Iran tuyên bố sở hữu tên lửa 'có thể dễ dàng hạ tàu sân bay địch'

Tên lửa Sayyad 3. Ảnh: Bộ Quốc phòng Iran
Tên lửa Sayyad 3. Ảnh: Bộ Quốc phòng Iran
TPO - Tuyên bố trên được Tổng tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đưa ra vài ngày sau khi Mỹ điều động thêm tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mason tới “điểm nóng” Vịnh Oman.

Phát biểu trên truyền hình hôm qua, 18/6, ông Hossein Salami - Tổng tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran cho biết công nghệ tên lửa của Tehran đã thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông.

“Những tên lửa này có thể tấn công tàu sân bay một cách cực kì chính xác. Chúng được sản xuất trong nước và rất khó bị đánh chặn bằng các tên lửa khác”, ông Salami nói, tuy nhiên không tiết lộ tên loại vũ khí mà ông đang ám chỉ.

Tuyên bố của ông Salami được đưa ra sau khi chỉ huy lực lượng phòng không Iran “cảnh báo kẻ thù” hãy tránh xa biên giới Iran trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng đột biến.

Cũng trong ngày 18/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết sẽ tiếp tục chiến dịch gây áp lực nhằm vào Tehran, nhưng nhấn mạnh “Washington không muốn khơi mào một cuộc chiến”.

"Tổng thống Donald Trump không muốn chiến tranh và chúng tôi sẽ tiếp tục truyền đạt thông điệp đó, đồng thời làm những việc cần thiết để bảo vệ lợi ích của Mỹ trong khu vực", ông Pompeo nói với các phóng viên tại căn cứ không quân MacDill ở Florida.

Trong những năm qua, Iran đã xây dựng một kho tên lửa đồ sộ, bao gồm các tên lửa Sayyad 2 và Sayyad 3, cùng nhiều loại tên lửa đất đối không và chống hạm.

Đầu năm nay, Tehran đã trình làng tên lửa hành trình tầm trung hạng nặng Hoveyzeh tại một triển lãm quốc phòng. Vũ khí này được cho là có tầm bắn hơn 1.350 km, phạm vi bao phủ phần lớn Trung Đông và được cho là có khả năng bay ở độ cao thấp, dưới hầu hết các radar của đối phương.

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ đã leo thang lên mức cao nhất trong nhiều năm qua sau vụ tấn công ngày 13/6 nhằm vào hai tàu chở dầu trên Vịnh Ô-man, ngoài khơi bờ biển Iran.

Hiện chưa có nước nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, Mỹ đã nhanh chóng đổ lỗi cho Iran, trong khi Tehran liên tục bác bỏ cáo buộc.

Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) sau đó tuyên bố khu trục hạm USS Mason đang trên đường đến Vịnh Oman để hỗ trợ.

“Mỹ và các đối tác trong khu vực sẽ tiến hành mọi biện pháp để tự vệ và bảo vệ các lợi ích”, trích thông báo của CENTCOM.

Các đồng minh lớn của Mỹ là Đức, Pháp và Nhật Bản, cũng như Nga và Trung Quốc đã liên tục hối thúc các bên kiềm chế.

Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi cảnh báo quyết định triển khai thêm 1.000 binh sĩ đến Trung Đông của Mỹ sau vụ tàu chở dầu sẽ mở ra "chiếc hộp Pandora", mang đến những hậu quả không lường trước được.

Quan hệ Iran-Mỹ xuống cấp trầm trọng kể từ tháng 5/2018, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt lên Tehran các biện pháp trừng phạt cứng rắn.

Đáp lại, tháng trước, nhân kỷ niệm một năm ngày Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran tuyên bố cũng sẽ rút khỏi một số cam kết tự nguyện theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, Tehran nhấn mạnh rằng nước này không có ý định theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Theo Theo Sputnik
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.