Khám phá cộng đồng tình báo Hoa Kỳ

Khám phá cộng đồng tình báo Hoa Kỳ
Cộng đồng tình báo Mỹ có tới 16 tổ chức thành viên, và nhân sự lên tới trên 100 nghìn người. Mỗi năm cộng đồng này "đốt" khoảng 40 tỉ USD cho các hoạt động.

Khám phá cộng đồng tình báo Hoa Kỳ

Cộng đồng tình báo Mỹ có tới 16 tổ chức thành viên, và nhân sự lên tới trên 100 nghìn người. Mỗi năm cộng đồng này "đốt" khoảng 40 tỉ USD cho các hoạt động.

Biểu tượng của Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ.
Biểu tượng của Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ..

Theo những nguồn thông tin mới nhất, hiện nay tại Mỹ có tới 16 tổ chức làm tình báo nằm trong Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ. Cộng đồng này được thành lập ngày 4/12/1981 bằng một sắc lệnh của chính phủ do Tổng thống Mỹ lúc đó là Ronald Reagan ký.

Cộng đồng này có khoảng 100 nghìn nhân viên, với chi phí hàng năm khoảng 40 tỉ USD. Văn phòng tình báo quốc gia phụ trách việc kiểm soát và điều phối hoạt động của các cơ quan tình báo. Trong tình trạng “lắm vãi” như thế nhưng “cửa chùa” an ninh của Mỹ không phải lúc nào cũng được an toàn tuyệt đối…

Cục tình báo trung ương (CIA): Chức năng chính của cơ quan này là thu thập và phân tích thông tin về chính phủ các nước, các tập đoàn kinh tế, các tổ chức hay về bất cứ ai để cung cấp cho Chính phủ Hoa Kỳ những thông tin quan trọng và cần thiết phục vụ việc hoạch định chính sách, đề ra các biện pháp ứng phó thích hợp.

Chức năng thứ hai là phát tán những thông tin ngầm hoặc công khai và gây ảnh hưởng đến các tổ chức cá nhân nhằm thu hút sự ủng hộ cho Chính phủ Mỹ. Chức năng thứ ba của tổ chức này là thực hiện các hoạt động ngầm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống Mỹ. Chức năng này của CIA đã gây nên rất nhiều tranh cãi và làm dấy lên các câu hỏi về tính hợp pháp, giá trị đạo đức và sự hiệu quả của những hoạt động đó.

Trụ sở chính của cơ quan này nằm ở Langley, bang Virginia, vài dặm từ phía Tây Bắc đến thủ đô Washington D.C, dọc theo sông Potomac.

CIA được thành lập năm 1947 theo Đạo luật An ninh Quốc gia năm 1947 do Quốc hội thông qua và Tổng thống Mỹ lúc đó là Harry Truman ký ban hành. Tiền thân của CIA là Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS) thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tổ chức OSS đã giải tán vào tháng 11 năm 1945 và các hoạt động được chuyển giao cho Bộ Ngoại giao và Bộ Chiến tranh.

Do sự cần thiết của một hệ thống tình báo tập trung sau chiến tranh nên 11 tháng trước đó, vào năm 1944, William J. Donovan, người khai sinh OSS, đã đệ trình lên Tổng thống Franklin D. Rooservelt bản kế hoạch thành lập một tổ chức tình báo chịu sự giám sát trực tiếp của Tổng thống.

Biểu tượng của CIA bao gồm 3 phần mang ý nghĩa tượng trưng: Đầu chim đại bàng quay sang trái, ngôi sao 16 cánh và một cái khiên. Đại bàng là linh vật quốc gia, tượng trưng cho sức mạnh và sự tỉnh táo. Ngôi sao 16 cánh mang hàm ý CIA là tổ chức tìm kiếm thông tin tình báo từ khắp mọi nơi trên thế giới ngoài biên giới Hoa Kỳ và những thông tin đó được quy tụ về trụ sở đầu não để phân tích, kiểm tra và phân bố đến các nhà làm luật. Ngôi sao được đặt trên cái khiên, tượng trưng cho sự phòng thủ vững chắc…

Bộ máy nhân sự và ngân quỹ của CIA được giữ kín. Theo những con số ước tính trước đây, CIA có khoảng 25-30 nghìn nhân viên, trong số này có khoảng 1,1 nghìn người làm việc ở ngoài lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, số lượng những nhân viên đảm đương công việc chính yếu của CIA hiện nay có thể gia tăng bởi lẽ chưa bao giờ CIA có đông quân như bây giờ, trừ giai đoạn diễn ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam...

