Khúc hát Xamakhi ở mảnh đất biên cương

Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Thanh tới thăm gia đình Kê Si (ảnh nhỏ) và một góc bản Đắc Ba (Đắc Chưng, Sê Kông, Lào). Ảnh: T.H.
Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Thanh tới thăm gia đình Kê Si (ảnh nhỏ) và một góc bản Đắc Ba (Đắc Chưng, Sê Kông, Lào). Ảnh: T.H.
TP - Tiếng nói khác nhau, không cùng quốc tịch nhưng tình cảm của những người lính và nhân dân trên mảnh đất biên cương Đắc Blô (Đắk Glei, Kon Tum, Việt Nam) và Đắc Ba (Đắc Chưng, Sê Kông, Lào) vẫn luôn khăng khít, gắn bó.

Tình anh em đặc biệt

Đồn Biên phòng Sông Thanh, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Kon Tum là đơn vị khá đặc biệt so với hơn 400 đồn trên tuyến biên giới cả nước khi đóng quân giữa rừng và không quản lý địa bàn có dân. Tuy nhiên, trên địa bàn quản lý của đơn vị lại có cửa khẩu phụ, kiểm soát người qua lại phía đối diện là cụm Đắc Ba, huyện Đắc Chưng. Bởi vậy Đồn Biên phòng Sông Thanh được Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum lựa chọn để kết nghĩa với Đại đội Bảo vệ biên giới 532 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sê Kông. Trong mỗi câu chuyện nơi đây đều mang bóng dáng của tình đoàn kết, hữu nghị anh em đặc biệt như thể ngàn đời nay đã, đang và sẽ mãi mãi là như  thế...

Khi tôi đề nghị được sang thăm bà con bản Đắc Ba, thượng tá Nguyễn Tiến Dũng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Thanh nhất trí nhưng cũng bảo rằng: “Muốn đi đâu, làm gì thì cứ phải ghé “nhà anh em” của đơn vị là Đại đội Bảo vệ biên giới 532…”.

Vì đã hẹn trước nên đại úy Sisavanh Chanviray, Chính trị viên phó Đại đội 532 đón chúng tôi ngay từ cổng. Cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ khác, anh đều có chút vốn tiếng Việt. “Bà con ở Lào cũng dùng tiếng Việt nên phải học để biết”, anh nói, rồi tiếp chuyện bằng cách giới thiệu ở Đại đội 532 có không ít người còn nhiều họ hàng ở Việt Nam, như chuẩn úy Kẹo Nisong, hiện tại nhà ở huyện Sê Kông nhưng có nhiều họ hàng ở huyện Khâm Đức, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Bố mẹ của chuẩn úy Kẹo Nisong đã mất, là con trai nên hàng năm anh vẫn về Việt Nam thăm họ hàng, ai dựng nhà, đám cưới, đám tang, anh vẫn đến giúp. Tôi quay sang hỏi nữ chiến sĩ duy nhất của đại đội có cái tên mượt mà - Noọng Son: “Em có nói được tiếng Việt không”? Cô gái thẹn thùng đỏ mặt, lắc đầu: “Ôi, em không nói được đâu chị ơi”, khiến ai đấy đều phải phì cười.

Còn nhiều nữa những câu chuyện Việt - Lào, Lào - Việt ở mảnh đất biên cương này. Đó là năm 2012, Đại đội 532 xây dựng doanh trại mới, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã tặng đơn vị 100 tấm tôn; năm 2014, bản Đắc Ba (Lào) và bản Đắc Blô (Việt Nam) kết nghĩa bản- bản. Vậy nên chẳng có gì là lạ khi bản Đắc Ba tháng 4 ăn tết Lào nhưng Tết Nguyên đán vẫn mổ lợn, gói bánh chưng cũng như người Giẻ ở Đắc Blô.

Tri ân đồng đội

Năm nào cũng vậy, sự sẻ chia của những người lính Đồn Biên phòng Sông Thanh với bà con làng Đắc Ba bắt đầu bằng việc tặng quần áo và nhu yếu phẩm cho bà con. Hay việc hàng ngày bà con sang Việt Nam đi chợ, khám chữa bệnh đều được cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng (KSBP) Đồn Biên phòng Sông Thanh tạo điều kiện về thủ tục cũng như thời gian. Bản Đắc Ba ở Lào nhưng ai cũng biết thượng úy A Đại ở Trạm KSBP Đồn Biên phòng Sông Thanh, không chỉ vì anh thường xuyên có mặt ở trạm mà còn vì anh nói tiếng Lào, tiếng Giẻ (tiếng bản địa của bản Đắc Ba) rất giỏi. Mối quen biết thân tình tới mức, có những khi A Đại về nhà trở lại đơn vị mang theo cả xe hàng hóa cồng kềnh mà trong đó chủ yếu là đồ bà con nhờ mua.

Thể hiện lòng hiếu khách, đại úy Sisavanh cùng chúng tôi đi thăm bà con trong bản Đắc Ba, gồm những ngôi nhà sàn gỗ, lợp tôn nằm ven theo dòng Đắc Ba uốn lượn, trong vắt. Chúng tôi ghé vào nhà cậu bé Kê Si là học sinh được Đồn Biên phòng Sông Thanh đỡ đầu trong chương trình “Nâng bước em đến trường”.

Khi đã yên vị, đón chén nước còn ấm từ tay gia chủ, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy trên bàn thờ có tấm ảnh chân dung của một người lính biên phòng Việt Nam. Hỏi ra mới biết đó là bố của Kê Si, tên A Lộc.  Anh A Lộc sinh ra và lớn lên tại tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Từ năm 1996 - 1999, anh nhập ngũ vào lực lượng BĐBP Quảng Nam. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, A Lộc đưa gia đình chuyển sang Lào sinh sống và trở thành thiếu úy công an Lào. Năm 2009, anh mất vì bệnh hiểm nghèo. Gia đình anh đã chọn bức ảnh anh mặc quân phục BĐBP Việt Nam dù đã chuyển quốc tịch, đã sống và ăn cơm nếp Lào hàng ngày.

“Trước khi có chương trình Nâng bước em đến trường, chúng tôi vẫn có những giúp đỡ đối với gia đình Kê Si. Không chỉ vì cháu có hoàn cảnh khó khăn mà bởi cháu là con của một người lính quân hàm xanh như chúng tôi. Giờ đồng đội mất thì chúng tôi phải có trách nhiệm với cháu”, thượng tá Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Kê Si năm nay bước vào lớp 4, học ở ngay trường trong bản Đắc Ba. Đã 2 năm nay, tháng nào Kê Si cũng nhận được sự giúp đỡ của những người lính Đồn Biên phòng Sông Thanh. Ngoài 500 nghìn đồng/tháng, gia đình em còn được nhận thêm khi thì gạo, khi thì muối mắm. Nói bằng tiếng Việt rõ ràng, cậu học sinh Lào Kê Si nói nếu có điều kiện học hết lớp 12, em muốn được trở thành BĐBP như bố, như các chú để bảo vệ biên giới, bảo vệ tình hữu nghị, đoàn kết của người Việt và người Lào.

Năm nào cũng vậy, sự sẻ chia của những người lính Đồn Biên phòng Sông Thanh với bà con làng Đắc Ba (Đắc Chưng, Sê Kông, Lào) bắt đầu bằng việc tặng quần áo và nhu yếu phẩm cho bà con. Hay việc hàng ngày bà con sang Việt Nam đi chợ, khám chữa bệnh đều được cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng Đồn Biên phòng Sông Thanh tạo điều kiện về thủ tục cũng như thời gian.

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...