Hồi ức tướng lĩnh Liên Xô về đêm trước cuộc xâm lược của phát xít Đức

Lính Hồng quân trên tuyến phòng thủ. Ảnh: Flames of War.
Lính Hồng quân trên tuyến phòng thủ. Ảnh: Flames of War.
Tư liệu được quân đội Nga giải mật cho thấy sự chuẩn bị của Liên Xô trong những ngày đầu bị phát xít Đức xâm lược.

76 năm sau ngày phát xít Đức xâm lược Liên Xô, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kho tài liệu lưu trữ, trong đó mô tả hoạt động của các chỉ huy quân đội Liên Xô trong những ngày đầu tiên của chiến dịch Barbarossa, bắt đầu từ ngày 22/6/1941, theo Sputnik.

Tư liệu này được tập hợp từ hồi ức của các tướng lĩnh chỉ huy sư đoàn, quân khu, quân đoàn và tập đoàn quân do Cục lịch sử quân sự thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô thu thập từ năm 1952. Những hồi ức này được giữ bí mật, sau đó đưa ra nghiên cứu, phân tích cẩn thận, làm nền tảng cho các tài liệu lịch sử được thực hiện bởi nhiều chuyên gia hàng đầu của Liên Xô và Nga về sự khởi đầu Thế chiến II ở mặt trận phía Đông

Trong các tài liệu được công khai có hồi ức của trung tướng Kuzma Derevyanko, năm 1941 là phó chỉ huy đơn vị tình báo thuộc Quân khu đặc biệt Baltic. Theo lời kể của ông, sự hiện diện và thành phần lực lượng Đức tại khu vực Memel, Đông Phổ và Suwalki được tình báo quân đội Liên Xô biết rõ từ ba tháng trước khi chiến tranh bắt đầu.

Tướng Derevyanko cho biết bộ phận tình báo của Quân khu đặc biệt Baltic "đánh giá việc lính phát xít Đức tập trung công khai là hành động tập kết quân chuẩn bị tấn công, với số lượng lớn các đơn vị tăng và cơ giới."

Khi chiến dịch Barbarossa bắt đầu, các chỉ huy đơn vị của Derevyanko đã tập trung vào việc triển khai các chiến dịch trinh sát và phá hoại ngầm sau lưng phát xít Đức.

Trong khi đó, thiếu tướng Petr Sobennikov, chỉ huy Tập đoàn quân số 8 thuộc Quân khu đặc biệt Baltic, lại mô tả sự sửng sốt và mất phương hướng của Hồng quân Liên Xô khi chiến tranh bắt đầu.

"Có thể đánh giá sự bất ngờ của việc chiến tranh bắt đầu khi nhìn vào cách lính bộ binh thuộc trung đoàn pháo binh hạng nặng tới căn cứ bằng đường sắt sáng 22/6/1941. Khi trung đoàn tới ga Siauliai và chứng kiến sân bay bị ném bom, các binh sĩ vẫn cho rằng đó là một cuộc tập trận. Trong lúc ấy, gần như toàn bộ máy bay của Quân khu Baltic đã bị thiêu rụi trên mặt đất. Lực lượng không quân hỗn hợp lẽ ra phải hỗ trợ cho Tập đoàn quân số 8, nhưng tới 15h ngày 22/6, họ chỉ còn sót lại 5-6 máy bay", tướng Sobennikov kể lại.

Sobennikob cho biết được lệnh triển khai một phần lực lượng của mình tới các vị trí phòng thủ ở biên giới vào ngày 18/6/1941, điều báo trước về một cuộc xâm lược sắp diễn ra. Đến đêm 21/6, ông được lệnh từ tham mưu trưởng mặt trận Baltic yêu cầu rút quân, nhưng Sebennikob từ chối.

Nguyên soái Ivan Bagramyan, trưởng ban tác chiến Quân khu đặc biệt Kiev vào năm 1941, cung cấp manh mối cho việc tại sao lãnh đạo Liên Xô tỏ ra thận trọng trong việc đưa Hồng quân vào tình trạng báo động cao. Ông nhấn mạnh rằng binh sĩ ở Quân khu đặc biệt Kiev đã sớm vào vị trí chuẩn bị ở biên giới, nhưng bộ chỉ huy ra lệnh cấm họ triển khai quân ở tiền phương.

