Ký ức một thời lửa đạn: Kì cuối: vui buồn chuyện lính chiến

Vợ chồng chị Phượng trong ngày cưới tháng 9/1981 (ảnh: NVCC)
Vợ chồng chị Phượng trong ngày cưới tháng 9/1981 (ảnh: NVCC)
TPO - Sau ba tháng “trui rèn” tại đơn vị giữa chiến trường Đường 9 Nam Lào, chị Phượng và 3 đồng chí nữ cùng nhóm còn lại được phân công về Trung đoàn bộ Trung đoàn 541 mà lúc bấy giờ gọi là Binh Trạm 41. Cấp trên phân công chị về làm “anh nuôi” của trung đoàn bộ. Vậy là một nhiệm vụ mới lại bắt đầu với chị.

CHUYỆN LÀM “ANH NUÔI”!

Thời gian đầu được điều về làm “anh nuôi” chị cảm thấy hơi buồn vì chỉ có  chị và Mão. Chiếc bếp Hoàng Cầm nằm cheo leo dọc theo sườn núi. Mùa mưa, củi không bén lửa, nhóm bếp đỏ hoe cả mắt. Có những hôm chị phải vừa nấu cơm, vừa đi kiếm củi. Lần đầu tiên chị biết thế nào là chia cơm cho đồng đội. Thức ăn hàng ngày là rau rừng, lá sắn, thỉnh thoảng mới có thêm bữa măng rừng luộc. Mỗi lần kiếm được măng ngon là các chị  mừng lắm, đúng như câu hát: “Hết rau rồi em có lấy măng không”. Còn cơm thì độn đến 2/3 là sắn khô xay nhỏ, hoặc bột mì trộn lẫn với bao nhiêu là con mọt. Thương cho anh em đồng chí đồng đội ăn độn nhiều sẽ nóng bụng nên chị luôn cố gắng đi thật xa để may ra hái được nhiều rau hơn về nấu canh cho anh em ăn mát ruột. Có hôm may mắn, chị còn bắn thêm được con sóc, con thỏ… để bổ sung thêm thực phẩm bồi dưỡng cho anh em đang ốm đau, bệnh tật.

Chị tâm sự: “Nhìn cánh lính ăn uống ngon lành là tôi cảm thấy rất vui và càng cố gắng hơn. Có mấy anh cứ đến nhận đồng hương để mong được “ưu tiên” thêm mấy miếng cháy. Có anh lại còn tỏ ra ân cần với tôi nữa chứ và toàn nói những lời có cánh. Mà sao lúc đó tôi ngố lắm có biết là họ tán tỉnh gì đâu, anh nào mà nói nhiều có khi lại còn bị ăn thêm mấy cái que cời bếp nữa chứ”. Nghe chị kể khiến chúng tôi cùng cười vang cả căn phòng.

Ký ức một thời lửa đạn: Kì cuối: vui buồn chuyện lính chiến ảnh 1

Chị Phượng (thứ 3 bên trái) cùng đồng nghiệp trong chuyến công tác, chị là tư vấn xã hội cho dự án Phát triển tại Hà Giang năm 2007. (ảnh: NVCC)

Có người thường cho rằng lính tráng thì khô khan, sắt đá lắm, nhưng thực ra nếu ai đã từng là quân nhân thì đều phải công nhận rằng, bộ đội rất lãng mạn, rất tếu táo và nghịch ngợm nhưng luôn thật lòng. Thời gian được làm “anh nuôi” của chị Phượng cũng có nhiều kỷ niệm rất vui, đầy ắp tiếng cười. Chị kể cho chúng tôi nghe mà không giấu nổi tiếng cười: “Có chàng lính lẻn sang doanh trại của nữ thanh niên xung phong lấy trộm áo “coóc - xê” màu đỏ của chị em đem đến cái chợ trong bản người Lào Thưng đổi lấy mấy con gà. Lúc ăn gà vừa nhai vừa mỉa mai sao gà hôm nay già thế, người ngoài không biết cứ thắc mắc là gà ngon thế sao lại bảo già. Mấy hôm sau các o thanh niên xung phong đến tận lán trại đơn vị tôi bắt đền cánh lính trẻ. Mấy chàng tỉnh bơ không nói gì, tay chỉ xuống bụng ý nói “nó” đã chui vào hết dạ dày rồi. Các o ấm ức ra về tìm cách phục thù”.

