Giải nghĩa hành động của hải quân Trung Quốc, một góc nhìn mới

Hải quân Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh hàng hải và hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương
Hải quân Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh hàng hải và hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương
TPO - Tham vọng hải quân và hàng hải Trung Quốc là gì, sự gia tăng sức mạnh hàng hải và hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông và Biển Hoa Đông của Trung Quốc có ý nghĩa thế nào?

Về những câu hỏi này, giáo sư Narushige Michishita, phó chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách quốc gia (GRIPS) tại Tokyo đưa ra góc nhìn riêng trong một bài phỏng vấn được đăng trên tạp chí The Diplomat.

Theo ông, có một mô hình mà theo đó, Trung Quốc thực hiện một vài bước quan trọng trong việc “cắt lát xúc xích”, khi một thứ khác đang thu hút sự chú ý của mọi người. Chỉ trong vòng một tháng, Trung Quốc đã đánh chìm một tàu đánh cá Việt Nam ở Biển Đông, điều tàu sân bay hoạt động ở phía tây Thái Bình Dương gần Đài Loan, thành lập “hai quận hành chính” mới ở Biển Đông. “Lần đầu tiên tàu hải cảnh của họ đuổi theo một tàu đánh cá Nhật Bản bên trong lãnh hải Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku” (đảo tranh chấp với Trung Quốc, phía Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư-PV), giáo sư Narushige Michishita nói.

Theo vị học giả Nhật Bản, thực hiện tất cả những hành động đó trong cuộc khủng hoảng COVID-19 làm suy yếu đáng kể danh tiếng của Trung Quốc. Tại sao Trung Quốc lại làm như vậy? “Có lẽ, vấn đề không phải  là Trung Quốc mà là về hệ thống (ở Trung Quốc. Trong trường hợp xấu nhất, vì “hệ thống” (tập hợp của giới tinh hoa cầm quyền, theo lời giáo sư Narushige Michishita) bị tấn công vì một số lý do, nó có thể chọn cách chuyển sự chú ý của mọi người khỏi những vấn đề của nó bằng cách nhen nhóm một cuộc khủng hoảng ở đâu đó như Biển Đông.

Làm thế nào các quốc gia khác phản ứng với một Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự và làm thế nào để các quốc gia khác có thể phản ứng hiệu quả hơn? Về câu hỏi này, giáo sư Narushige Michishita cho rằng có lẽ sẽ cần hợp tác an ninh quân sự chặt chẽ trên toàn khu vực để ngăn chặn Trung Quốc hành động như một kẻ bắt nạt. “Và trên thực tế, đó là một tin tốt cho Trung Quốc”, ông nói.

Vị giáo sư Nhật Bản nhận định: Khi chúng ta nói về việc cân bằng với Trung Quốc, một số người ở Trung Quốc ghét điều đó. Nhưng, trên thực tế, nỗ lực phối hợp của chúng ta để cân bằng với Trung Quốc mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước (Trung Quốc). Các cường quốc đang lên có xu hướng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Điều này đã xảy ra với Nhật Bản vào những năm 1930.

Thật không may, khi Nhật Bản nổi lên nhanh và mất kiểm soát chính mình, không có ai ở đó để ngăn chặn Nhật Bản. Trung Quốc quá yếu; Nga cũng bành trướng tương tự; và Mỹ vẫn tự cô lập. Kết quả là, Nhật Bản đã vượt khỏi tầm kiểm soát, tham gia một cuộc chiến thảm khốc với Mỹ và hủy hoại chính mình.

“Thực sự tốt cho Trung Quốc để được cân bằng. Cùng với đó, khi “hệ thống” yêu cầu lãnh đạo và người dân Trung Quốc hành động hung hăng, họ có thể nói, “chúng tôi không thể làm điều đó bởi vì người Mỹ, người Nhật, người Úc và những người khác ở ngoài đó để ngăn chặn chúng tôi. Xin lỗi”, giáo sư Narushige Michishita bình luận.

Có nhiều người nêu vấn đề dùng đối trọng quân sự để giải quyết vấn đề với Trung Quốc. Vị giáo sư người Nhật không đồng ý với quan điểm này. Theo ông, đối trọng quân sự không giải quyết được vấn đề cơ bản.

“Chúng ta cần phải làm gì đó về hệ thống. Khi tôi nói rằng chúng ta ở đây, tôi muốn nói là người dân ở Nhật Bản, Mỹ, các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và quan trọng nhất là người dân Trung Quốc. Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ với các nhà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc để thách thức “hệ thống” và mở đường cho Trung Quốc trở thành một cường quốc có trách nhiệm, yêu chuộng hòa bình và được tôn trọng.

Nếu Trung Quốc là một hệ thống có động lực riêng, mà một người - dù có thể là ông ấy mạnh mẽ - hoặc thậm chí một số lượng lớn người, cũng không thể tạo ra thay đổi một cách dễ dàng, điều đó thật đáng sợ. Tôi đoán và cũng lo ngại Trung Quốc đang thực sự trở thành một hệ thống - một hệ thống trong đó những thành công cá nhân của giới tinh hoa lãnh đạo gắn chặt với sự thôi thúc về ý tưởng một “Trung Hoa vĩ đại” , Giáo sư Narushige Michishita.

MỚI - NÓNG