Giám đốc CIA do Tổng thống Mỹ đề cử với sự đồng thuận của Quốc hội. Từ ngày 8/3/2013, chức vụ này do ông John Brennan đảm nhận. Trước đó, ông này từng là cố vấn của Tổng thống về đấu tranh chống khủng bố. Phó giám đốc CIA hiện nay là ông Stephen Kappes... 

James Clapper - Giám đốc Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ
James Clapper - Giám đốc Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ.

Cục điều tra liên bang (FBI): Nhiệm vụ chính của FBI là tiến hành các chiến dịch phản gián trên lãnh thổ Mỹ. FBI phải phát hiện, ngăn chặn, đón đầu những hành vi làm gián điệp, tống tiền, phá hoại an ninh Mỹ. FBI được thành lập từ năm 1908 và nằm trong hệ thống của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, nhiệm vụ mà tổ chức này đang đảm đương hiện nay mới chỉ được xác định từ năm 1935. Những lĩnh vực hoạt động chính của FBI là đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm có tổ chức, buôn lậu ma túy và những trọng tội.

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, FBI đã thiết lập các cơ quan đại diện và cử các nhân viên ra nước ngoài. Trụ sở chính của FBI đóng ở thủ đô Washington. FBI có khoảng 30 nghìn nhân viên. Từ ngày 4/9/2001, chức vụ Giám đốc FBI do ông Robert Swan Mueller III đảm nhận. Chính đương kim giám đốc FBI đã làm tổ chức này có nhiều thay đổi lớn, gia tăng thêm các đơn vị chống khủng bố và thu thập thông tin. Kết quả là FBI đã hợp tác tích cực hơn với CIA. Và nhiều đơn vị FBI đã được trở thành trực thuộc Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ.

Tổng cục tình báo quân sự (DIA): Có nhiệm vụ cung cấp cho Bộ Quốc phòng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân các tin tức tình báo và phản gián. Đồng thời, DIA còn phải chịu trách nhiệm tiến hành các điệp vụ đặc biệt. DIA được thành lập từ năm 1961 theo sáng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert McNamara. Có khoảng 7 nghìn nhân viên quân sự và dân sự ở khắp thế giới. Trụ sở đóng ở trong Lầu Năm Góc. Chỉ huy hiện nay là tướng Michael Flinn.

Cục an ninh quốc gia (NSA): Nhiệm vụ chính là phối hợp tác chiến, định hướng và thực hiện các chiến dịch kỹ thuật nhằm bảo vệ an toàn và bí mật cho các phương tiện thông tin liên lạc của Chính phủ Mỹ, cũng như thu thập thông tin tình báo của nước ngoài bằng các phương tiện thông tin. Được thành lập từ năm 1952. Cục trưởng đương nhiệm là Trung tướng Michael Hayden. Trụ sở đóng tại bang Mariland, gần thủ đô Washington. Những địa chỉ nhận thông tin của NSA là Nhà Trắng, CIA, Bộ Ngoại giao và quân đội.

Cục bản đồ quốc gia (NIMA): Năm 2002 được đổi tên thành Cục quốc gia về xử lý dữ liệu địa chất không gian. Cung cấp những thông tin về địa không gian cho Bộ Quốc phòng. Trụ sở cũng ở bang Mariland.

Cục quốc gia về phản gián vũ trụ (NRO): Chịu trách nhiệm về tất cả các chương trình gián điệp vũ trụ đối với toàn bộ cộng đồng các cơ quan tình báo Mỹ. Hiện nằm dưới quyền chỉ huy của Peter Teets, nguyên là một trong những giám đốc của tổ hợp Lockheed Martin. Cơ quan này được thành lập năm 1960, sau khi máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắn rụng trên bầu trời Liên Xô cũ, còn viên phi công thì bị bắt sống.

Một trong những dự án nổi tiếng nhất của NRO là chương trình chế tạo vệ tinh gián điệp đầu tiên Corona. Trụ sở đóng ở bang Virginia. Số lượng nhân viên theo các nguồn tư liệu khác nhau vào khoảng gần 3 nghìn người.

