Lãnh đạo hải quân Mỹ-Trung họp trực tuyến

Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy.
Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy.
TP - Sau những ồn ào quanh vụ chiến hạm Mỹ đi vào vùng biển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông, Tư lệnh Hải quân Mỹ - đô đốc John Richardson và người đồng cấp Trung Quốc Vũ Thắng Lợi họp trực tuyến ngày 29/10.

Cuộc họp trong 1 giờ là đề xuất của cả hai bên nhằm thảo luận các hoạt động gần đây ở biển Đông cũng như quan hệ giữa hải quân hai nước, Reuters dẫn lời quan chức Mỹ cho biết hôm qua. Đây là hội nghị truyền hình thứ ba về vấn đề này giữa lãnh đạo hải quân hai nước. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, ông Vũ Thắng Lợi trình bày quan điểm chính thức của Trung Quốc về vấn đề này trong hội nghị truyền hình với Tư lệnh Hải quân Mỹ.

Trước đó, Bắc Kinh trách móc Washington về việc đưa một tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường vào vùng 12 hải lý của một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cảnh cáo tàu USS Lassen và triệu tập Đại sứ Mỹ để phản đối.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun hôm qua tuyên bố, quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để đáp trả bất kỳ “sự xâm phạm” nào của Mỹ vào vùng biển quanh các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Trong khi đó, Mỹ không công nhận các đảo nhỏ nhân tạo này được hưởng địa vị lãnh thổ có chủ quyền.

Ông Yang nhắc lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng, tàu USS Lassen vi phạm “chủ quyền của Trung Quốc và luật pháp quốc tế”, cho dù khu vực mà tàu Mỹ đi qua thuộc vùng được đi lại tự do theo luật quốc tế. Ông Yang không nói chi tiết về tuyên bố của Trung Quốc, cũng không nói cụ thể về việc Bắc Kinh sẽ đáp trả như thế nào, AP đưa tin.

Vẫn trao đổi quân sự song phương

Việc Mỹ đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo là thách thức đáng chú ý nhất của Mỹ trước những giới hạn chủ quyền của Trung Quốc ở một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. “Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn xung đột quân sự, nhưng vấn đề chính là những lợi ích cốt lõi của hai bên xung đột ở biển Đông”, Reuters dẫn lời chuyên gia hải quân Ni Lexiong ở ĐH Luật và Chính trị Thượng Hải.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris sẽ thăm Bắc Kinh vào tuần tới, báo Trung Quốc China Daily đưa tin. Theo báo này, trong chuyến thăm này, hai bên dự kiến thảo luận vấn đề trao đổi quân sự song phương, “tăng cường trao đổi để xây dựng lòng tin giữa lực lượng hải quân hai nước” và giúp “tránh xung đột không chủ ý”.

China Daily dẫn lời nhà nghiên cứu Teng Jianqun ở Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nói rằng, chuyến thăm của ông Harris “chắc chắn nằm trong kế hoạch trao đổi quân sự song phương thường niên”. “Chính sách biển Đông của Trung Quốc sẽ không thay đổi vì vụ việc hôm thứ Ba (tàu chiến Mỹ tiến sát đảo nhân tạo”, ông Teng nói.

Ngoài ra, tàu bệnh viện Hải quân Trung Quốc Peace Ark sẽ cập cảng San Diego, bang California của Mỹ, vào đầu tuần tới để gặp những người đồng cấp và lãnh đạo địa phương. Hạm hội Hải quân Trung Quốc sẽ cập cảng Jacksonville, bang Florida, trong cùng thời gian. Hạm đội gồm tàu khu trục tên lửa Jinan, chiến hạm tên lửa dẫn đường Yiyang và tàu tiếp tế Qiandaohu vừa thực hiện hành trình khắp thế giới với các chặng dừng chân ở Sudan, Ai Cập, Đan Mạch, Thụy Điển, Cuba và Úc.

Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Mỹ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm qua nêu rõ: “Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông và thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.