Có một kỷ niệm mà chị Phượng nói rằng chị không bao giờ quên. Đó là chuyện mấy đồng chí cùng đi với chị ra chợ và nhìn thấy con lợn của đồng bào ngon quá nhưng không có tiền mua. Thế nên các chàng lính đã chỉ tay vào chị và nói với mấy anh chàng người Lào rằng, có thể đổi “cái bộ đội này” để lấy con lợn. Người dân Lào Thượng vốn tính thật thà nên đã đồng ý trao cho mấy chàng lính một con lợn rồi chạy đến nắm tay chị kéo đi. Sợ quá, chị vội chạy một mạch về đơn vị. Mấy hôm sau các chàng trai Lào Thượng kéo đến đòi vợ. Chị lại đành phải trốn biệt dưới hầm và bị trung đội trưởng mắng. Nghĩ mà oan thật vì có phải tội của chị gây ra đâu mà chỉ tại mấy chàng lính công binh “quậy phá”. Đúng là lính luôn có những chuyện nghịch ngợm không giống ai nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi của các chàng lính trẻ.

Chúng tôi cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và “há hốc miệng” mà nghe chị kể chuyện về lính tráng. Chuyện vui có, buồn có, hú vía và hút chết đều có đủ cả. Một lần nọ, chị đi ra vườn tăng gia để hái rau thì bất ngờ máy bay Mỹ bay vè vè trên ngọn cây. Chị cho biết: “Đây là một loại “máy bay bà già” của địch, chuyên dùng loa để dụ dỗ. Bọn chúng ném cả những bó truyền đơn xuống bãi rau mà tôi đang nấp. Chiếc máy bay rà xuống sát vườn rau, tôi thầm nghĩ “chắc chắn là mình đã bị lộ”. Thế rồi chiếc trực thăng bay đến chỗ tôi và thả thang dây xuống như cố ý muốn bắt sống tôi. Nhìn thấy mấy tên lính ôm súng định nhảy dù nên chẳng còn cách nào khác, tôi đành chĩa súng bắn thẳng vào máy bay rồi chạy thục mạng về đơn vị. Tôi vội thông báo tình hình địch cho mọi người nắm rõ. Sau đó, chúng tôi nhận được lệnh hành quân gấp. Doanh trại chúng tôi vừa ở đã tan tành dưới những trận bom B52 oanh tạc. May mà tôi chỉ bị thủ trưởng phê bình. Đây có lẽ một bài học nhớ đời cho bản thân tôi”

“ĂN HỎI” VẮNG MẶT

Ký ức một thời lửa đạn: Kì cuối: vui buồn chuyện lính chiến ảnh 2

Chị Phượng (ngoài cùng bên trái) làm MC trong chương trình tổng kết năm của Dự án nước sạch 6 tỉnh miền Trung của Công ty tư vấn quốc tế CDM. Dự án này trực thuộc Trung tâm nước sạch Bộ NN&PTNT. (ảnh: NVCC)

Tháng 12 nắm 1973 chị Phượng chuyển về đóng ở Khe Sanh, Tà Cơn (Quảng Trị) và được đơn vị cho đi phép về nhà thăm gia đình sau 3 năm nhập ngũ. Ba lô trên vai đựng vài bộ quần áo cũ, chị khấp khởi lên đường đi bộ từ Quảng trị về quê. Lắc lư hai ngày ngồi nhờ trên xe chở gạo chị cũng về đến nhà trong niềm vui khôn tả. Sau bữa ăn cơm mẹ chị nhắc luôn: "Lần này về mi lấy chồng đi chứ. Cũng đã 21 tuổi rồi còn gì, không lấy chồng thì ế đấy con ạ”.  Mấy năm ở lính có biết yêu là gì nên chị khẽ nói: “Con làm gì có ai mà lấy”. Mẹ chị đứng phắt dậy, nhìn chị như người từ hành tinh khác đến: "Tau cho mi nói lại. Mi nói, mi chưa có ai là răng? Thế cái anh người Thạch Khê ấy là răng? Tại sao năm ngoái họ lại mang cau trầu, lễ lạt đến nhà ta “ăn hỏi” mi?” Nghe vậy chị quá ngạc nhiên vì không hiểu gì hết. Mẹ chị bắt đầu kể lể rằng, nhà trai đã mang cả thủ lợn, gà, cau trầu, kẹo bánh đến “ăn hỏi” rồi. Và, họ còn nói là chị đã nhận lời yêu anh T. Lúc này chị mới mường tượng ra cái anh chàng T này.

