Hải quân Mỹ tìm đường cạnh tranh với Nga ở Bắc cực

Hải quân Mỹ tìm đường cạnh tranh với Nga ở Bắc cực
TPO - Hải quân Mỹ đang toan tính việc triển khai máy bay săn ngầm P-8 Poseidon tới một căn cứ có từ thời chiến tranh lạnh ở Alaska trong nỗ lực đề phòng và giám sát các động thái của Nga và Trung Quốc trên Bắc cực, theo tin của Sputnik.

"Các ông bạn người Nga của chúng ta đang 'làm nóng' 5 đường băng và 10.000 lính đặc nhiệm Spetsnaz (tại Bắc cực) để 'tìm kiếm và cứu nạn'. Người Trung Quốc cũng đang có mặt ở đó. Mọi người đang ở đó”, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer nói trước các nghị sỹ quốc hội tuần trước. “Mọi người trừ chúng ta”, thượng nghị sỹ bang Alaska Dan Sullivan nói ngay.

"Nếu tôi có quyền lựa chọn mọi thứ, đó sẽ là điều tuyệt vời khi có trong tay các tàu chống chịu được băng, nhưng với nhu cầu hiện tại của chúng ta thì (những thứ hiện có) không đáp ứng được”, ông Spencer nói tại buổi điều trần ngày 14/12 trước Ủy ban Quân vụ thượng viện Mỹ. “Nhưng chúng ta cần tới đó. Tôi có thể cam kết rằng chúng tôi đang cố gắng tìm cách thực hiện điều đó”.

Sau buổi điều trần, ông Spencer nói với phóng viên của Breaking Defense rằng đường băng trên đảo Adak, một đảo cách Alaska hàng trăm dặm, thuộc quần đảo Aleutian “đang trong tình trạng rất tốt”. Để đưa đường băng này vào sử dụng cho các hoạt động của Không quân hải quân, người ta sẽ phải chi tiền dọn sửa nhà để máy bay, nhưng đó không phải là số tiền lớn.

Hải quân Mỹ tìm đường cạnh tranh với Nga ở Bắc cực ảnh 1 Sân bay trên đảo Adak, nơi hải quân Mỹ muốn mở lại căn cứ nhằm cạnh tranh với Nga ở Bắc cực (wikipedia)

Trước đó, Hải quân Mỹ tính toán rằng sẽ cần đến 1,3 tỷ USD cho việc mở lại căn cứ Adak, nhưng bộ trưởng Spencer nói với các nghị sỹ rằng hải quân có thể không tiêu đến chừng đó mà vẫn có thể đưa căn cứ hoạt động trở lại.

Bắc cực được cho là dung chứa 15% trữ lượng dầu mỏ còn lại của thế giới, 30% khí ga tự nhiên.
Hôm thứ Ba, bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã xác nhận thông tin về kế hoạch của Mỹ tại Bắc cực trong cuộc họp cuối năm của ban lãnh đạo bộ này. “Kể từ tháng 8, một hạm đội mới đã được hải quân Mỹ thành lập với nhiệm vụ chính là mở rộng sự hiện diện tại Bắc cực”, ông Shoigu nói.

Chuẩn đô đốc Nga Viktor Kochemazov, phụ trách huấn luyện tác chiến của Hải quân Nga nói trong năm 20177 rằng “trong tương lai, chúng ta có kế hoạch tăng cường hiện diện tại Bắc cực vì lý do an ninh quốc gia”, Sputnik tường thuật.

“Nhằm thống trị không gian, Mỹ đã tạo ra một lực lượng vũ trang mới- lực lượng không gian. Nay Mỹ tiếp tục mở rộng hạm đội để gia tăng hiện diện ở  vùng cực”, ông Shoigu nói. Về phía Nga, ông Shoigu nói quân đội Nga sẽ tổ chức 18.000 hoạt động tập trận và huấn luyện, bao gồm sự tham gia của các lực lượng hạt nhân chiến lược.

Ông giải thích rằng quân đội Nga đã củng cố năng lực tác chiến trong năm 2018 để đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ.

Bộ trưởng Shoigu cũng nói năng lực tác chiến của quân đội Nga đã tăng thêm 11% trong năm 2018 so với năm trước đó.

“Việc tăng năng lực 11% là điều được đảm bảo. Các chỉ số định lượng và định tính đã thể hiện rõ, nếu so với năm 2017”, ông Shoigu nói.

Nói về các máy bay ném bom chiến lược Tu-95, ông Shoigu nhấn mạnh rằng bốn hệ thống được hiện đại hóa có thể được tích hợp, đưa vào áp dụng trong hoạt động tác chiến của Lực lượng Không gian, trong năm 2019.

Ông cũng đề cập các hệ thống vũ khí laser mới của Nga có tên Peresvet đã được đưa vào biên chế lực lượng vũ trang Nga từ ngày 1/12.

“Từ ngày 1/12 năm nay, các hệ thống chiến đấu bằng tia laser mang tên Peresvet đã được đưa vào trực chiến”, ông Shoigu nói tại một hội nghị mở rộng của Bộ Quốc phòng.

Những lời bình luận của ông Shoigu xuất hiện sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin nói các lực lượng vũ trang Nga cần tập trung vào các hệ thống không người lái và công nghệ số. Ngày 11/12, Mỹ tuyên bố đã đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo tầm trung trong cuộc thử nghiệm ở Hawaii. Theo báo chí Mỹ, đây là lần đánh chặn thử nghiệm thành công lần thứ hai liên tiếp của loại tên lửa SM-3 Block IIA, sau cuộc thử nghiệm hồi tháng 10.

MỚI - NÓNG