Hết tiền, nhóm nhà khoa học tuyệt mật vẫn nghiên cứu vũ khí

Hết tiền, nhóm nhà khoa học tuyệt mật vẫn nghiên cứu vũ khí
TPO - Một nhóm nhà khoa học tuyệt mật chuyên tư vấn cho chính phủ Mỹ về mọi thứ từ vệ tinh gián điệp tới vũ khí hạt nhân đang tìm nhà tài trợ sau khi Bộ Quốc phòng chấm dứt hợp đồng vào cuối tháng này.

Nhóm Gia đình Jason (viết ngắn gọn là Jason) hết tiền vào cuối tháng 4, NPR đưa tin ngày 25/4. Bộ Quốc phòng tuyên bố họ không cần lời khuyên của họ nữa, nhưng các chuyên gia độc lập cho rằng, Lầu Năm Góc đang bỏ đi một nguồn lực quý giá.

Có thể tư vấn về vũ khí hạt nhân

Jason có kinh nghiệm trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, điện toán lượng tử và tên lửa siêu thanh – những lĩnh vực mà Lầu Năm Góc đang nghiên cứu. Theo các chuyên gia độc lập, Jason có thể chuyển sang tư vấn cho Cục An ninh năng lượng quốc gia – cơ quan giám sát vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Russell Hemley, trưởng nhóm Jason, nói rằng, các cơ quan chính phủ khác vẫn cần lời khuyên của nhóm và họ xác định là sẽ nhận lời. Ngày 25/4, Cục An ninh hạt nhân quốc gia của Bộ Năng lượng bày tỏ ý định ký hợp đồng với Jason trong một vài tháng tới. Vì thế, tập đoàn Mitre, đơn vị quản lý Jason, sẽ phải tìm nguồn tài trợ cho nhóm trong giai đoạn chuyển tiếp.

Jason có khoảng 60 thành viên, là các học giả làm việc tại các trường đại học và khu vực tư nhân. Hằng năm vào dịp hè, họ tập hợp để cùng nghiên cứu các vấn đề hóc búa phục vụ quân đội, các cơ quan tình báo và một số cơ quan chính phủ.

Tên của nhóm cũng đầy bí ẩn dù người ta tin rằng, nó gợi nhớ Jason – vị hoàng tử Hy Lạp trong thần thoại dẫn đầu nhóm các anh hùng đi tìm Bộ lông cừu vàng.

“Chúng tôi hoạt động rất độc lập. Chúng tôi đa dạng về tài năng và thường đưa ra những quan điểm, giải pháp rất khác biệt, rất độc đáo”, ông Hemley, nhà vật lý và hóa học tại Đại học Illinois, nói. Ông là một trong số rất ít thành viên Jason công khai danh tính của mình với tư cách thành viên của nhóm. Ông Hemley nói Jason gồm các học giả, chuyên gia đứng đầu trong lĩnh vực của mình và không có vấn đề gì về an ninh nên họ có thể làm việc với bất kỳ chủ đề nào.

Hết tiền, nhóm nhà khoa học tuyệt mật vẫn nghiên cứu vũ khí ảnh 1 Nhóm Jason đã phát triển công nghệ laser được Không quân Mỹ dùng để chụp ảnh vệ tinh gián điệp rõ nét hơn. Ảnh: Phòng thí nghiệm Không quân Mỹ.

Phát triển hệ thống cảm biến sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam

Nguồn gốc của nhóm bắt đầu từ những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh.

“Họ tự thành lập vào năm 1960”, Ann Finkbeiner, tác giả cuốn sách The Jasons: The Secret History of Science's Postwar Elite (Gia đình Jason: Lịch sử bí mật của tinh hoa khoa học thời hậu chiến). Ban đầu họ là một nhóm nhà vật lý được Lầu Năm Góc tài trợ để nghiên cứu trong dịp hè về các vấn mà Bộ Quốc phòng Mỹ gặp phải trong việc chống lại Liên Xô. Những nhà nghiên cứu này quyết định tư vấn cho chính phủ Mỹ. Họ tiếp tục nghiên cứu mọi chủ đề, từ chiến tranh chống tàu ngầm tới phòng thủ tên lửa.

“Có lẽ nghiên cứu được biết đến nhiều nhất của họ là về nỗ lực ngăn miền Bắc Việt Nam chi viện cho miền Nam”, Finkbeiner nói.

Người và phương tiện đi dưới tán rừng rậm nên rất khó phát hiện. Jason đưa ra giải pháp phát triển hệ thống các cảm biến rồi thả chúng từ máy bay xuống những cánh rừng ở Việt Nam để chúng thu thập thông tin tình báo.

Chương trình này gây tranh cãi và thực tế hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên, nó đặt nền móng cho chiến tranh điện tử hiện đại, theo đó các cảm biến cung cấp thông tin chi tiết về chiến trường cho binh sĩ, Finkbeiner nói.

Những năm gần đây, Jason mở rộng nghiên cứu sang nhiều lĩnh vực, ông Hemley cho biết. Ví dụ, họ nỗ lực giúp Bộ Nông nghiệp tìm ra phương pháp tốt hơn nhằm sử dụng dữ liệu để hiểu về sản xuất lương thực.

Tại phiên điều trần trước quốc hội trong tháng này, lãnh đạo Cục An ninh hạt nhân quốc gia, bà Lisa Gordon-Hagertym, nói: “Tôi có thể nói với mọi người rằng, Jason giàu về lịch sử và chuyên môn kỹ thuật của họ tốt”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.