Chị nhìn chúng tôi cười giãi bày vì e bị hiểu lầm là thất hứa với người yêu: “Thật ra tôi có biết T là khi anh làm trung đội trưởng trung đội thông tin. Mấy lần anh ấy đi lên trung đoàn bộ họp có gặp tôi đang vắt vẻo trên nóc nhà Hội trường trung đoàn bộ lợp lại mái nhà. Gặp tôi là anh ta “cà cuống” mặt đỏ ửng lên. Tôi thề là chưa bao giờ anh ta đặt vấn đề “yêu” tôi. Thế mà lại bảo với gia đình đi “ăn hỏi” mới lạ chứ”. Chính vì vậy, phần vì tò mò và cũng vì muốn xem thực hư thế nào nên chị Phượng mặc nguyên bộ quân phục và rủ anh trai đi đến tận nhà anh T. Đến nơi, chị vừa  chào hỏi  được vài câu thì rất đông người trong họ nhà anh T đến xem mặt “cô dâu”. Một ông trạc trung tuổi xông ra bắt tay chị lắc lắc và nhìn chị chằm chằm, rồi nói: "Ồ o đã về. Cả nhà thấy chưa, nhà mình đi trước một bước là rất đúng. Bây giờ thì ván đã đóng thuyền rồi còn sợ gì nữa. Lúc đó chị ngớ người ra chẳng biết gì cả. Một bà khác chạy lại gần nhìn kỹ chị ở mọi tư thế rồi nhận xét như đinh đóng cột: "Cái ngữ này thì ngày phải cày được 3 sào ruộng chứ chẳng chơi".

Ký ức một thời lửa đạn: Kì cuối: vui buồn chuyện lính chiến ảnh 3

Chị Phượng tại Đại hội Hội Cựu chiến binh phường Thanh Nhàn lần thứ VII, tháng 3/2017. (ảnh: NVCC)

Sau đó một ngày, gia đình anh T lên gửi quà bảo chị mang vào đơn vị cho anh T và căn dặn “hai đứa nên tổ chức cưới trong đơn vị trước khi ra quân. Chị ậm ừ cho xong chuyện. Mẹ bàn với chị một viễn cảnh sẽ cưới chồng như thế nào. Chị giận dỗi bảo: "Con không yêu đương gì cả làm sao mà cưới. Mẹ thích thì mẹ đi mà lấy”. Đang ngồi thái rau lợn nghe câu trả lời ấy, mẹ chị cầm con dao dứ dứ vào chị. Trước tình cảnh ấy, mặc dù vẫn còn 5 ngày phép, nhưng  hôm sau chị đã vội vã trả phép để tìm “gặp lại cái tay Trung đội trưởng ấy cho lão ta một trận”. Lếch thếch ba lô trên vai chị đi bộ vào Quảng Trị. Ngày đi, đêm xin ngủ nhờ nhà dân, chị cũng đến được phà Long Đại. Tại đó chị nhận được tin đơn vị đã chuyển ra đóng quân tại cây số 9 đường 9 (Cam Lộ, Quảng Trị), cách Đông Hà 9 km. Việc đầu tiên trở lại đơn vị là chị đi tìm ngay đồng chí T để “xạc” cho anh ta một trận. Nhưng khi gặp mặt anh T chị lại chẳng nói được điều gì. Chị đưa lại toàn bộ quà của gia đình và nói với anh ta đúng một câu "Đồ dở hơi" rồi ra về. Tối hôm đó chị nghe có tiếng đàn ông khóc thút thít từ lán đơn vị thông tin vọng lại. Lát sau, mấy anh đồng hương Hà Tĩnh xúm lại mắng chị như tát nước. Chị thầm nghĩ, mấy cái ông này hay thật, tim mình có nói điều gì đâu, có bảo là yêu ai đâu mà lấy chồng. Thế nhưng theo quan niệm của quê chị, ngày ấy có người “ăn hỏi” rồi coi như đã lấy chồng. Lạ thật!

NHẬN ĐƯỢC THƯ NHÀ

Mặc dù chiến tranh đã qua lâu rồi, những những câu chuyện về tình yêu, tình vợ chồng của lính chiến vẫn luôn thao thức trong trái tim người nữ CCB Lê Thị Mộng Phượng năm nào.

Chị kể cho chúng tôi nghe chuyện tình cảm của một cặp vợ chồng người lính chiến với giọng hồ hởi, phấn khởi: “Tôi còn nhớ anh Cầm người Nam Đàn (Nghệ An) rất yêu vợ, cứ năn nỉ bảo tôi đổi cho anh ấy một miếng vải lụa để cho anh gửi về tặng vợ (Vì là chiến sỹ nữ nên mỗi năm tôi được phát  2 bộ quần áo và một miếng vải lụa may quần). Tôi đồng ý đổi và anh ấy nhờ tôi viết dùm mấy chữ để có người đi phép anh sẽ gửi về cho vợ vì anh không biết chữ. Ba tháng sau, anh Cầm nhận được thư của vợ và bảo tôi đọc cho anh ấy nghe. Tôi vội mở lá thư ố vàng ra, chao ôi những con chữ to như con gà mái ghẹ cứ nhảy múa trước mặt tôi. Nói thật là lúc đầu đọc tôi rất buồn cười, nhưng nghĩ lại đó cả một nỗi niềm của người vợ nơi hậu phương  dành cho chồng ngoài mặt trân. Tôi vẫn còn nhớ những dòng thư mộc mạc, chân chất của chị ấy: Thầy nó kính mến. Em cảm ơn thầy nó đã gửi về cho em miếng vải lụa. Em thật cảm động. Mỗi lần đưa quần ra mặc em lại thấy bóng hình anh trong đó…”. Tôi đọc xong cầm lá thư của anh chạy mất tiêu, còn anh thì cố đuổi theo để lấy lại bằng được lá thư. Bởi lá thư đó chính là tình yêu của anh, là sợi chỉ mong manh còn kết nối anh với gia đình, hậu phương”

