Lính trọng án săn lùng cái ác

Lính trọng án săn lùng cái ác
Đại bản doanh của đội Trọng án 1 nằm trên tầng 2 nhà số 7 Thiền Quang - Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội. Có lẽ không cần phải nói nhiều về nhiệm vụ của đơn vị đặc biệt này, bởi tự thân cái tên Trọng án đã nói lên tất cả.

Trước mỗi vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thành phố như giết người, sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ, những vụ án hiếp dâm… đội Trọng án luôn sẵn sàng lên đường sau khi nhận được tin báo.

Lính trọng án săn lùng cái ác ảnh 1

Nhiệm vụ của các anh là phải xác định được hung thủ gây án trong thời gian sớm nhất để bắt chúng phải đền tội trước pháp luật. Chính vì vậy, cái tên Trọng án luôn là nỗi kinh hoàng đối với những kẻ giang hồ, côn đồ cộm cán, đâm thuê chém mướn mỗi khi chúng gây ra tội ác.

Tiếp tôi là Thiếu tá Trần Quốc Trung - Đội trưởng Đội Trọng án 1. Câu chuyện giữa chúng tôi luôn bị cắt ngang bởi những tiếng điện thoại réo liên hồi, những phút trao đổi nghiệp vụ với cán bộ trinh sát. Người đội trưởng bình thường vẻ mặt hiền khô, và nụ cười ấm áp nhưng trong công việc lại hết sức quyết đoán, mạnh mẽ.

Gian nan truy tìm manh mối

Mỗi vụ trọng án xảy ra trên địa bàn Hà Nội luôn là một thử thách khó khăn đối với người làm án. Tôi luôn hình dung công việc của các anh giống như những người đi tìm đáp án cho một bài toán hóc búa. Chỉ có điều những dữ kiện để đi đến lời giải của bài toán đều đã bị giấu đi. Và nhiệm vụ của những người làm trọng án là phải tìm cho ra những dữ kiện ấy, chắp nối chúng để đi tới đáp án một cách chính xác và nhanh chóng nhất.

Thiếu tá Trần Quốc Trung tâm sự, để tìm được những manh mối ban đầu, một trong những yếu tố quan trọng nhất phải là sự nhạy bén. Từ sự nhạy bén của người trinh sát khi đi xác minh, điều tra cho đến sự nhạy bén của các cấp chỉ huy cũng như Ban chuyên án khi nhận định, đánh giá và ra quyết định có đưa đối tượng vào dạng hiềm nghi hay không. Tất cả đều là mấu chốt để có thể tìm ra hướng giải quyết vụ án.

Theo Thiếu tá Trung, khó khăn nhất với những người làm trọng án đó là những vụ án đã xảy ra lâu ngày. Đối với những vụ án kiểu này, tất cả những dữ kiện quan trọng đều hết sức mờ nhạt. Khi phát hiện ra, những tang chứng, vật chứng có thể đã không còn và cũng rất khó để gợi nhớ cho những nhân chứng thời điểm, di biến động của nạn nhân.

Còn nhớ vụ án giết người vùi xác dưới ao bèo trên cánh đồng Cùm, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, Hà Nội xảy ra cách đây chưa lâu. Khi đội trọng án nhận được tin báo và có mặt tại hiện trường, qua giám định pháp y nạn nhân đã chết được gần 3 tháng. Có một chi tiết rất đặc biệt là cơ thể đang trong giai đoạn bị phân hủy mạnh, tuy nhiên những thức ăn trong dạ dày gần như vẫn còn nguyên vẹn.

Đây là cơ sở giúp Ban chuyên án biết được thời điểm nạn nhân bị chết. Tuy nhiên, để xác định được liệu đây có phải là một vụ án mạng hay không, điều đầu tiên là phải làm rõ được nhân thân của người bị nạn. Các chiến sĩ của đội Trọng án đã phải bỏ khá nhiều thời gian và công sức, trong đó còn cần cả đến sự hỗ trợ của khoa học khi làm công tác giám định ADN.