Cơ quan tình báo không quân (AFI): Nhiệm vụ chính là thu thập, xử lý và phân tích thông tin về quân chủng không quân của tất cả các nước trên thế giới. Được thành lập từ năm 1972. Số lượng nhân viên vào khoảng 15 nghìn người, chủ yếu là các quân nhân.

AFI từng có mâu thuẫn với CIA vì trong một thời gian dài không được sử dụng máy bay do thám U-2 mà chỉ có CIA mới được đặc quyền này. Ngân sách vào khoảng 1,5 tỉ USD. Trụ sở đặt tại căn cứ quân sự Kelli, bang Texas.

Cơ quan tình báo hải quân (NI): Có nhiệm vụ tiến hành các điệp vụ và thỏa mãn các yêu cầu khác về điều tra của quân chủng hải quân. Cục tình báo hải quân được thành lập từ năm 1882 và là cơ quan tình báo đầu tiên của Mỹ. Nhân sự khoảng 16 nghìn người. Ngân sách hàng năm: 1,2 tỉ USD.

Phòng tình báo của lực lượng lính thuỷ đánh bộ (MCI): Có hai đơn vị: Ban tình báo trên Bộ tư lệnh phục vụ cho chỉ huy lực lượng và Ban phản gián nằm ở Trung tâm quốc gia Cơ quan tình báo hải quân. Nhiệm vụ chủ yếu là thu thập thông tin tình báo ở cấp chiến thuật.

Cơ quan tình báo quân đội Hoa Kỳ (AI): Cung cấp thông tin tình báo cho quân đội Mỹ với mục đích duy trì cơ cấu quân sự trên toàn thế giới. “Giai đoạn vàng” của cơ quan này là thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó, AI không còn giữ được vai trò của một trong những cơ quan tình báo chủ đạo. Hiện nay ngân sách của AI khoảng 1 tỉ USD. Nhân sự khoảng 13 nghìn người.

Cơ quan bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ (UACA): Chịu trách nhiệm thu thập các thông tin tình báo liên quan tới biên giới biển của Mỹ. Mặc dù về hành chính nằm trong Bộ An ninh quốc gia, nhưng theo truyền thống UACA là 1 trong 5 quân chủng của Mỹ. Nhiệm vụ thường xuyên là chống các vụ buôn lậu ma tuý, các tội ác môi trường và những hoạt động khủng bố. UACA cũng tiến hành những chiến dịch phản gián...

Bộ Ngoại giao (DS): Cục phản gián và nghiên cứu nằm trong đội hình DS có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động tình báo chính trị và kinh tế cũng như các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm là cựu chiến binh, nguyên Thượng nghị sĩ John Kerry. Nhân sự: 23 nghìn người. DS có 256 phái bộ ngoại giao ở nước ngoài và 40 ở trong nước.

Bộ Năng lượng (DE): Nhiệm vụ chính là thu thập những thông tin chính trị, kinh tế và kỹ thuật về tình hình năng lượng của các nước. Trong cơ cấu DE không có cơ quan tình báo nhưng mỗi một nhân viên của Bộ này ra nước ngoài về đều có nhiệm vụ thông báo lại những gì họ biết trong lĩnh vực trên. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ là ông Spencer Abraham. DE được thành lập năm 1977. Ngân sách: 23 tỉ USD. Nhân sự: gần 100 nghìn người.

Bộ Tài chính (DT): Trong cơ cấu có phòng hỗ trợ phản gián với nhiệm vụ thu thập thông tin tài chính và tiền tệ để cung cấp cho Bộ trưởng, người giữ vai trò như tư vấn tài chính cho Tổng thống Mỹ. Phòng hỗ trợ phản gián được thành lập năm 1977.

Bộ An ninh nội địa (DHS): Mới được thành lập từ tháng 10/2002. Bộ trưởng là ông Tom Ridge, một người bạn thân của Tổng thống George Bush. Có nhiệm vụ ngăn chặn các vụ khủng bố trên lãnh thổ Mỹ, giảm nguy cơ bị khủng bố và một khi xảy ra khủng bố thì phải giảm thiểu thiệt hại cũng như huy động nhanh nhất nguồn lực để khôi phục lại hạ tầng. Từ tháng 3/2003, biên chế của DHS lên tới 180 nghìn người

Theo Phạm Thị Thái
An ninh thế giới cuối tuần

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG