Hồi ức chiến sĩ biệt động đánh Dinh Độc Lập

Quân giải phóng trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Quân giải phóng trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Nguồn: Báo Hà Tĩnh
TP - Thương binh Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) năm nay 70 tuổi, sống tại huyện Củ Chi, TPHCM. Trận tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 dù đã trôi vào miền quá khứ gần nửa thế kỷ, nhưng mỗi lần ngồi nhắc lại, ông Bảy Hôn vẫn bùi ngùi xúc động.

Chiến đấu kiên cường trên quê hương

Khi chúng tôi đến nhà ông Bảy Hôn, ông đang tất bật cắt rau chăm đàn bò sau nhà.  Tiếp chúng tôi bên tách trà sáng, thương binh Bảy Hôn lần giở từng trang ký ức.

Ông Bảy Hôn kể, ông sinh năm 1945, tại ấp Sa Nhỏ, xã Trung Lập, huyện Củ Chi và cả cuộc đời ông gắn bó, chiến đấu, sinh sống ngay trên đất thép anh hùng này. 13-14 tuổi, ông theo chân các trai tráng trong làng tham gia đào địa đạo Củ Chi để phục vụ chiến đấu lâu dài.

Năm 1959, trước thực trạng chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành đạo luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam, ấp Sa Nhỏ cũng hòa mình vào dòng chảy kháng chiến như các địa phương khác, rào làng chiến đấu, thành lập nhiều tổ du kích mật kết hợp với cán bộ “9 năm” còn ở địa phương tham gia chiến đấu ngày đêm, ngăn chặn những cuộc hành quân xâm lấn của địch. 

Chiến đấu ở địa phương cho đến năm 1962, lúc 17 tuổi đời, ông Bảy Hôn chính thức tòng quân vào lực lượng tiểu đoàn D14 ở tỉnh Tây Ninh. “Nhiệm vụ của tôi lúc đó là chiến đấu, mỗi lần di chuyển là mang 4 quả cối 60 để chiến đấu ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. 

Thuở nhỏ, với tôi, chiến đấu là niềm đam mê, biết là nếu không may sẽ hy sinh nhưng điều đó chẳng nhằm nhò gì với người dân Củ Chi đất thép thành đồng này”, ông Bảy Hôn kể.

Chỉ 2 năm sau, năm 1964, ông Bảy Hôn được đơn vị cho đi học một khóa đặc công rồi chuyển về đại đội K14 của Quân khu Sài Gòn - Gia Định, vốn là một đơn vị độc lập chuyên nhiệm vụ đánh cầu, đánh tàu... Ông còn theo đơn vị này đến khi chuyển hóa thành tiểu đoàn Quyết Thắng rồi trung đoàn Quyết Thắng, hành quân đánh địch ở khắp các tỉnh miền Đông lúc đó.

 Đến tháng 6/1967, ông Bảy Hôn được tổ chức điều động về biên chế của đội 5 của Biệt động Sài Gòn. “Có thể nói Biệt động Sài Gòn là lực lượng có nét đặc biệt riêng biệt, vì là chiến đấu, nằm vùng trong lòng địch cho nên mọi điều phải bí mật.

Khi chuyển về đơn vị đặc biệt này, theo sự điều động của tổ chức, tôi phải di chuyển về xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) để học quân sự, học đánh tập kích theo mô hình dựng sẵn; rồi di chuyển về huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh để ban ngày học võ thuật, ban đêm học chính trị.

 Khi ấy cùng tập luyện, họp hành với nhau, nhưng tôi và các đồng đội cùng đơn vị không biết mặt nhau, ai cũng che mặt, ngăn cách nhau, vì đó là nguyên tắc để đảm bảo hoạt động bí mật...”, ông Bảy Hôn kể.

Hồi ức chiến sĩ biệt động đánh Dinh Độc Lập ảnh 1

Hầm chứa vũ khí của ông Năm Lai (tức Trần Văn Lai Mai Hồng Quế). Vũ khí được sử dụng đánh vào nhiều mục tiêu quan trọng trong tết Mậu Thân 1968, trong đó có Dinh Độc Lập

Cận kề những ngày Tết Mậu Thân 1968, ông và đồng đội tụ về đơn vị. Tại đây, thiếu tướng Trần Hải Phụng, Tư lệnh đầu tiên của Quân khu Sài Gòn - Gia Định, trực tiếp gặp gỡ các chiến sĩ biệt động Sài Gòn động viên tư tưởng.

