Lính trẻ tham gia diễu binh, diễu hành: Vượt nắng, thắng mưa

Tổng duyệt dưới trời mưa tầm tã đêm 29/8. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tổng duyệt dưới trời mưa tầm tã đêm 29/8. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Sau 4 tháng miệt mài luyện tập dưới nắng mưa, những người lính ưu tú của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã trải qua những bài tập khắc nghiệt vốn được coi là đỉnh cao của điều lệnh đội ngũ. Tất cả họ đều hướng tới một mục đích duy nhất là tạo nên màn diễu binh, diễu hành hoành tráng trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 diễn ra sáng nay tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Vinh dự và trách nhiệm

Là một trong ba sĩ quan trẻ tiêu biểu của Đoàn Tên lửa bờ 685 thuộc Vùng 4 Hải quân vinh dự được chọn tham gia khối sĩ quan Hải quân trong lễ diễu binh, diễu hành (nhiệm vụ A70), trung úy Trần Trung Hiếu, Phân đội trưởng Đội hỏa lực cho biết, anh rất vinh dự và tự hào khi được tham gia lễ kỷ niệm trọng đại này.

Từ đầu tháng 5, Hiếu cùng đồng đội tập trung tại Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 ở Quảng Ninh bắt đầu luyện tập. Giữa tháng 7, các bộ phận “hội quân” ở Trung tâm huấn luyện Quốc gia Miếu Môn (Hà Nội) để hợp luyện các khối. “Khó nhất là khi dóng hàng phải đảm bảo cả 16 người trong một hàng cùng thực hiện động tác đều nhau trong mỗi nhịp đánh tay hay chân bước. Hiệp đồng các khối cũng phải tập đi tập lại sao cho khớp nhau”, Hiếu chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết, nhiệm vụ A70 năm nay, Quân chủng Hải quân được chọn 5 khối tham gia. Ngoài ra, có gần 30 nữ chiến sĩ Hải quân tham gia các khối diễu duyệt khác. “Lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng xác định đây là nhiệm vụ và vinh dự đặc biệt. Ngoài việc tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ tham gia theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng thì còn chú trọng đến nhận thức chính trị, ý chí quyết tâm”, Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật nói.

Vượt nắng thắng mưa

Là cán bộ chỉ huy có kinh nghiệm trong nhiều đợt diễu binh lớn, đại tá Phan Thế Ba, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Đặc công cho biết: “Những cán bộ và chiến sĩ của Binh chủng đặc công tham gia diễu binh được lựa chọn kỹ lưỡng từ tất cả các Lữ đoàn và Trường Sĩ quan Đặc công thuộc Binh chủng”.

“Nghe các anh chỉ huy nói rằng so với luyện tập A40 (kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam), đợt này chúng em tập dài hơn, cường độ cao hơn, mỗi ngày tập khoảng 7 tiếng rưỡi, giai đoạn cuối ngày nào cũng tập, nhất là những buổi hợp luyện khối, sơ, tổng duyệt thường thức dậy từ 4 giờ sáng. Nhớ nhà, nhớ chồng, con là tình cảm chung của hầu hết các chị, em. Nhưng vì nhiệm vụ cao cả nên ai cũng gắng vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Trịnh Thanh Hà, Ban chỉ huy quân sự huyện Thuận Thành (Bắc Ninh)

Được biết, bộ đội đặc công cùng với các đơn vị bạn hằng tuần đều đặn tập luyện 7 ngày. Mỗi ngày tập luyện 7 giờ đồng hồ, chỉ nghỉ trưa có một tiếng rưỡi, trong mọi thời tiết nắng cháy, mưa dầm, chỉ trừ mưa quá lớn mới nghỉ. Vất vả như vậy nhưng tất cả các chiến sĩ đặc công vẫn bám trụ đến cùng. Sức khỏe dẻo dai, tinh thần phấn chấn, lòng quyết tâm cao của lính đặc công được thể hiện rõ ngay từ những ngày đầu tham gia luyện tập.

Chiến sỹ Đặng Văn Lâm (20 tuổi) đến từ Lữ đoàn Đặc công 198 của núi rừng Tây Nguyên tâm sự: “Có lần thủ trưởng cấp trên về kiểm tra đội hình giữa trưa nắng, một số khối đều có chiến sĩ say nắng, riêng 2 khối đặc công sức khỏe đều rất tốt, không một ai đuối sức. Ngoài ăn uống, ngủ nghỉ điều độ theo quy định, hằng ngày sau giờ tập luyện chiều, chúng em đều chạy bộ để rèn sức”.

Những bóng hồng trong ngày hội lớn

Trung úy, quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Lan, nhân viên Nhà văn hóa Quân khu 1, thành viên tổ Quân kỳ khối nữ Sĩ quan Thông tin chia sẻ: “Rèn luyện liên tục 4 tháng để tham gia nhiệm vụ A70 đúng là một dịp thử thách thực sự, có lúc tưởng không thể trụ được, nhưng nghĩ đến vinh dự và trách nhiệm lớn của mình, các chị em dần dần bắt nhịp với áp lực công việc và cường độ huấn luyện”.

Lan kể, hôm tổng duyệt 29/8 trời mưa như trút nước, vậy mà khi qua lễ đài trong cảm xúc lâng lâng, như được tiếp thêm sức mạnh, toàn khối vẫn giữ ngay ngắn hàng ngang, hàng dọc và hàng chéo, bước đi vững chắc, hùng mạnh. Cảm động nhất là khi diễu hành trên các tuyến phố, bà con đội mưa xem rất đông, rất nhiều câu chúc “Cố lên khối nữ, sắp hoàn thành nhiệm vụ rồi!” “Cố lên các em!”, khiến chúng tôi rưng rưng nước mắt. Hôm ấy, gần 2 giờ sáng khối nữ mới cơ động về đến doanh trại Tiểu đoàn 4 (Lữ đoàn Thông tin 134, Binh chủng Thông tin Liên lạc), suốt mấy tiếng quần áo ướt sũng, chị em phải ôm lấy nhau để truyền hơi ấm.

Chung cảm xúc bồi hồi, Trịnh Thanh Hà, công nhân viên thuộc Ban CHQS huyện Thuận Thành, Bộ CHQS tỉnh Bắc Ninh cho biết: Ban đầu mình thấy cái gì cũng lạ lẫm, bỡ ngỡ. Nghe các anh chỉ huy nói rằng so với luyện tập A40 (kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam), đợt này chúng em tập dài hơn, cường độ cao hơn, mỗi ngày tập khoảng 7 tiếng rưỡi, giai đoạn cuối ngày nào cũng tập, nhất là những buổi hợp luyện khối, sơ, tổng duyệt thường thức dậy từ 4 giờ sáng. Nhớ nhà, nhớ chồng, con là tình cảm chung của hầu hết các chị, em. Nhưng vì nhiệm vụ cao cả nên ai cũng gắng vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.