Kế hoạch giải quyết khủng hoảng Syria của Nga ra sao?

Xe tăng của lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria. Ảnh: AFP/TTXVN.
Xe tăng của lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria. Ảnh: AFP/TTXVN.
Nga đã đưa ra một bản dự thảo kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 5 năm qua ở Syria, trong đó, Nga muốn chính quyền Syria và phe đối lập thống nhất khởi động một tiến trình soạn thảo một bản Hiến pháp mới trong vòng 18 tháng trước khi tiến hành bầu cử Tổng thống sớm.

Tài liệu mà giới báo chí có được vào ngày 10/11 không đề cập tới việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức - điều mà phe đối lập yêu cầu, mà chỉ nói rằng các bên ở Syria cần thống nhất các bước đi tại một hội nghị do Liên hợp quốc tổ chức, và tiến trình cải cách sẽ không phải do ông Assad chủ trì mà là một ứng cử viên được các bên thống nhất lựa chọn.

Bản kế hoạch gồm 8 điểm, do Moskva soạn thảo trước khi diễn ra cuộc hội đàm quốc tế về Syria vào cuối tuần này, kêu gọi Đặc phái viên của LHQ Staffan de Mistura khởi động một tiến trình chính trị giữa Chính phủ Syria và thành lập “một đoàn đại biểu thống nhất của các nhóm đối lập” trên cơ sở thông cáo tháng 6/2012 được các cường quốc thông qua tại Geneva kêu gọi thành lập một cơ quan điều hành quá trình chuyển giao quyền lực ở Syria có đầy đủ quyền lực thực thi trước khi tiến hành bầu cử.

Tài liệu trên được lưu truyền trước vòng đàm phán thứ hai tại Vienna vào ngày 14/11 giữa các nước ủng hộ cả hai bên trong cuộc xung đột ở Syria. Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft cho biết tài liệu trên không được thảo luận tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ ngày 10/11 song “chúng tôi biết những đề xuất của Nga”. Trong cuộc đàm phán đầu tiên tại Vienna ngày 30/10, Mỹ, Nga, Iran và hơn chục nước khác đã thống nhất khởi động nỗ lực hòa bình mới ở Syria song cẩn trọng tránh đề cập tới vấn đề khi nào ông Assad phải rời bỏ quyền lực - vấn đề gây tranh cãi chính trong cuộc xung đột đã làm hơn 250.000 người chết và hơn 4 triệu người tị nạn đang tràn ngập các nước láng giềng cũng như các nước châu Âu.

Đặc phái viên LHQ De Mistura cho biết ông hi vọng vòng đàm phán thứ hai tại Vienna sẽ “đem đến những giải pháp cho người Syria và tôi hi vọng sẽ đạt được một kết quả nào đó theo hướng này”.

Bản tài liệu của Nga nhắc nhiều tới các nhóm đối lập và “khủng bố”, và yêu cầu phải phân biệt các nhóm này. Tài liệu kêu gọi HĐBA LHQ chấp thuận liệt tổ chức cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” (IS) là “tổ chức khủng bố”.

Theo kế hoạch này, phe đối lập ở Syria tham gia tiến trình chính trị sẽ phải lập một “phái đoàn thống nhất” và thành phần phải được thỏa thuận trước dựa trên cơ sở các nhóm sẵn sàng “chia sẻ mục tiêu ngăn chặn bọn khủng bố giành được quyền lực ở Syria và đảm bảo được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Syria, cũng như tính thế tục và dân chủ của nước này”.

Kế hoạch đề ra các bước mà chính quyền Syria và phái đoàn đối lập cần thống nhất tại cuộc họp, bao gồm việc:

- Soạn thảo Hiến pháp mới trong vòng 18 tháng để đảm bảo “an ninh và sự cân bằng lợi ích, quyền và nghĩa vụ của các nhóm sắc tộc và tôn giáo trong cấu trúc quyền lực và thể chế nhà nước.

- Thành lập Ủy ban Hiến pháp “để bao quát toàn bộ tình hình xã hội Syria” bao gồm đại diện của các bên với Chủ tịch là người được tất cả các bên thống nhất.

- Đưa dự thảo Hiến pháp mới ra trưng cầu ý dân và “sau khi được thông qua sẽ tiến hành bầu cử sớm”.

- Hoãn cuộc bầu cử Nghị viện dự kiến vào đầu năm 2016 và lên kế hoạch tiến hành đồng thời với bầu cử Tổng thống trên cơ sở Hiến pháp mới.

- Thống nhất rằng Tổng thống được bầu của Syria sẽ là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang và “kiểm soát các lĩnh vực đặc biệt và chính sách đối ngoại”.

Nga cũng đề xuất thành lập Nhóm Hỗ trợ Syria để giúp tiến hành cuộc họp và hỗ trợ các bên ở Syria trong đàm phán để đạt được sự “đồng thuận”. Theo đề xuất, nhóm này gồm các nước tham gia đàm phán ở Vienna như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, các quốc gia vùng Vịnh, Đức, Italy, Liên minh châu Âu...

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, các nước phản đối ông Assad sẽ khó chấp thuận kế hoạch trên của Nga. Một nhà ngoại giao phương Tây nói: “Nhiều người không chấp nhận kế hoạch này”, và nói thêm rằng những người không chấp nhận cách giải quyết của Nga đang hành động để đảm bảo rằng văn bản trên sẽ không phải là cơ sở cho cuộc đàm phán.

Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.