Ông Bảy Hôn kể: “Anh Phụng xác định với anh em chúng tôi rằng, Đảng nuôi quân ngàn thuở, sử dụng một giờ. Đây là trận chiến mà sống còn chỉ là chuyện may mắn, nếu còn thì khả năng cũng tù đày nhưng hãy giữ khí tiết, trung dũng, kiên cường, không khai báo. Mỗi anh em chúng tôi đều phải làm một bảng báo cáo thành tích và xác định đi là chết.

Đơn vị còn cấp cho mỗi chiến sĩ biệt động 30 ngàn đồng, anh em chúng tôi xác định đây là “tiền tử”, nếu sa vào tay giặc thì sử dụng để... chạy chọt, giữ mạng sống của mình”.

 Đêm 28 tết âm lịch Mậu Thân, toàn thể đội 5 của Biệt động Sài Gòn tập trung tại một địa điểm ở ấp Chánh, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Những tấm vải choàng mặt được tháo ra, đồng đội ai cũng tỏ tường mặt nhau. Đêm ấy họ làm thịt một con gà để ăn tết sớm, uống máu ăn thề nhằm chuẩn bị vào trận chiến lịch sử.

Tập kích đầu não chế độ Sài Gòn

Ngày 29 tết âm lịch, lực lượng đội 5 di chuyển về nội thành ngay giữa ban ngày bằng nhiều phương tiện khác nhau như: xe lam, xe honda... và sử dụng giấy tờ căn cước giả qua trót lọt các trạm gác của địch.

16h chiều hôm đó, toàn thể đội 5 với 17 người đã tập trung đầy đủ về nhà của đồng chí Năm Lai (tức Trần Văn Lai hay Mai Hồng Quế, chiến sĩ đội 5 Biệt động Sài Gòn đóng vai nhà tư sản, là nhà thầu khoán trang trí Dinh Độc Lập) tại đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3.

Ngay sau đó, đồng chí Tư Tăng (tức Nguyễn Văn Tăng - người 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân) ra lệnh khui hầm, 15/17 người của đội 5 xuống hầm chứa vũ khí ngay tại nhà Năm Lai để tra lắp thiết bị nổ, lắp súng...

 Riêng Năm Lai và Chín Nghĩa (tức Vũ Minh Nghĩa - thành viên nữ duy nhất) không xuống hầm mà làm nhiệm vụ cảnh giới bên trên.

Hồi ức chiến sĩ biệt động đánh Dinh Độc Lập ảnh 2 Sau ngày đất nước giải phóng, năm 1975, ông Bảy Hôn (ảnh)lập gia đình và chuyển về công tác ở địa phương, đến năm 1987, ông nghỉ hưu. Với người thương binh này, trận đánh vào Dinh Độc Lập tết Mậu Thân là trận đánh để đời.
Theo lời ông Bảy Hôn, lúc đó có 2 cảnh sát ngụy đi tuần tra,  rảo quanh gần ngôi nhà. Đồng chí Năm Lai xin lệnh “khử”, nhưng đồng chí Tư Tăng không đồng ý với phương án này. Nhờ sự nhanh trí và có sự chuẩn bị từ trước, Năm Lai liền mặc cảnh phục, đeo quân hàm đại úy cảnh sát ngụy, đi lại trước ngôi nhà, lập tức 2 cảnh sát nói trên dạt đi. 

Vì là chỉ huy liên cụm với nhiều tổ biệt động đánh vào các mục tiêu khác nhau nên Tư Tăng đi đi lại lại. Đến lần thứ 3 khi quay lại ngôi nhà, chỉ huy Tư Tăng xuống hầm trực tiếp thông báo với đồng đội mục tiêu đội 5 tấn công sẽ là Dinh Độc Lập - đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. 

“Nghe xong, anh em tôi hồ hởi nói với nhau rằng, đánh vào chỗ này, nếu anh em hy sinh cũng xứng đáng cái mạng mình làm chứ”, Bảy Hôn nhớ lại. Ngay dưới căn hầm, một sơ đồ được trải ra, nhiệm vụ từng người được hoạch định cụ thể. Ông Bảy Hôn nói: “Tết Mậu Thân 1968 không có 30 âm lịch, anh em tôi nằm dưới hầm vũ khí đã đầy đủ và chỉ chờ giây phút lịch sử”.

