Giải mật về 'đạo quân ma' của Mỹ trong Thế chiến II

Trong Thế chiến II, người Mỹ đã dùng “đạo quân ma” để chống phát xít Đức, với một bộ sậu làm phim và các “đạo cụ” như thật... bằng cao su. Để tránh bị quân Đức bắt làm tù binh, mỗi thành viên của “Đạo quân ma” luôn mang trong mình một viên thuốc độc để tự sát.

“Đạo quân ma” có quân số lên tới 1.100 người - bao gồm các chuyên gia ngụy trang, chuyên gia lồng tiếng, tiếng động, đạo cụ, phục trang, thiết kế mỹ thuật, lính công binh... để tạo ra hiện trường giả và một số tay súng bắn tỉa.

Đạo quân đặc biệt này được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tổng tư lệnh quân đội Đồng minh, Đại tướng Dwight Eisenhower. Đạo quân này có nhiệm vụ đánh lạc hướng quân Đức bằng các cuộc liên lạc vô tuyến  điện giả, tiếng động giả và nhiều xe tăng, máy bay “đạo cụ” bằng túi cao su bơm không khí. 

Giải mật về 'đạo quân ma' của Mỹ trong Thế chiến II ảnh 1

Sau 51 năm "im hơi lặng tiếng", cựu binh Gazo Nemeth mới được phép tiết lộ về "đạo quân ma" của Mỹ trong Thế chiến II.

 Ý tưởng điên rồ

Người nghĩ ra ý tưởng điên rồ thành lập “đạo quân ma” này là phóng viên Ralph Ingersoll, đeo quân hàm đại úy và có nhiệm vụ tạo ra những hiện trường giả đánh lừa quân Đức.  

“Đạo quân ma” được thành lập tháng 1/1944 với cái tên “Lực lượng đặc biệt số 23 của Đại bản doanh”.  Đạo quân này có bốn đơn vị trực thuộc. Thứ nhất là “Đại đội dịch vụ âm thanh số 3132” được trang bị các đĩa ghi tiếng động giả (lấy từ kho tư liệu của Hollywood) và thiết bị phóng thanh.  Các “Tiểu đoàn Công binh chiến trường số 603 và 406” có nhiệm vụ dựng hiện trường giả, triển khai xe tăng và máy bay bằng cao su. Còn “Đại đội phát tín hiệu đặc biệt” bao gồm các diễn viên lồng tiếng nhái giọng nói có hạng và các điện đàm viên tài năng như cựu chiến binh Gazo Nemeth.

Gia nhập “đạo quân ma” này là các chuyên gia âm thanh, nhiếp ảnh gia, nhân viên đạo cụ và diễn viên sân khấu điện ảnh... như ở phim trường Hollywood. Trong số các “quân nhân” có các họa sĩ nổi tiếng như George Vander Sluis, Arthur Singer và Ellsworth Kelly, nhà tạo mẫu Bill Blass và nhà thiết kế thời trang Jack Masey. Hồi đầu tháng 5/1944, “Đạo quân ma” được đưa từ Mỹ sang Anh bằng tàu thủy và vài tuần sau “Cuộc đổ bộ Normandie”, đạo quân này được tung vào chiến trường.

Phương án “tác chiến” không mấy thay đổi…

Cho đến khi kết thúc Thế chiến II, “đạo quân ma” mang số 23 này đã tham gia hơn 20 chiến dịch lớn nhỏ. Phương án tác chiến của “đạo quân ma” này không mấy thay đổi. Trước khi chiến dịch xảy ra, “đạo quân ma” cũng nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa cùng với nhiều sư đoàn quân thật.  Sau đó, các sư đoàn thứ thiệt chuyển sang một trận địa khác để đột kích bất ngờ, còn “đạo quân ma” tiếp tục ở lại đánh lừa quân Đức bằng xe tăng cao su, các cuộc điện đàm giả và thiết bị khuếch đại âm thanh.

Giải mật về 'đạo quân ma' của Mỹ trong Thế chiến II ảnh 2

Kho đạo cụ đánh lừa quân Đức của “Đạo quân ma” rất phong phú, trong đó có nhiều xe tăng bằng túi cao su có thể gấp lại gọn nhẹ.

Kho đạo cụ đánh lừa quân Đức của “đạo quân ma” rất là phong phú. Họ dùng máy kéo bánh xích để tạo ra những vệt bánh xe tăng hành tiến. Bằng các thiết bị khuếch đại, họ tạo ra tiếng động giả của cả một sư đoàn xe tăng đang xông lên công kích đối phương. Đạo quân này cũng dựng lên nhiều sân bay dã chiến giả, bãi tập kết xe tăng, trọng pháo với những “đạo cụ” đa dạng làm bằng túi cao su có thể thổi phồng lên và tháo hơi cho xẹp lại khi vận chuyển. 

“Đạo quân ma” này còn được phép đeo quân hiệu giả giống hệt quân hiệu của các sư đoàn tham chiến và điều này đã khiến cho không ít chỉ huy cấp sư đoàn quân thật nổi đóa. 

…nhưng thành tích thật phi thường

“Đạo quân ma” này đã nhiều lần được nếm đạn thật của quân Đức Quốc xã, khi các trận địa của đạo quân này bị pháo kích dữ dội. Đó chính là cái giá phải trả cho các đội quân nghi binh, khi quân Đức nghĩ rằng “đạo quân ma” này là các sư đoàn quân đồng minh thứ thiệt. 

Để tránh bị quân Đức bắt làm tù binh, mỗi thành viên của “Đạo quân ma” luôn mang trong mình một viên thuốc độc để tự sát, sau khi cho tiêu hủy hết các “đạo cụ” có trong tay. May mắn là không ai trong “Đạo quân ma” này phải dùng đến thuốc độc phòng thân. Trong suốt thời gian tham chiến, “Đạo quân ma” chỉ có 3 chiến sĩ hy sinh và 75 người khác bị thương.

Giải mật về 'đạo quân ma' của Mỹ trong Thế chiến II ảnh 3

Nhìn từ xa trông chiếc xe tăng "đạo cụ" này chẳng khác gì xe thật.

Thành tích lớn nhất của “Đạo quân ma” trong Thế chiến II là chiến dịch lớn cuối cùng của quân Đồng minh trong tháng 3/1945. Tại thị trấn Viersen cách thành phố Mönchengladbach vài cây số, “Đạo quân ma” đã tạo ra một trận địa giả với 600 xe tăng, xe vận tải quân sự và trọng pháo bằng…cao su. Đạo quân này đã đánh lạc hướng sự chú ý của quân Đức và tạo yếu tố bất ngờ cho cuộc tấn công ngày 23/36/1945 của quân Đồng minh cách thị trấn Viersen gần 40 cây số về phía bắc. 

Thành công của “Đạo quân ma” khiến cho giới lãnh đạo quân sự Mỹ quyết định giữ bí mật về đạo quân này để còn áp dụng trong các cuộc chiến sau này. Mãi đến năm 1996, các tài liệu về “Đạo quân ma” trong Thế chiến II mới được giải mật.

Theo Theo Kiến Thức
MỚI - NÓNG