Đến khi xác định được người bị hại là chị Bùi Thị Nguyệt (28 tuổi), quê Kim Trung, Kim Bôi, Hòa Bình, nhân viên bán hàng tại cây xăng 122 phường Phúc Thắng, thị trấn Phúc Yên, Vĩnh Phúc thì những nghi ngờ về một vụ án giết người cướp tài sản mới chính thức được khẳng định. Bởi theo những nhân chứng cho biết trước khi bị mất tích chị Nguyệt có mang theo một xe máy Wave RS, một điện thoại di động Nokia và một ví da, nhưng khi phát hiện ra xác nạn nhân thì những đồ vật này đều biến mất.

Để giúp quá trình điều tra đi đúng hướng, vấn đề đặt ra là phải làm rõ được những di biến động của chị Nguyệt trước khi mất tích. Tuy nhiên việc lần ra những đối tượng nghi vấn và dấu vết là khá khó khăn. Thêm vào đó các đối tượng nghi vấn nhiều lần bị cơ quan điều tra triệu tập trong quá trình truy tìm tung tích của nạn nhân nên đã bàn bạc kỹ lưỡng, khai báo thống nhất về thời gian để đối phó với cơ quan công an, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Trong vụ án này, các trinh sát phải kết hợp nhiều biện pháp đấu tranh nghiệp vụ khác nhau mới có thể khiến những kẻ gây án nhận tội.

Nhiều vụ án được liệt vào dạng án khó đều có đặc điểm chung xuất phát từ mối quan hệ của nạn nhân. Việc nạn nhân sống phức tạp, có nhiều mối quan hệ hoặc sống khép kín một mình, không có quan hệ với ai cũng luôn gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Trung tá Trần Quốc Trung cho biết, cánh lính trọng án trước khi bước vào mỗi trận đánh đều đã xác định rõ những khó khăn mà mình sẽ phải đối đầu nên đã quen với những việc như vậy. Điển hình như trong vụ án giết người được phát hiện vào 22 Tết Âm lịch vừa qua tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp huyện Thanh Trì.

Do nạn nhân không có vợ, hành nghề bán hàng qua mạng và là người đồng tính, quá trình thuê trọ chỉ ở một mình, sống khép kín nên công tác điều tra xác định hung thủ chẳng khác nào tìm kim đáy bể. Lại cũng có những vụ việc để làm rõ hung thủ, các trinh sát đã phải xác minh tới hàng trăm đối tượng như trong vụ giết người xảy ra đầu năm 2012 tại đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài thộc địa phận xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

Quá trình điều tra lại vấp phải những khó khăn khác do vụ án xảy ra trên đường cao tốc nơi nhiều xe qua lại nhưng lại ít người để ý. Thêm vào đó nạn nhân là người đã có tiền sự, có dấu hiệu nghiện ma túy, quan hệ xã hội phức tạp nên việc xác định mâu thuẫn không hề đơn giản.

Đội Trọng án 1 đã phải phối hợp với Công an huyện Đông Anh chia làm nhiều tổ công tác, rà soát hàng trăm nhân chứng đã đi qua hiện trường vào thời điểm gây án thông qua hệ thống camera tại trạm soát vé gần đó. Chưa hết, khi xác định đối tượng hiềm nghi là lái xe của một hãng taxi, đội Trọng án còn phải tiến hành rà soát lại toàn bộ số lái xe của hãng taxi này để có thể tìm ra thủ phạm của vụ án.

Phá án đến cùng

Là đơn vị từng đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến công của các trinh sát đội Trọng án 1 - phòng Cảnh sát hình sự luôn gắn liền với những vụ án có tính chất phức tạp và nghiêm trọng nhất trên địa bàn Thủ đô. Chính từ sự thành công của những chuyên án này mà họ đã trở thành nơi gửi gắm sự tin tưởng mỗi khi có thông tin về một vụ trọng án xảy ra.