Đúng giờ G, đội 5 xuất phát. 3 ô tô lui vào tận cửa sau ngôi nhà, từng người lên, 3 xe gắn máy kèm theo sau và thời điểm này xác định, không có điều gì có thể cản bước được. 0 giờ rạng sáng mồng 1 Tết, toàn đội đến vị trí cổng bên hông Dinh Độc Lập, đường Nguyễn Du, quận 1.

Theo lời kể của ông Bảy Hôn, từ vị trí ngồi trên xe tiên phong, ông dùng súng ngắn lần lượt bắn hạ 2 tên lính gác. Một đồng đội của Bảy Hôn đặt quả nổ ngay cổng dinh nhưng không phát nổ, trái nổ tự chế được ném vào đã phát nổ, rồi xe ô tô cũng húc vào nhưng cũng không thể đánh sập chiếc cổng. Lúc đó, từ nóc dinh, đại liên của lính gác xả xuống. Đội trưởng đội 5 là đồng chí Ba Thanh, tức Tô Hoài Thanh, bị thương, sau đó hy sinh.

Theo hồi ức ông Bảy Hôn, 4 trong số các thành viên của đội 5 Biệt động đã lọt vào trong dinh, dùng B40 hạ được hỏa lực từ nóc dinh và chiếm lĩnh trận địa. Thế nhưng, chỉ 10 phút sau, địch củng cố lực lượng, phản công.

4 đồng chí hy sinh ngay trong dinh. Cuộc chiến đấu tại vị trí cổng vẫn quyết liệt, các thành viên đội 5 kiên cường để chờ “đại bộ phận” đến. Gần  5 giờ 30 phút sáng cùng ngày thì xác định lực lượng chi viện không thể vào. “Khi đó đội còn 8 người, anh em chúng tôi quyết lần vào một cao ốc đang xây dở dang nhưng bỏ hoang ở ngay đường Nguyễn Du. 

Hàng ngàn lính địch bao vây và chúng tôi cố thủ, chiến đấu bằng những súng, lựu đạn, trái nổ còn lại... Thêm một đồng chí hy sinh, 7 anh em còn lại quyết sát cánh cùng nhau, sống chết có nhau” ông Bảy Hôn kể.

Đến rạng sáng mồng 2 Tết, theo đường ống nước của cao ốc xây dở, cả 7 người trèo sang nóc nhà dân và di chuyển. Lúc đó, ông Bảy Hôn cõng bà Chín Nghĩa đang bị thương. Rạng sáng, họ lọt vào căn gác của một nhà dân ẩn náu và gia đình ở tầng dưới không hề hay biết. Thế nhưng, ngay sáng đó, cả 7 người bị bắt giữ.

Vượt ngục

Giai đoạn đó, ngụy quyền Sài Gòn chủ trương xét xử, tử hình nhanh đối với 7 cán bộ chiến sĩ biệt động đã đánh vào đầu não của chính quyền này. Tuy nhiên, kế hoạch bị quan thầy Mỹ chặn đứng, vì lo ngại phía Cách mạng có hành động đáp trả đối với số lính không quân Mỹ bị bắt giữ ở khu vực miền Bắc. 

Vì vậy, ông Bảy Hôn và đồng đội chịu án tù chung thân. Ông Bảy Hôn khẳng định: “Anh em chúng tôi bị di chuyển qua nhiều nhà lao, bị tra tấn dã man nhưng rất kiên cường, bởi các anh em đã xác định ngày giải phóng đồng nghĩa với ngày về của anh em sẽ còn không xa”.

Sau khi hiệp định Paris được ký kết năm 1973, chính quyền Mỹ - ngụy di chuyển lượng lớn tù từ nhà lao Côn Đảo về nhà lao Hố Hai (Biên Hòa) để chuẩn bị trao trả tù binh giữa đôi bên, nhưng kế hoạch này liên tục bị trì hoãn... Chỉ một thời gian ngắn sau, với tư chất bộ đội đặc công thiện chiến, ông Bảy Hôn đã tổ chức và đưa hơn 20 người vượt ngục thành công.


MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.