Khơi dậy đam mê sáng tạo ​

Thượng úy Trần Viết Hùng cùng các chiến sĩ bên sáng kiến “Trò chơi hành trình kiến thức”. ẢNH: PHẠM AN.
Thượng úy Trần Viết Hùng cùng các chiến sĩ bên sáng kiến “Trò chơi hành trình kiến thức”. ẢNH: PHẠM AN.
TP - 5 năm qua, hoạt động giải thưởng Nguyễn Viết Xuân ở Quân khu 4 đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng vũ trang Quân khu.

Mỗi chi đoàn có từ 1-2 sáng kiến

Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng Nguyễn Viết Xuân Quân khu 4, từ kết quả của giải thưởng, nhiều công trình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được lựa chọn tham dự và đạt giải cao ở các cuộc thi, hội thao, giải thưởng sáng tạo trong toàn quân. Đây là động lực thôi thúc, động viên mỗi cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo của mình, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Trần Thanh Bình, Chính ủy Trung đoàn 335 (Sư đoàn Bộ binh 324) cho biết, những năm qua, để phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đi vào chiều sâu, ngoài việc động viên, tạo mọi điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ phát huy sức trẻ, sức sáng tạo, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn còn giao chỉ tiêu mỗi quý một chi đoàn phải có ít nhất từ 1-2 sáng kiến, giải pháp cải tiến mô hình học cụ áp dụng vào thực tiễn đơn vị, nâng cao chất lượng huấn luyện. Mỗi sáng kiến, giải pháp qua thẩm định tính hiệu quả và có khả năng ứng dụng cao, chỉ huy đơn vị sẽ đầu tư kinh phí cho tập thể, cá nhân nghiên cứu, chế tạo.

Với cách làm đó, hàng năm, Trung đoàn 335 đã có hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có tính ứng dụng cao trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Cũng từ phong trào trên, xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu.

Đại úy Đặng Quốc Thiệu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 trực tiếp tham gia huấn luyện, kiểm tra các bài bắn. Anh và đồng đội gặp nhiều khó khăn vì phương tiện huấn luyện còn thiếu, chưa sát điều kiện thực tế bài học, nhất là khi kiểm tra các bài bắn kết quả chưa cao, việc bố trí vật chất phục vụ bắn mất nhiều thời gian, tốn kém nhân lực, kinh phí, dễ xảy ra hư hỏng, mất an toàn...

Từ thực tế đó, đại úy Đặng Quốc Thiệu đã nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến “Thiết bị giá bia ẩn hiện đa năng” áp dụng vào huấn luyện. Với nguồn điện 1 chiều, chạy bằng mô tơ để di chuyển bia trên đường ray, có thể điều khiển bia từ xa hoặc dùng dây kéo phục vụ trong huấn luyện, kiểm tra bắn súng. Thiết bị này có nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, gọn nhẹ, tiết kiệm thời gian. Sáng kiến của đại úy Thiệu đã được Hội đồng giải thưởng Nguyễn Viết Xuân Quân khu 4 tặng giải A năm 2016 và đạt giải Ba giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2017. Sáng kiến “Thiết bị giá bia ẩn hiện đa năng” chỉ là một trong rất nhiều sáng kiến của đại úy Thiệu được Bộ Tư lệnh Quân khu trao giải thưởng Nguyễn Viết Xuân.

Nhiều hạt nhân sáng tạo trẻ

Ở Lữ đoàn Công binh 414, thượng úy Trần Viết Hùng (Chính trị viên, Bí thư Chi đoàn Đại đội Thông tin - Trinh sát, Phòng Tham mưu) được xem là hạt nhân trong phong trào sáng tạo trẻ. Nói về sáng kiến trò chơi “Hành trình kiến thức” được ĐVTN nhiệt tình ủng hộ, thượng úy Hùng cho biết: “Trước đây, việc tổ chức các hoạt động phong trào Đoàn có phần khô khan, gây tâm lý nhàm chán. Tôi đã cùng Ban chấp hành chi đoàn xác định phải đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động phong trào, trong đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, cải tiến mô hình phục vụ công tác Đoàn là một biện pháp thiết thực”.

Đề xuất chủ trương, anh Hùng cũng là người tiên phong thực hiện. Ngoài trò chơi “Hành trình kiến thức”, anh còn sáng tạo mô hình “Theo dấu chân Người”. Cả hai sáng kiến đều đạt giải cao tại Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình huấn luyện năm 2016, 2017 do lữ đoàn tổ chức. Các sáng kiến đã được nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục ĐVTN. Năm 2016, anh giành giải Ba tại Hội thi cán bộ Đoàn giỏi cấp quân khu, được Quân khu 4 tặng danh hiệu Gương mặt thanh niên tiêu biểu, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng danh hiệu Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân.

Không chỉ ở Trung đoàn 335, Lữ đoàn 414, phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tham gia giải thưởng Nguyễn Viết Xuân cũng được duy trì có hiệu quả với nhiều sáng kiến có tính ứng dụng cao trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị của quân khu. Theo trung tá Nguyễn Huy Long, Trưởng ban Thanh niên Quân khu 4, kết quả nổi bật của giải thưởng Nguyễn Viết Xuân trong 5 năm qua là xuất hiện nhiều hạt nhân sáng tạo trẻ với nhiều công trình, sáng kiến có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, nhất là trong lĩnh vực đổi mới phương pháp dạy học, huấn luyện, bảo đảm vật liệu chế tạo phụ tùng thay thế, nâng cấp vũ khí trang bị, bảo vệ môi trường, sức khỏe bộ đội và chống dịch bệnh… Qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tiết kiệm thời gian, công sức bộ đội, làm lợi cho cơ quan, đơn vị và quân khu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.    

5 năm qua, Ban Thanh niên Quân khu 4 - cơ quan thường trực Hội đồng giải thưởng Nguyễn Viết Xuân đã tiếp nhận 520 công trình, sáng kiến, cải tiến của hàng trăm tác giả, nhóm tác giả tham gia trên 4 mặt công tác (Huấn luyện; Công tác Đảng, công tác chính trị; Hậu cần; Kỹ thuật). Hội đồng giải thưởng Nguyễn Viết Xuân Quân khu 4 đã trao tặng chứng nhận cho 230 sáng kiến, cải tiến, mô hình đoạt giải.

MỚI - NÓNG