"Việc triển khai vào các vị trí chuẩn bị sẵn bị cấm, để không châm ngòi cho một cuộc chiến với Đức quốc xã", Bagramyan viết.

Thiếu tướng Nikolai Ivanov, tham mưu trưởng Tập đoàn quân số 6 ở Quân khu đặc biệt Kiev, cũng có quan điểm giống nguyên soái Bagramyan.

"Dù lính Đức có những dấu hiệu tập trung lực lượng rõ ràng, chỉ huy Quân khu đặc biệt Kiev vẫn cấm các đơn vị triển khai vào vị trí phòng thủ hay chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, ngay cả khi đối phương bắt đầu nã pháo vào biên giới rạng sáng 22/6/1941. Chỉ khi người Đức vượt qua biên giới, tiến vào lãnh thổ Liên Xô chiều cùng ngày, quân đội mới được lệnh triển khai chiến đấu".

Thiếu tướng Ivanov cho rằng phát xít Đức sử dụng rất hiệu quả thông tin tình báo giả, khẳng định "chúng làm suy yếu lực lượng chúng tôi và phân tán họ vào những nhiệm vụ trinh sát không cần thiết. Có thể những thông tin đó được cung cấp bởi các điệp viên Đức triển khai từ trước".

Thiếu tướng Boris Fomin, tham mưu tác chiến tại Tập đoàn quân số 12, Quân khu đặc biệt Belarus, cho biết cuộc tấn công của phát xít Đức vào sáng 22/6 đã phá hủy hệ thống liên lạc vô tuyến ở cấp sư đoàn, buộc các chỉ huy phải truyền mệnh lệnh bằng máy bay, xe thiết giáp và ôtô. Cách thức truyền tin chậm chạp và kém tin cậy này gặp nhiều khó khăn khi máy bay Đức phá hủy phần lớn phương tiện cơ giới của Liên Xô.

Hồi ức tướng lĩnh Liên Xô về đêm trước cuộc xâm lược của phát xít Đức ảnh 1

Thành phố của Liên Xô bị phát xít Đức ném bom. Ảnh: Sputnik.

"Ngày 26/6, lệnh rút quân về sông Shara và qua rừng Naliboki cần được chuyển đi. Tôi điều máy bay U-2 tới các tập đoàn quân, yêu cầu họ hạ cánh xuống gần sở chỉ huy để giao mệnh lệnh đã được mã hóa. Các phi cơ Tupolev SB cũng được huy động để thả lính dù mang theo mệnh lệnh", tướng Fomin viết.

Lời kể của các tướng lĩnh cho thấy bộ chỉ huy Hồng quân lo ngại việc triển khai quân để đề phòng ở biên giới có thể bị Đức coi là hành động khiêu khích, châm ngòi cho cuộc chiến tổng lực mà Moscow không hề mong muốn vì chưa có sự chuẩn bị. Sự lúng túng trong quá trình ra lệnh có thể coi là hợp lý, vì chỉ riêng năm 1941, đã có ít nhất 7 thông tin tình báo "chắn chắn" về thời điểm Đức xâm lược. Chúng còn mâu thuẫn với tin tức cho rằng Hitler sẽ ra lệnh xâm lược Anh trước khi nhắm vào Liên Xô.

Bộ Quốc phòng Nga cho rằng hồi ức của các tướng lĩnh là bằng chứng cho thấy chính quyền Liên Xô ý thức được đất nước chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến đẩy lùi phát xít Đức, kẻ thù uy lực và được vũ trang đầy đủ, cùng kinh nghiệm chiến đấu tích lũy trong hai năm trước đó. "Dựa vào thực tế khách quan với những điều kiện cực kỳ bất lợi, lãnh đạo Liên Xô không muốn cho Hitler cái cớ để gây chiến, hy vọng trì hoãn cuộc chiến", các sử gia Nga kết luận.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.