Không quân không người lái: Thực tế hay giả tưởng?

Không quân không người lái: Thực tế hay giả tưởng?
Mới đây, công ty Lockheed Martin Skunk Works và đối tác vừa thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm của máy bay F-16 được hoán cải không người lái có khả năng tự chủ khi hoạt động trên không tại căn cứ Edwards.

Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong tham vọng phát triển một lực lượng không quân tự động hóa ở cấp độ cao trong tương lai của Lầu Năm góc, cũng như giải quyết vấn đề thiếu phi công của Không quân Mỹ trong tương lai gần.

Theo tính toán, trong thập niên tới, Không quân Mỹ có thể thiếu tới 1.555 phi công, trong đó có 1.211 phi công lái máy bay chiến đấu.

Chuyến bay thử mang tính lịch sử

Trong 2 tuần bay thử nghiệm tại căn cứ Edwards, các chuyên gia của Lockheed Martin Skunk Works và Không quân Mỹ đã thực nghiệm thành công phiên bản máy bay F-16 không người lái tự chủ có thể phối hợp hoạt động cùng trong đối hình với máy bay có phi công điều khiển, thực hiện các phi vụ tấn công “không đối đất” và trở về căn cứ an toàn.

Không quân không người lái: Thực tế hay giả tưởng? ảnh 1

QF-16 với tiềm năng chuyển đổi thành máy bay không người lái tự chủ.

Điểm mấu chốt trong quá trình thử nghiệm là máy bay F-16 không người lái được tự chủ hoàn toàn. Nó được "hành động tự do”, tự tính toán đường bay tới mục tiêu, tự lựa chọn vũ khí mang theo để tấn công mục tiêu và thay đổi đường bay để tối ưu khả năng sống sót.

Có thể nói, nguyên mẫu máy bay F-16 không người lái nói trên đã tiến một bước dài trong lĩnh vực hàng không quân sự nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo và đáp ứng một phần chức năng của phi công con người.

Hiện tại, Không quân Mỹ đã cố gắng tích hợp các công nghệ tự động hóa từ nhiều nhà phát triển độc lập lên trên một mẫu máy bay mang trí thông minh nhân tạo thực thụ.

Thực tế, công nghệ máy bay không người lái đã có lịch sử phát triển nhiều thập niên qua cho nhiệm vụ trinh sát, tấn công. Tuy nhiên, chúng vẫn chỉ đơn thuần được điều khiển từ xa, chứ không có khả năng hoạt động độc lập, tự ra quyết định tùy theo tình huống chiến đấu.

Với công nghệ không người lái mới, việc đưa ra quyết định gần như đạt mốc thời gian thực do không có độ trễ truyền thông tin giữa trung tâm điều khiển mặt đất và máy bay.

Mặt khác, máy bay không người lái mới có thể thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm trước đây vốn phải cân nhắc và tính toán kỹ càng do sự an toàn của phi công.

Việc phát triển máy bay F-16 không người lái tự chủ có vẻ là bước đi hợp lô-gic khi kết hợp hoạt động với máy bay thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II. Trong trường hợp này, F-35 sẽ là “trái tim” của các phi đội không người lái.

Các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Các dự án tương lai thuộc Lầu Năm góc (DAPRA) tính toán, về mặt lý thuyết công nghệ, một máy bay F-35 có đầy đủ khả năng chỉ huy và phối hợp với một phi đội máy bay không người lái tự chủ và các thử nghiệm hiện thực hóa vấn đề này sẽ bắt đầu từ năm 2019.

Không quân không người lái: Thực tế hay giả tưởng? ảnh 2

Trực thăng tấn công Apache phối hợp với các đơn vị máy bay không người lái để tăng hiệu quả tác chiến.

Cùng với không quân, Lục quân Mỹ cũng đang thử nghiệm khả năng hoạt động phối hợp giữa trực thăng tấn công Apache, Kiowa với các đơn vị máy bay không người lái để tăng hiệu quả trinh sát và tác chiến. Quá trình thử nghiệm trên đã được thực hiện tại Afghanistan.

Máy bay không người lái liệu đã thay thế được phi công?

Tới tận thời điểm hiện tại, giới chuyên gia quân sự vẫn hoài nghi về mức độ phát triển của trí thông minh nhân tạo có thể thay thế được phi công trong các nhiệm vụ mang tính sống còn như tấn công hạt nhân hay không chiến.

Khi tình huống xoay chuyển quá nhanh, chỉ có phi công con người mới có thể ra những quyết định mang tính then chốt. Tuy nhiên, tất cả có thể thay đổi trong vài thập niên tới.

Giới chuyên gia dự báo, tới những năm 2040, với sự phát triển vượt bậc của trí thông minh nhân tạo sẽ tạo ra cuộc cách mạng để đưa các đơn vị máy bay không người lái tự chủ thay thế cho phi công.

Bản thân Lầu Năm góc trong báo cáo Unmanned Aircraft Systems Flight Plan 2009-2047 cũng nhận định, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-22 và F-35 có thể là dòng thiết bị hàng không quân sự cuối cùng có người điều khiển.

Việc sử dụng máy bay không lái tự chủ có nhiều ưu điểm rõ ràng so với máy bay do phi công điều khiển về tầm bay, thời gian bay, cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

Quá trình thay đổi trên sẽ không diễn ra một cách đột ngột, mà thực hiện dần dần cùng với sự ra đời và phổ biến của máy bay thế hệ thứ 6. Không quân Mỹ đang có kế hoạch duy trì hoạt động của máy bay thế hệ thứ 5 tới những năm 2070 và kịch bản phối hợp giữa các đơn vị máy bay do phi công điều khiển và máy bay không người lái tự chủ đã rất rõ ràng. Sự thành công của Mỹ chắc chắn sẽ kéo nhiều quốc gia theo xu hướng này.

Không quân không người lái: Thực tế hay giả tưởng? ảnh 3

Nga đang phát triển công nghệ ePilot trên PAK FA và đã đạt được nhiều thành công. 

Cùng với Mỹ, Nga hiện cũng có thành tựu trong việc phát triển công nghệ máy bay tự động hóa với công nghệ ePilot trang bị trên PAK FA.

Tuy cách tiếp cận công nghệ khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là tối ưu hóa hoạt động của Không quân với chi phí thấp nhất, hiệu quả chiến đấu cao nhất.

Tuy xu hướng phát triển của không quân quân sự thế giới còn thay đổi trong tương lai, nhưng có thể chắc chắn tới cuối thế kỷ này, sẽ có nhiều lực lượng không quân trên thế giới tự động hóa hoàn toàn.

Theo Theo Quân đội nhân dân
MỚI - NÓNG