‘Hoạt động của Hải quân Nga tại Địa Trung Hải đúng luật quốc tế’

‘Hoạt động của Hải quân Nga tại Địa Trung Hải đúng luật quốc tế’
TPO - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov khẳng định, việc tăng cường nhóm tàu của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải là một phản ứng bình thường đối với tình huống đang xảy ra trong khu vực.
Nga khẳng định tính hợp pháp của lực lượng Hải quân tại Địa Trung Hải
Nga khẳng định tính hợp pháp của lực lượng Hải quân tại Địa Trung Hải. Ảnh: RT

RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Anatoly Antonov cho biết, các hoạt động của lực lượng Hải quân Nga tiến hành theo đúng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

“Hạm đội Biển Đen của chúng tôi chịu trách nhiệm, trong đó cả đối với vùng biển Địa Trung Hải, do khu vực này nằm đủ gần với biên giới của Liên bang Nga”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga lưu ý.

Ông Antonov cũng nhấn mạnh rằng Hải quân Nga sẽ không tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào một cuộc xung đột có thể trong khu vực một khi chiến tranh tại Syria nổ ra.

Tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Nga đưa ra khi Bộ Quốc phòng nước này vừa quyết định đưa “sát thủ tàu sân bay” Moskva tới Địa Trung Hải.

Theo đó, vào khoảng giữa tháng 9/2013, tuần dương hạm Moskva sẽ tiến vào Địa Trung Hải và đảm nhiệm chỉ huy tác chiến lực lượng Hải quân Nga tại khu vực, thay cho vai trò của tàu chống ngầm Đô đốc Panteleyev của Hạm đội Thái Bình Dương.

Trong khi đó, các tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk và Minsk của các hạm đội Biển Đen và Baltic và tàu trinh sát Prizovie của Hạm đội Biển Đen ngày 5 và 6/9 đã đồng thời tiến vào Địa Trung Hải.

'Sát thủ tàu sân bay
'Sát thủ tàu sân bay" Moskva. Ảnh: RT

Cả 3 tàu chiến trên đã lên đường thực hiện chuyến hành quân Địa Trung Hải cùng từ một điểm trú đóng là căn cứ hải quân ở Novorossyisk, tuy vào thời gian khác nhau: Prizovie vào ngày 2/9, Novocherkassk và Minsk vào 3/9. Các tàu sẽ liên tiếp đi qua khu vực eo biển Bosphorus - Dardanelles và gần như cùng lúc tiến vào Địa Trung Hải.

Trước khi khủng hoảng Syria xảy ra, Nga, đồng minh thân cận của Damascus, vẫn duy trì sự hiện diện gần như liên tục của 4 chiến hạm ở phía đông Địa Trung Hải trong suốt thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria.

Nga cũng sở hữu một căn cứ hải quân ở cảng Tartus, Syria, như một bằng chứng cho thấy mối quan hệ thân thiết của Damascus với Moscow từ thời Liên Xô.

Tùng Dương
theo RIA Novosti, VOR

Theo Dịch
MỚI - NÓNG