‘Khủng long’ của hải quân Nga trở lại với dàn vũ khí kinh người

tàu Đô đốc Nakhimov khi còn chưa đại tu
tàu Đô đốc Nakhimov khi còn chưa đại tu
TPO - “Chắc chắn nó sẽ là con tàu tuần dương tiên tiến nhất, mang theo các loại vũ khí tầm xa với độ chính xác cao”, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga mô tả về con tàu tuần dương hạt nhân hạng nặng sắp được tái trang bị cho hải quân Nga.

Tàu tuần dương hạng nặng Admiral Nakhimov hay còn gọi là Dự án 1144 ( tàu tuần dương lớp Kirov) sẽ quay trở lại phục vụ trong hải quân Nga vào năm 2022 sau thời gian đại tu và hiện đại hóa, thứ trưởng Alexei Krivoruchko nói với các phóng viên. “Nó sẽ là tàu chiến mạnh nhất của hải quân Nga. Hiện nay dự án (đại tu và hiện đại hóa) đã hoàn thành 50% khối lượng công việc”, ông Krivoruchko nói, theo tin của TASS.

Theo ông Krivoruchko, Bộ Quốc phòng Nga đã chi cho dự án này 29,5 tỷ ruble chỉ riêng trong năm 2019. “Chúng tôi dự kiến chào đón con tàu trở lại phục vụ vào năm 2022”, thứ trưởng Quốc phòng Nga nói.

Con tàu được khởi đóng từ tháng 5/1983, ban đầu được đặt tên là Kalinin. Đến ngày 30/12/1988, nó chính thức được biên chế vào Hạm đội phương Bắc, đổi tên thành tàu Admiral Nakhimov (Đô đốc Nakhimov). Chiến hạm hạng nặng này được đại tu tại xưởng đóng tàu Sevmash từ năm 1999, tuy  nhiên công việc hiện đại hóa thực sự bắt đầu từ năm 2013, tức là 14 năm sau. Theo TASS, tàu Admiral Nakhimov sẽ được trang bị một loạt vũ khí cực mạnh như các tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa chống hạm siêu âm Onix và cả tên lửa chống hạm siêu thanh Tsirkon.

‘Khủng long’ của hải quân Nga trở lại với dàn vũ khí kinh người ảnh 1 Tàu Admiral Nakhimov sẽ quay trở lại với diện mạo mới

Trước đây, hải quân Nga có 4 chiến hạm lớp Kirov là loại tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ngoài tàu Admiral Nakhimov được đại tu, hiện đại hóa, một số tàu khác không có được may mắn này. Hai tàu khác đã được liệt vào danh sách sẽ bị tháo dỡ. Trong khi đó, hải quân Nga đang chủ trương chuyển đổi sang một lực lượng dùng đa số tàu cỡ nhỏ hơn làm nòng cốt của hạm đội.

Admiral Nakhimov có chiều dài 252m, lượng choán nước 24.000 tấn (so sánh: tàu tuần dương chủ lực lớp Ticonderoga của Mỹ dài 173m, lượng choán nước 9.800 tấn; tàu khu trục Type-055 lớn nhất của Trung Quốc dài 180m, có lượng choán nước 12.000 tấn).

Trong khi tàu Admiral Nakhimov có thể phục vụ thêm vài chục năm nữa cùng tàu chị em là tuần dương hạm Petr Velikiy, hai tàu lớp Kirov khác, tàu Admiral Ushakovvà Admiral Lazarev  đã được đưa vào danh sách tháo dỡ lấy sắt vụn.

‘Khủng long’ của hải quân Nga trở lại với dàn vũ khí kinh người ảnh 2 Tàu được nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực cùng nhiều vũ khí tối tân

Tính đến nay, các tàu chiến lớp Kirov là tàu chiến mặt nước (không tính tàu sân bay) lớn nhất thế giới. Chúng được chế tạo với mục đích chống lại các nhóm tàu sân bay của hải quân Mỹ và đội tàu hậu cần.

Tuy nhiên, duy trì đội tàu chiến cỡ lớn như thế rất đắt đỏ. Chính vì vậy, thay vì phục hồi ba tàu Admiral Ushakov, Admiral Lazarev và Admiral Nakhimov để chúng phục vụ bên cạnh soái hạm của Hạm đội phương Bắc là tàu cùng lớp Kirov mang tên Petr Velikiym (Pyotr Đại đế) như ý định ban đầu, hải quân Nga chỉ thực hiện với duy nhất tàu Admiral Nakhimov và tiến trình này diễn ra khó khăn và chậm chạp vì thiếu kinh phí là chính, theo tin của National Interest.

Theo tờ tạp chí Mỹ, có tin đồn hải quân Nga sẽ sớm loại biên tàu sân bay duy nhất là Admiral Kuznetsov. Con tàu này vào tháng 10/2018 bị hư hại nghiêm trọng khi ụ khô PD 50 của Xưởng sửa chữa số 82 bị sập, trong khi tàu Kuznetsov đang ở đây chờ đại tu. Theo báo Izvestia, chính phủ Nga có thể loại biên tàu Kuznetsov thay vì chi tiền đầu tư ụ khô mới và cả tiền sửa chữa tàu Kuznetsov vốn đã rất cũ kỹ.

Và nếu đúng như thế, hai tàu lớp Kirov còn lại sẽ là những soái hạm thực sự của hải quân Nga trong giai đoạn mới.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.