Lộ thông tin về Z-20 Trung Quốc-bản nhái Black Hawk Mỹ

Sau khi xuất hiện ở bãi đỗ sân bay Mạc Hà không lâu, hình ảnh một chiếc máy bay trực thăng Z-20 mới của Trung Quốc lại gây xôn xao dư luận.

Rò rỉ thêm thông tin về trực thăng tầm trung Z-20 Trung Quốc

Hình ảnh được đăng tải trên các diễn đàn quân sự có tiếng đã cho thấy, nguyên mẫu mới của Z-20 mang số hiệu “632”, điều này chứng tỏ đã có ít nhất một chiếc Z-20 thực hiện nhiệm vụ bay thử ở Viện nghiên cứu thử nghiệm máy bay Trung Quốc.

Thủa mới thành lập, lực lượng hàng không của lục quân Trung Quốc chỉ có chủ yếu là các máy bay trực thăng vận tải, sau đó mới nhập một số lượng ít trực thăng tấn công hạng nhẹ SA-341/SA-342 Gazelle (Linh Dương) do Pháp sản xuất.

Tiếp đó loạt trực thăng Z-9 cũng được trang bị cho không quân và hàng không lục quân Trung Quốc, nhưng hình thức tác chiến lâu dài vẫn thiên về hỗ trợ tác chiến mặt đất chứ lực lượng này chưa đủ khả năng để trở thành chủ lực, thực thi nhiệm vụ đột kích trên không.

Đồng thời, những trận thiên tai như động đất ở Vấn Xuyên, động đất Ngọc Thụ hay sạt lở đất Chu Khúc cũng đã chứng minh trực thăng với ưu thế đặc biệt của nó đã phát huy vai trò quan trọng. Tuy nhiên, trong nhiều vụ cứu nạn, sự thiếu hụt về số lượng trực thăng của Trung Quốc đã nổi lên.

Trước đó, các phương tiện truyền thông và giới quan chức Trung Quốc đã đưa tin, chiếc trực thăng quốc nội Z-18 đã lần đầu tiên bay vượt qua đỉnh Everest, độ cao bay đã đạt 9000m, thể hiện trình độ chế tạo trực thăng đã đạt đến tần cỡ tốp đầu của thế giới.

Tuy nhiên, cả Z-18 và Mi-17 nhập về từ Nga đều là những trực thăng cỡ lớn với trọng lượng cất cánh khoảng 13 tấn. Trong khi đó, trong biên chế Trung Quốc cũng còn một loại tương đối quen thuộc là Z-9 thì trọng lượng cất cánh tối đa chỉ có hơn 4 tấn, thuộc loại trực thăng hạng nhẹ.

Vì vậy, từ lâu nay, Trung Quốc vẫn luôn thiếu một loại trực thăng vận tải quốc nội hạng trung với kích thước vừa phải, tính cơ động tốt đồng thời có những tính năng bay ưu việt, đảm nhận nhiệm vụ vận tải chiến thuật lục quân và tìm kiếm cứu nạn hải quân, hay trong những hoạt động dân sự  như cứu nạn thiên tai.

Ngoại hình của Z-20 Trung Quốc giống hệt S-70 Black Hawk của Mỹ
Ngoại hình của Z-20 Trung Quốc giống hệt S-70 Black Hawk của Mỹ

Chuyên gia quân sự Tiểu Kiện còn cho biết, ngoài việc bay thử nghiệm đối với hệ thống cánh quạt, hệ thống động lực, hệ thống điện tử hàng không (Avionics) v.v..., Z-20 còn phải tiến hành bay thử nghiệm một số hạng mục đặc thù mà chỉ có trực thăng mới có, ví dụ như chức năng tự động hạ cánh.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, trực thăng Z-20 là sự thể hiện tập trung của trình độ và năng lực phát triển trực thăng của Trung Quốc, tổng thể công nghệ của nó đã vượt qua loại trực thăng Black Hawk đời đầu và sánh ngang với các loại trực thăng cỡ 10 tấn mới được phát triển từ những năm 1990 trên thế giới, lại phù hợp với nhu cầu thực tế và tình hình trong nước của Trung Quốc.

