Iraq sử dụng tin tình báo Nga, Iran để không kích IS

Binh sĩ Iraq bắn pháo trong lúc giao tranh với phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở quận Karma, tỉnh Anbar, hôm 27/9. Ảnh: Reuters.
Binh sĩ Iraq bắn pháo trong lúc giao tranh với phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở quận Karma, tỉnh Anbar, hôm 27/9. Ảnh: Reuters.
Iraq sử dụng thông tin từ một trung tâm tình báo mới do nước này cùng Nga, Iran và Syria thiết lập để không kích Nhà nước Hồi giáo, động thái được xem là sự đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Trung tâm hoạt động được khoảng một tuần và cung cấp tin tình báo để không kích vào một cuộc gặp của các thành viên cấp trung Nhà nước Hồi giáo (IS), Reuters dẫn lời Hakim al-Zamili, đứng đầu ủy ban an ninh và quốc phòng, quốc hội Iraq, nói. Nhân viên trung tâm đến từ Nga, Iran và Syria.

Theo Zamili, chính trị gia Hồi giáo dòng Shiite, mỗi quốc gia có 6 thành viên trong bộ phận chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác an ninh, tổ chức họp tại "Vùng Xanh", được bảo vệ cẩn mật vì là nơi có các cơ quan của Mỹ và chính phủ Iraq.

Có hai trung tướng Nga trong trung tâm tình báo ở thủ đô Baghdad, một quan chức Iraq giấu tên cho biết. "Chúng tôi thấy nó cực kỳ hữu ích. Ý tưởng ở đây là chính thức hóa quan hệ với Iran, Nga và Syria. Chúng tôi muốn có một liên minh quân sự phát triển mạnh".

Sami al-Askari, cựu thành viên quốc hội Iraq, nói Iraq nhận thức được sự nhạy cảm trong thỏa thuận mới. "Chính phủ Iraq muốn thực hiện điều này theo cách không giống như đang đẩy Mỹ ra xa", ông cho biết.

Việc Iraq thiết lập trung tâm tình báo với Nga, Syria và Iran ở Baghdad cho thấy Mỹ đang mất dần ảnh hưởng ở Trung Đông. Nga bắt đầu không kích IS ở Syria hôm 30/9 theo đề nghị từ Tổng thống Nga Bashar al-Assad. Giới chức Iraq từng nói họ sẽ dựa vào Nga trong cuộc chiến chống nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Sunni này.

Một quan chức an ninh Mỹ thừa nhận Washington đang lo ngại trung tâm tình báo sẽ góp phần củng cố quan hệ Nga - Iraq, đặc biệt là trong chiến dịch chống IS. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nói ông hoan nghênh Nga không kích IS trên lãnh thổ Iraq,

Baghdad và lực lượng dân quân dòng Shiite, được Iran hậu thuẫn, đang chiến đấu với IS tại Iraq cáo buộc Mỹ thiếu quyết đoán và không sẵn sàng cung cấp vũ khí để chấm dứt xung đột trong khu vực. Washington bác bỏ điều này.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG