Hải quân Mỹ tranh cãi phát triển máy bay mới

F/A-18E/F Super Hornet - nòng cốt trong sức mạnh tác chiến trên không của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ
F/A-18E/F Super Hornet - nòng cốt trong sức mạnh tác chiến trên không của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ
Giới lãnh đạo cấp cao muốn một máy bay tàng hình không người lái, trong khi hải quân ủng hộ thiết kế tương tự F/A-18E/F Super Hornet nhằm đáp ứng các mối đe dọa sau năm 2030.

Tạp chí National Interest cho biết, các nhà hoạch định quân sự Hải quân Mỹ vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong kế hoạch phát triển máy bay chiến thuật mới. Mẫu tiêm kích trên hạm được dự định sẽ thay thế cho F/A-18 E/F Super Hornet nhằm đáp ứng các mối đe dọa sau năm 2030.

Chương trình F/A-XX được cho là không thể giải quyết các thách thức khi hoạt động trong môi trường “chống xâm nhập/khu vực cấm”. Nơi thường được bảo vệ bởi hệ thống phòng không tiên tiến và các máy bay chiến đấu thế hệ mới của đối phương.

Các nhà hoạch định quân sự cũng hoài nghi năng lực của tiêm kích tàng hình F-35C có thể đối phó với hầu hết các mối đe dọa ở thời điểm đó. “Hàng không hải quân cần suy nghĩ về các thiết kế mới để giữ cho tàu sân bay, các phương tiện liên quan trong môi trường an ninh sẽ bị chi phối bởi các hệ thống phòng không tiên tiến như S-300 và S-400”, Jerry Hendrix – giám đốc đánh giá chiến lược quốc phòng, thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ nói với National Interest.

Mặc dù có nhiều mối đe dọa phải đối mặt, nhưng Hải quân Mỹ chỉ có một số ít tiêm kích tàng hình F-35C trên các tàu sân bay vào năm 2030. Theo một nguồn tin thân cận trong Hải quân Mỹ, cơ quan này không còn quá lo lắng về khả năng của tiêm kích tàng hình một động cơ, nhưng vẫn còn lo ngại về chi phí.

“Chúng tôi đang xem xét nó một cách thiện cận, chúng tôi vẫn hoài nghi vấn đề chi phí có thể giảm ở mức mong muốn”, nguồn tin nói. Ông Hendrix nói rằng, máy bay mới đắt hơn nhiều so với F/A-18 E/F Super Hornet, do đó hải quân dường như không đủ tiền để mua nhiều máy bay hơn.

Việc giảm số lượng máy bay có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các mối đe dọa trong tương lai của Hải quân Mỹ. Do vấn đề chi phí cao đối với F-35C, có nguồn tin nói rằng, hải quân có thể rời khỏi chương trình Tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 để thực hiện chương trình F/A-XX.

Lầu Năm Góc không ủng hộ F/A-XX


Lãnh đạo Lầu Năm Góc cho rằng, chương trình F/A-XX là một thiết kế bảo thủ không đáp ứng được các mối đe dọa sau năm 2030. Ông Hendrix cho rằng, máy bay như thế sẽ không thể hoạt động trong môi trường có hệ thống phòng không S-300 hoặc S-400.


Hải quân Mỹ tranh cãi phát triển máy bay mới ảnh 1 Lầu Năm Góc muốn một thiết kế không người lái tương tự X-47B. Ảnh: Hải quân Mỹ
Thứ trưởng Quốc phòng Robert O. Work muốn có một loại máy bay không người lái tàng hình có khả năng ném bom luồn sâu và nhiều hơn thế. Giới lãnh đạo cấp cao ủng hộ chương trình Máy bay Trinh sát Tấn công không người lái hoạt động trên tàu sân bay (UCLASS).


UCLASS sẽ đảm đương nhiệm vụ tình báo giám sát, trinh sát, tấn công luồn sâu đáp ứng được các mối đe dọa trong môi trường hoạt động sau năm 2030. MQ-25 Stringray đang được xem xét trở thành ứng viên chính cho chương trình.


Hải quân muốn F/A-XX


Hải quân muốn chiếc máy bay mới phải kế thừa và phát huy những đặc tính hiện có của Super Hornet. Về cơ bản F/A-XX là một siêu “Super Hornet” thế hệ tiếp theo.


Bộ chỉ huy Hệ thống Hàng không Hải quân đã phân tích các mối đe dọa sau năm 2030 và nhận thấy rằng, một siêu “Super Hornet” kết hợp với máy bay tác chiến điện tử EA-18G, máy bay chỉ huy E-2D và JSF F-35 sẽ đáp ứng được các mối đe dọa.

Hải quân Mỹ tranh cãi phát triển máy bay mới ảnh 2

Tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân Mỹ. Ảnh: Boeing

Ông Bryan McGrath – giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Hải quân FerryBridge cho rằng, tác chiến trên không vào năm 2030 không khác nhiều so với hiện tại. “Tôi nghĩ rằng, một thiết kế tương tự Super Hornet sẽ làm được rất nhiều điều giống như nó đang làm hôm nay”.

Ông McGrath nhận định thêm, khi hoạt động ở các khu vực có tranh chấp sẽ cần đến những máy bay như F-35C để đảm bảo bí mật. Ở những khu vực khác, một chiếc siêu Super Hornet kết hợp với máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler sẽ hiệu quả hơn.

Bryan Clark – thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách nói rằng, hệ thống mạng điều khiển hỏa lực hàng hải tích hợp (NIFC) sẽ là chìa khóa cho các hoạt động tác chiến trên không của Hải quân Mỹ sau năm 2030.

Sự kết hợp giữa F-35C hoặc B có khả năng tàng hình làm nhiệm vụ trinh sát, tình báo giám sát, sau đó truyền dữ liệu mục tiêu cho Super Hornet mang vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không điểm được bảo vệ bởi máy bay tác chiến điện tử để tấn công và diệt mục tiêu. Chúng tạo nên một mạng lưới thống nhất qua sự điều phối của máy bay E-2D Advanced Hawkeye cho phép đối phó hiệu quả với mọi mối đe dọa.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG