Hệ thống phòng không S-400 bất ngờ xuất hiện ở Algeria?

Hình ảnh được cho là hệ thống phòng không S-400 tại một khu quân sự Algeria.
Hình ảnh được cho là hệ thống phòng không S-400 tại một khu quân sự Algeria.
TPO - Một website quân sự của Algeria bất ngờ công bố sự xuất hiện của hệ thống phòng không tối tân của lực lượng vũ trang nước này. Các hình ảnh trên website khẳng định, hệ thống trên là S-400 do Nga sản xuất.

Theo thông tin đăng tải trên website Secretdifa3, hợp đồng cung cấp S-400 được Nga và Algeria ký kết một năm trước.

Hình ảnh trên website cho thấy, hệ thống xe vận chuyển S-400 được che phủ bằng tấm bạt lớn, và “bức ảnh đã được chụp vào mùa Xuân năm 2015 tại buổi kiểm tra và bàn giao vũ khí”.

Cùng ngày, website quân sự bmpd của Nga đăng tải thông tin cho biết, từ năm 2003, lực lượng vũ trang Algeria đã sở hữu ba trung đoàn trang bị hệ thống tên lửa chống máy bay S-300PMU-2, được bố trí phía Bắc Algeria, khu vực biên giới Morocco và khu vực bờ biển.

“Việc chuyển giao hệ thống phòng không S-400 sẽ giúp Algeria tăng cường khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách xa hơn”, nguồn tin cho biết.

Nếu thông tin trên là chính xác, Algeria là quốc gia đầu tiên sở hữu hệ thống phòng không S-400 lừng danh, sau quân đội Nga.

Trước đó, các nguồn tin quân sự cho rằng, Trung Quốc sẽ là quốc gia nước ngoài đầu tiên sở hữu S-400.

Tuy nhiên, tuyên bố của giới chức quốc phòng Nga khẳng định, việc chuyển giao S-400 chỉ được tiến hành khi nhu cầu về S-400 của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga được đáp ứng đầy đủ.

Hiện Nga có trong biên chế 9 trung đoàn S-400, chủ yếu tập trung bảo vệ thủ đô Moscow và các vùng công nghiệp trọng yếu của quốc gia.

S-400 do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300. Hệ thống này được biên chế từ tháng 4/2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó.

Hệ thống có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.

S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.

Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực chất S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm. Nó có thể hạ mục tiêu như chiến đấu cơ ở độ cao 27 km hoặc các mục tiêu tầm thấp, cách mặt đất chỉ từ 5 - 10 m. Đây là đặc điểm mà không hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất kỳ quốc gia nào làm được.

S-400 được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển. Nó có thể khai hỏa 5 loại tên lửa để tạo nên cơ chế phòng thủ phân lớp.

Theo Theo Lenta
MỚI - NÓNG