Sau khi Z-20 được đưa vào phục vụ thuận lợi trong quân đội, sẽ giúp phần lớn các đơn vị sử dụng trực thăng của Trung Quốc được trang bị rộng rãi loại trực thăng đã được trông đợi từ lâu, thay đổi tình trạng bất lợi cứ phải ỷ lại vào nhập khẩu từ nước ngoài đối với trực thăng hạng trung cỡ 10 tấn.

Z-20 không thể sản xuất hàng loạt trước 2018

Một số nguồn tin tiết lộ rằng Z-20 được thiết kế dựa trên những trực thăng Black Hawk loại này mua của Mỹ và tham khảo thiết kế một chiếc trực thăng thế hệ mới, vốn đã bị lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ bỏ lại trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011.

Trước đây, Bắc Kinh đã mua 24 trực thăng Black Hawk của Mỹ vào năm 1984, tuy nhiên, số lượng này không đủ để phục vụ nhu cầu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Sau sự kiện Thiên An Môn vào năm 1989, Washington đã cấm xuất khẩu thiết bị quân sự cho Trung Quốc, bao gồm cả loại trực thăng này.

Black Hawk là một mẫu trực thăng đa dụng 2 động cơ hạng trung do Sikorsky chế tạo. Chiếc trực thăng đầu tiên loại này được sử dụng trong lục quân Mỹ từ năm 1979 để thay thế trực thăng Bell UH-1 Iroquois. Một thời gian sau đó Sirkosky cũng sản xuất thêm các phiên bản dành riêng cho Hải Quân, Không quân.

Nguyên mẫu Z-20 mang số hiệu 632 của Trung Quốc
Nguyên mẫu Z-20 mang số hiệu 632 của Trung Quốc

Black Hawk cũng được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và xuất hiện trong nhiều xung đột như ở Grenada, Panama, Iraq, Somaliad, Bán đảo Balkan, Afghanistan và Trung Đông.

Trong trận động đất cực lớn ở Tứ Xuyên hồi năm 2008, rất nhiều máy bay của Trung Quốc đã được huy động như Z-18, Mi-17 và Z-9 nhằm thực hiện các nhiệm cứu hộ, cứu nạn nhân đạo.

Tuy nhiên, các trực thăng Z-18 và Mi-17 không thể hạ cánh tại các địa hình hiểm trở do chúng đều là các loại trực thăng hạng nặng, thiết kế để mang theo tải trọng tối đa 13 tấn. Trong khi đó, trực thăng Z-9 lại chỉ mang được tải trọng 4 tấn và không thể thực hiện các nhiệm vụ trên.

Về vấn đề lúc nào Z-20 có thể phục vụ trong quân đội, chuyên gia Trung Quốc cho rằng có thể tham khảo từ quá trình nghiên cứu trực thăng S-70 Black Hawk của Hoa Kỳ.

Kể từ khi nguyên mẫu bay lần đầu đến khi mẫu sản xuất của nó có chuyến bay đầu tiên cũng phải mất đến 4 năm, mất 5 năm rưỡi Black Hawk mới được đưa vào phục vụ trong Sư đoàn Không vận số 101.

Z-20 bay lần đầu vào cuối năm 2013, nếu theo quy trình chế tạo một sản phẩm mới, thông thường có thể cũng cần quãng thời gian khoảng 5 năm mới có thể phục vụ cho trong biên chế lực lượng không quân hay hàng không lục quân PLA.

Thế nhưng, một số thiết bị của Z-20 lại có thể được tiến hành bay thử nghiệm để kiểm chứng, nghiên cứu và cải tiến trên trực thăng Black Hawk doTrung Quốc nhập khẩu của Mỹ, nên quá trình bay thử định hình của Z-20 có khả năng sẽ được rút ngắn lại.

Tuy nhiên, việc sản xuất hàng loạt loại máy bay trực thăng này của Trung Quốc cũng không thể sớm trước năm 2018.

Theo Theo baodatviet.vn
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.