Để có được niềm tin đó, điều mà người Đội trưởng đội Trọng án 1 luôn luôn tâm đắc là yếu tố trách nhiệm trước công việc phải được đặt lên hàng đầu. Không phải vụ trọng án nào cũng có hướng điều tra suôn sẻ, thuận lợi, tuy nhiên chính quyết tâm phá án đến cùng đã giúp các trinh sát không chùn bước trước những khó khăn.

Cách đây hơn 5 năm, một vụ án làm chấn động dư luận đã xảy ra tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đang đêm, ngôi nhà của vợ chồng anh Nguyễn Chí Hưng và chị Bùi Thu Hà bốc cháy dữ dội. Anh Hưng chết tại chỗ do bị bỏng nặng, chị Hà và con gái là bé Thảo Hiền, 6 tuổi tử vong tại bệnh viện sau đó 1 tuần.

Gần một năm với 2 lần gia hạn điều tra, đã có những lúc vụ án tưởng chừng như đã rơi vào ngõ cụt. Thế nhưng với những người đã chứng kiến hiện trường hôm đó, nỗi ám ảnh về sự ra đi của tất cả các thành viên trong một gia đình bé nhỏ vẫn đeo đuổi họ. “Món nợ” với những người đã khuất vẫn luôn canh cánh trong lòng những trinh sát hình sự.

Chính vì vậy, ngay khi có thông tin mới về vụ án và chuyên án được “khởi động” trở lại, các anh đã đặt ra quyết tâm phải phá bằng được vụ án này. Đối tượng của vụ án là Nguyễn Thị Thuận ở thời điểm đó đang nằm ngoài “tầm ngắm” của các trinh sát bởi thị không hề có mâu thuẫn gì với vợ chồng anh Hưng, thậm chí Thuận còn là hàng xóm và bạn từ thuở nhỏ với chị Hà.

Hai người thân thiết như chị em và cũng chính chị Hà là người đã làm mối cho Thuận lấy em trai của anh Hưng. Thời điểm xảy ra vụ cháy, Thuận và con trai đang ở ngôi nhà cách hiện trường 500m. Xong trước những chứng cứ mới thuyết phục và lời khai của 2 đối tượng được Thuận thuê để đốt nhà anh Hưng, thị đã phải nhận tội.

Hay như trong vụ Chồng giết vợ xảy ra vào tháng 6-2012 tại phường Thượng Thanh quận Long Biên. Từ một tử thi là nữ giới được người dân phát hiện tại sườn đê sông Đuống, sau khi tổ chức điều tra, Ban chuyên án đưa ra nhận định, đây là vụ án giết người.

Nạn nhân và đối tượng nhiều khả năng có quen biết nhau, giết hại nạn nhân xong hung thủ đã có thời gian lục soát, lấy toàn bộ giấy tờ tùy thân của người bị hại và chuẩn bị phương án đối phó với Cơ quan công an.

Sau khi xác định được tung tích và di biến động của nạn nhân, một yếu tố quan trọng đã góp phần định hướng điều tra đúng là nạn nhân đã có thời gian về nhà trước khi bị giết. Từ đây đối tượng được đặt nhiều nghi vấn chính là chồng của nạn nhân.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi được các trinh sát dựng lên, hung thủ chính là chồng của nạn nhân đã phải cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Tôi rời trụ sở Đội trọng án 1 khi cơn mưa đầu hạ đã ngừng rơi. Thành phố bình yên đón chờ những làn gió mát lạnh thổi tới, nhưng tôi vẫn không thôi nỗi ám ảnh bởi những tội ác ghê rợn trong những vụ án mà mình vừa được tiếp xúc.

Tôi không có đủ thời gian để đọc hết từng vụ án trong tập hồ sơ dày cộp mà Đội trọng án 1 đã triệt phá trong thời gian qua. Tuy nhiên tôi luôn chắc chắn một điều rằng, bất cứ khi nào có một vụ trọng án xảy ra, dù sớm hay muộn cái ác sẽ bị những con người này khuất phục. Bởi họ hiểu một điều rằng, thành phố luôn cần có sự bình yên.

Theo Lương Hồng Sinh
An Ninh Thủ Đô

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG