Lỗ hổng phòng thủ chí mạng trên tàu sân bay 4 tỷ USD của Anh

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong chuyến thử nghiệm trên biển. Ảnh: Telegraph.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong chuyến thử nghiệm trên biển. Ảnh: Telegraph.
Việc thiếu vũ khí tự vệ uy lực khiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có thể chịu tổn thất nặng nề trong chiến tranh.

Hải quân Anh đã chi tổng cộng 8,3 tỷ USD cho hai tàu sân bay lớp Queen Elizabeth, trong đó HMS Queen Elizabeth dự kiến biên chế trong năm nay, còn tàu HMS Prince of Wales sẽ gia nhập lực lượng vào năm 2020. Tuy nhiên, việc không có vũ khí tự vệ uy lực có thể khiến hai tàu sân bay hiện đại nhất của Anh chịu thiệt hại nặng nề trong chiến tranh, theo WATM.

Chuyên gia quân sự Harold Hutchison cho rằng nền tảng làm nên sức mạnh tấn công của tàu sân bay là số phi cơ nó mang theo. Lớp Queen Elizabeth được thiết kế để vận hành máy bay cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) với sự hỗ trợ của cầu nhảy. Ban đầu, Anh dự kiến sử dụng hệ thống máy phóng và cáp hãm đà (CATOBAR) như tàu sân bay lớp Nimitz và Gerald R. Ford của Mỹ, nhưng chi phí quá lớn buộc London chọn giải pháp STOVL với tiêm kích F-35B.

HMS Queen Elizabeth có khả năng chở tối đa 36 máy bay F-35B và 4 trực thăng cảnh báo sớm Crowsnest. Nó có thể bổ sung 12 trực thăng vận tải Chinook hoặc Merlin, cùng 8 trực thăng tấn công AH-64 Apache. Lực lượng triển khai trên tàu HMS Queen Elizabeth chưa được công bố, nhưng đây vẫn được coi là không đoàn tàu sân bay mạnh nhất của hải quân Anh.

Tuy nhiên, tàu sân bay lớp Queen Elizabeth lại có điểm yếu chí mạng ở hệ thống phòng vệ, khi chỉ được lắp ba hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx cỡ 20 mm và 4 pháo tự động cỡ nòng 30 mm để chống xuồng tấn công cỡ nhỏ.

Lỗ hổng phòng thủ chí mạng trên tàu sân bay 4 tỷ USD của Anh ảnh 2

Hệ thống CIWS Phalanx. Ảnh: US Navy.

Trong khi đó, những tàu sân bay lớp Gerald R. Ford của Mỹ được trang bị tới ba lớp phòng thủ, gồm tên lửa tầm trung RIM-162 ESSM, tầm ngắn RIM-116 RAM và CIWS Phalanx, tạo thành lưới phòng không đa tầng, nhằm đối phó với tên lửa chống hạm trong trường hợp chúng vượt qua ô bảo vệ từ đội tàu hộ tống.

Giải pháp bổ sung sức mạnh phòng thủ cho HMS Queen Elizabeth là lắp thêm hai cụm ống phóng thẳng đứng (VLS), giúp mang được 16 tên lửa phòng không tầm ngắn Aster-15. Mỗi quả đạn mang đầu đạn nổ mảnh nặng 15 kg, tốc độ tối đa 4.320 km/h, có tầm bắn 15 km với tên lửa diệt hạm và 30 km với máy bay ở độ cao lớn. Tuy nhiên, hải quân Anh chưa thể lắp đặt hệ thống VLS trên HMS Queen Elizabeth do gặp khó khăn tài chính.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi lắp đặt tên lửa Aster-15, HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales cũng rất khó đánh chặn được tên lửa chống hạm hiện đại của Nga như P-800 Oniks, Kalibr hay tương lai là 3M22 Zircon. Đây đều là những tên lửa diệt hạm tối tân, có khả năng ẩn mình trước radar và tốc độ hành trình lớn, khiến các hệ thống phòng thủ hiện đại có rất ít thời gian để phản ứng.

Lỗ hổng phòng thủ chí mạng trên tàu sân bay 4 tỷ USD của Anh ảnh 3

Tên lửa phòng không tầm ngắn Aster-15. Ảnh: MDBA.

Trong trường hợp nổ ra chiến sự, HMS Queen Elizabeth có nguy cơ phải đối mặt với các đợt tấn công dồn dập của hàng chục tên lửa chống hạm có quỹ đạo bay phức tạp phóng tới từ nhiều hướng.

Ngay cả khi HMS Queen Elizabeth được bảo vệ bởi biên đội tàu hộ tống, số lượng tên lửa này vẫn đủ sức làm quá tải những hệ thống phòng thủ vòng ngoài và hủy diệt tàu sân bay đắt giá của Anh. Những hệ thống phòng thủ tầm gần kém uy lực của HMS Queen Elizabeth khó có thể bắn hạ những quả tên lửa đang lao tới, khiến tàu sân bay hơn 4 tỷ USD này trở thành mục tiêu rất dễ bị tổn thương trên chiến trường, chuyên gia Hutchison nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG