Không để xảy ra xung đột, chiến tranh

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và trưởng đoàn các nước tại hội nghị
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và trưởng đoàn các nước tại hội nghị
TP - Trao đổi với Tiền Phong sáng 18/6 bên lề Hội nghị lần thứ nhất Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo, một số đại biểu quốc tế cho rằng, các nước cần đối thoại để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giải quyết các bất đồng, không để xảy ra xung đột, chiến tranh.

Hội nghị lần thứ nhất Nhóm chuyên gia về Hành động mìn nhân đạo trong cơ chế hợp tác Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), do Việt Nam và Ấn Độ đồng chủ trì, diễn ra sáng qua tại Hà Nội, với sự tham dự của 60 quan chức, chuyên gia đến từ Ban Thư ký và 10 nước ASEAN cùng 8 nước đối tác. 

Bên lề hội nghị, Đại tá Dean Meinert, Trưởng bộ phận xử lý bom mìn vì mục đích nhân đạo thuộc Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói rằng, ông chúc mừng các nước ASEAN đã lựa chọn vấn đề xử lý bom mìn vì mục đích nhân đạo làm chủ đề của Hội nghị lần thứ nhất Nhóm chuyên gia ADMM+. Đại tá Meinert cho biết, Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, để xem Mỹ có thể giúp đỡ ở những đâu trong các nỗ lực nhân đạo nhằm xử lý bom mìn còn sót lại từ thời chiến tranh.  

Ông Shizuo Matsumura, Phó Giám đốc Bộ phận Giải trừ quân bị và Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho biết, sau khi xem đoạn clip được chiếu tại hội nghị về thực trạng bom mìn trải khắp Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung, với rất nhiều người dân, nhất là trẻ em thiệt mạng hoặc bị thương nặng vì bom mìn nằm dưới đất phát nổ, ông thấy rằng đó là những hậu quả của chiến tranh mà dân thường luôn phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. 

Ông Matsumura cho rằng, các nước cần tránh những hậu quả như vậy bằng cách đối thoại để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giải quyết các bất đồng, không để xảy ra xung đột, chiến tranh. “Ngay lúc này, tôi không thể nói rõ Nhật Bản sẽ hỗ trợ như thế nào cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong việc dọn sạch bom mìn. Sau hội nghị này, tôi sẽ trở về nước để bàn bạc với các đồng nghiệp biện pháp giúp đỡ về kỹ thuật và tài chính cho Việt Nam và các nước ASEAN khác một cách hiệu quả”, ông Matsumura nói.

Cùng gánh chịu hậu quả nếu xảy ra bất ổn

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nói: “Trong mọi lĩnh vực hợp tác và mọi diễn đàn của ADMM+, chúng ta chỉ có một cách duy nhất là tăng cường sự ổn định, duy trì hòa bình, hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta ủng hộ cách ứng xử hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trên tất cả mọi phương diện. Là những quốc gia bình đẳng, chúng ta cùng nhau hưởng một khu vực hòa bình, ổn định và ngược lại, sẽ cùng nhau gánh chịu những hậu quả nếu khu vực của chúng ta có những bất ổn do các nguyên nhân truyền thống và phi truyền thống gây ra”. 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kêu gọi các nước cùng nhau hợp tác để tăng cường sự ổn định và hòa bình, “đẩy lùi xa hơn nữa những nguy cơ xung đột, nguy cơ tổn hại đến hòa bình, ổn định và nguy cơ vi phạm luật pháp quốc tế trong khu vực của chúng ta”.

Tại hội nghị, các nước có tham luận về nhiều nội dung, gồm: kế hoạch hoạt động của Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo 2014-2017; đánh giá tình hình, thực trạng, hậu quả của ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và các cuộc xung đột của quốc gia ASEAN cũng như khu vực; kinh nghiệm của các quốc gia trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ; hợp tác trong đối phó, khắc phục hậu quả bom mìn trong khu vực, quốc tế và đề xuất cho hợp tác trong khuôn khổ ADMM+. 

Đoàn Việt Nam trình bày 2 tham luận “Tình hình ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam và hậu quả” và “Quân đội Nhân dân Việt Nam trong nhiệm vụ khắc phục bom mìn sau chiến tranh”. Việt Nam còn đề xuất một số giải pháp khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh của Việt Nam và khu vực.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.