàng để phát hiện ra dấu vết ở biên giới các nước.

Khả năng đáng kể nhất và sát với thực tế của IS là chế tạo “bom bẩn”. Chính quyền các nước phương Tây đã nghĩ đến điều này nhưng họ không xem nó như nguy cơ số một. Đặc điểm của “bom bẩn” là chất phóng xạ phát tán đi càng xa thì càng yếu. Các nghiên cứu dài hơi của Mỹ đã đi đến kết luận rằng một vụ nổ “bom bẩn” không thể giết người hàng loạt bằng phóng xạ như bom nguyên tử. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là đánh giá thấp hiệu quả của “bom bẩn”. 

Nghe tới phóng xạ, con người đều hoảng sợ, khiến “bom bẩn” trở thành vũ khí khủng bố hoặc nói cách khác là vũ khí tâm lý lý tưởng. Ngoài ra, loại vũ khí này có thể gây ra những tổn thất kinh tế lớn, buộc chính quyền địa phương phải sơ tán dân, tạm dừng mọi hoạt động để làm vệ sinh môi trường. Đó chính là mục đích của các tổ chức khủng bố và là động cơ thúc đẩy IS tìm cách sở hữu vũ khí phóng xạ…

Theo Theo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".