Lí giải vì sao chỉ có Israel được 'tháo' F-35 của Mỹ để chỉnh

Máy bay tàng hình F-35 của Lockheed Martin.
Máy bay tàng hình F-35 của Lockheed Martin.
Bất kỳ công nghệ quân sự nào mua của Mỹ đều đi kèm một bảng dài các quy định và chi tiết mà các đồng minh bắt buộc phải làm theo. Điều này có nghĩa là các khách hàng không thể thay đổi, không bổ sung, tùy biến bất kỳ chi tiết nào của vũ khí mà không được sự chấp thuận của Lầu Năm Góc.

Quy định này bị buộc phải thực hiện nghiêm, đặc biệt với các khí tài quân sự phức tạp. Ví dụ như chiến đấu cơ tàng hình F-35 Lightning II Joint Striker Fighter. Mẫu máy bay này được Lockheed Martin sản xuất bán cho các đồng minh của Mỹ đi kèm với điều khoản cấm chủ nhân được phép “mày mò” chiếc máy bay này và mọi vấn đề liên quan đến bảo trì, bảo hành đều phải do Mỹ thực hiện.

Quy định này có thể hiểu đây là một biện pháp bảo vệ cho các bí mật công nghệ nhạy cảm không thể bị xâm phạm hay bắt chước. Ngoại trừ Israel.

Quốc gia này sẽ là đồng minh đầu tiên của Hoa Kỳ được giao máy bay này từ tháng 12 và đây là có thể nước duy nhất được phép cài đặt phần mềm khác và tùy chỉnh vũ khí trên máy bay. 

Phần mềm được Israel cài đặt là một dạng ứng dụng có khả năng kiểm soát và ra lệnh, giống với phiên bản phần mềm được cài đặt trong các đơn vị không quân hiện nay của Israel. Vũ khí mà hệ thống này điều khiển có thể là một hệ thống tên lửa do Israel chế tạo.

Lí giải vì sao chỉ có Israel được 'tháo' F-35 của Mỹ để chỉnh ảnh 1

Trừ Mỹ, không ai được phép tháo chiếc F-35.

Israel vừa là khách hàng, vừa là nhà cung cấp

Tới thời điểm này trang Wired cho biết Lockheed Martin vẫn đang đàm phán với Chương trình hợp tác F-35 của Lầu Năm Góc để xúc tiến việc chấp nhận Israel được chính thức tiến hành những tùy chỉnh này. Một trong những lý do cho việc nhiều khả năng họ sẽ được chấp thuận vì xưa nay các chiến đấu cơ khác của Mỹ như F-16, F-15 đã được không quân Israel tự tùy biến để tích hợp hệ thống riêng của họ.

Trong khi đó, bản thân Israel được biết đến với nền quân sự tiên tiến. Nước này đã tạo ra nhiều hệ thống vũ khí lớn hay những chi tiết nhỏ như cảm biến trong thiết bị liên lạc bán cho Mỹ. Thậm chí không quân và hải quân Mỹ còn sử dụng hệ thống ngắm bắn và định vị mục tiêu kết hợp hồng ngoại và laser của Israel. Với máy bay thì phần hiển thị trên mũ bảo hiểm của phi công F-22 cũng là công nghệ Israel.

Thế nhưng cản trở để Mỹ chấp nhận điều này lại đến từ chính quốc gia Trung Đông. Theo Defense News, trong cuộc họp tháng trước ở Tel Aviv, Chuẩn tướng Tal Kalman cho biết nước này đang đặt ra mục tiêu phát triển một trung tâm bảo trì của riêng của mình tại căn cứ không quân Nevatim. Chiến tranh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, để nước khác sửa chữa máy bay cho mình thì sẽ mất vài tuần còn tự sửa thì chỉ mất vài ngày.

Lí giải vì sao chỉ có Israel được 'tháo' F-35 của Mỹ để chỉnh ảnh 2

Israel cũng định đổi loại tên lửa, thay bình xăng nhưng việc này có thể làm ảnh hưởng tới khả năng tàng hình của máy bay.

Cách làm “vừa giúp mình, vừa giúp người” của Mỹ

Israel hiện nay nhận được tới 55% khoản tài trợ cho quân sự nước ngoài của Mỹ. Một thỏa thuận mới đây trị giá 40 tỷ USD trong 10 năm tới để hỗ trợ phát triển các công nghệ quốc phòng của Israel sẽ là không đủ đáp ứng tốc độ phát triển của nước này. Do vậy, việc Mỹ hỗ trợ Israel cũng là tự giúp nước này. Thỏa thuận cung cấp F-35 có thể kéo dài rất nhiều năm. 

Phần mềm mà Israel cài vào F-35 không ảnh hưởng tới phần mềm có sẵn của máy bay mà chỉ bổ sung cho hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và tính toán của máy bay. Theo giám đốc Công nghiệp Hàng không Israel: “các chuyên gia phát triển công nghệ quân sự của nước này đang tạo ra một ứng dụng mới có thể thích nghi với những chiếc F-35 hiện nay để phục vụ cho nhu cầu riêng của quân đội. Nền tảng mở của chúng tôi sẽ hỗ trợ phát triển cả phần mềm và phần cứng với chi phí rẻ hơn”.

Vị này cũng cho biết phần mềm này cũng đang được tích hợp vào các máy bay F-16, F-15 hiện có.

Các quốc gia mua F-35 khác như Anh, Ý, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… đã dành nhiều năm để đàm phán quyền tùy chỉnh này nhưng không thành công như Israel. Theo một số trang thông tin quân sự nươc ngoài, Israel có thể sẽ bổ sung hệ thống tên lửa chính xác Spice 1000 của mình và thay đổi vị trí đặt bình nhiêu liệu. Việc này sẽ giúp tăng phạm vi hoạt động của máy bay thêm 40% nhưng có thể sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng tàng hình của máy bay.

Nếu thỏa thuận này được chấp nhận và F-35 được tùy biến theo kế hoạch, Israel có thể hoàn thiện tất cả các tùy biến của mình và đưa các máy bay này sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong vòng 12 tháng.

Theo Theo BizLIVE
MỚI - NÓNG