Vui đó, cười đó, rồi chị lại bùi ngùi tâm sự: “Cánh lính bọn tôi lúc đó có thư là chia nhau đọc, không phân biệt thư của anh hay của tôi. Đọc xong, có mấy người nước mắt cứ ngân ngấn, còn Thuần bạn tôi thì chạy về lán khóc rưng rức. Thuần người Nghi Đan (Nghi Xuân) yếu lòng hay khóc nhè, tôi thì chẳng việc gì phải khóc. Bốn năm đi lính chỉ nhận được một bức thư duy nhất của mẹ. Mẹ tôi viết bằng thơ hẳn hoi, tình cảm lắm, rất tiếc là không còn để được đến nay. Lính ta ít nhận được thư vì nếu người thân có gửi thì cũng bị thất lạc ít khi đến được tay người nhận. Bởi vì đơn vị đóng quân thường di chuyển địa điểm và quân nhân cũng thường chuyển đơn vị nhận công tác mới”

ĐÁM CƯỚI CỦA LÍNH CHIẾN

Cuộc đời cũng công bằng đấy chứ, có buồn rồi ắt có vui. Năm 1973 sau khi hiệp định Paris được ký kết, cấp trên ưu tiên giải quyết xuất ngũ cho những chiến sỹ nữ trở về hậu phương. Có một chị quê Ninh Bình nhập ngũ từ năm 1964. Trước lúc xuất ngũ, khi thủ trưởng đơn vị hỏi có nguyện vọng gì, chị ấy trả lời: “Muốn có một tấm chồng”. Ôi mong ước giản dị rất đời thường nhưng sao lại khó thế. Chính ủy đơn vị suy nghĩ và hỏi xem chị ấy thích ai, yêu ai. Chị ấy đã nói ngay ra tên của một đồng chí tiểu đoàn phó là đồng hương với chị ấy cũng ở cùng Binh Trạm. Mối tình đơn phương đã được chị ấy chôn chặt trong lòng trong nhiều năm. Vậy là đồng chí tiểu đoàn phó được gọi lên với một “nhiệm vụ” là giúp Binh Trạm thực hiện nguyện vọng của chiến sỹ nữ trước khi xuất ngũ về hậu phương. Thế rồi một đám cưới cũng được tổ chức. Đơn vị mua một con bò về mổ thịt làm cỗ cưới.

Chị Phượng phấn khởi kể tiếp: “Tôi được điều sang tổ anh nuôi cùng một số cán bộ hậu cần được phân công nấu ăn làm cỗ đám cưới cho chị ấy. Với chiếc chảo to, bếp Hoàng Cầm cheo leo trên sườn núi, tôi đi xuống suối gánh nước đổ đầy mấy cái nồi quân dụng và nấu một nồi cơm thật to. Cánh lính nam thì làm thịt bò và xào nấu, chế biến các món ăn. Thỉnh thoảng lại được mấy anh vệ binh chạy đến nhắc nhở không được để khói nhiều vì vẫn sợ bị địch phát hiện sẽ ném bom. Trong khi tôi đang nhễ nhại mồ hôi nấu nồi cơm quân dụng to vật vã thì nghe thấy mọi người thấy kháo nhau cô dâu đã đến. Thế là tôi ba chân bốn cẳng chạy đi xem mặt cô dâu ngay mà quên cả nồi cơm đang nấu sắp chín. Vì vậy cả đơn vị hôm đó được ăn một bữa cơm khê do tôi mải xem cô dâu, chú rể. Cả Binh Trạm trầm trồ khen chú rể đẹp trai quá, còn cô dâu thì (biết nói thế nào nhỉ) da xanh xao, tóc lưa thưa, tuổi đã xấp xỉ chú rể. Như thế mới thấy chiến tranh cũng mất bình đẳng thật, làm phai tàn nhan sắc của bao nhiêu thiếu nữ …

Có thể nói, còn rất rất nhiều chuyện vui, chuyện buồn của cánh lính chiến mà nữ CCB Mộng Phượng đã kể cho chúng tôi nghe nhưng với khuôn khổ bài viết, tác giả xin hẹn các bạn vào một dịp khác.

MỚI - NÓNG