Lý do lãng xẹt khiến Anh - Mỹ suýt lao vào cuộc chiến tranh

Một nông dân Mỹ bắn chết con lợn đi lạc từ trang trại Anh mà không biết điều này suýt dẫn đến cuộc chiến thảm họa giữa hai nước năm 1859.

Năm 1859, Anh và Mỹ suýt xảy ra một cuộc xung đột đẫm máu, khi một nông dân Mỹ ở vịnh Puget Sound bắn chết con lợn đang phá hoại cánh đồng khoai tây của gia đình, theo Military History.

Vụ việc này được gọi là "Chiến tranh lợn", bắt nguồn từ hiệp ước năm 1846 giữa Anh và Mỹ. Hiệp ước này lấy vĩ tuyến 49 làm ranh giới giữa Mỹ và Canada, một thuộc địa của Anh, nhưng những nhà đàm phán hiệp ước lại quên không đề cập tới vấn đề phân chia chủ quyền đối với đảo San Juan ở phía nam vĩ tuyến 49.

Đảo San Juan nằm trên vùng biển giữa Canada và vùng lãnh thổ Oregon của Mỹ. Cả Anh và Mỹ đều tuyên bố chủ quyền với đảo này, hai bên cho người đến định cư và đồng ý cùng kiểm soát đảo cho đến khi tranh chấp được giải quyết.

Lý do lãng xẹt khiến Anh - Mỹ suýt lao vào cuộc chiến tranh ảnh 1

Trại lính Anh trên đảo San Juan. Ảnh: Modern Farmer.

Năm 1859, nhiều người Mỹ di cư tới đảo San Juan và xây trang trại ở phía nam, trong khi người Canada thuộc Anh cũng xây dựng khu chăn nuôi cừu ở phía bắc. Hai phía coi đối phương là những kẻ xâm nhập bất hợp pháp, khiến tình hình căng thẳng leo thang, đỉnh điểm là nguy cơ nổ ra chiến tranh vì một con lợn.

Ngày 22/6/1859, nông dân Mỹ Lyman Cutlar phát hiện một con lợn đi lạc vào trang trại trồng khoai tây của gia đình và phá hoại mùa màng. Quá tức giận, Cutlar đã dùng súng bắn chết con lợn này. Tuy nhiên, Cutlar không hề biết rằng con lợn này thuộc sở hữu của Charles Griffin, một người Canada ở phía bắc đảo.

Griffin đòi Cutlar tiền bồi thường con lợn bị bắn chết, nhưng bị từ chối. Griffin liền khiếu nại lên đơn vị lính Anh đồn trú trên đảo, yêu cầu bắt giữ và trục xuất cư dân Mỹ này khỏi đảo.

Người Mỹ trên đảo San Juan yêu cầu chính quyền Oregon giúp đỡ. Chuẩn tướng Wiliam S. Harney, một người Mỹ hiếu chiến có tư tưởng bài Anh, liền cử một đại đội 64 lính vũ trang thuộc Trung đoàn bộ binh số 9, do đại úy George E. Pickett chỉ huy, đến đảo vào ngày 27/6.

Tình hình nhanh chóng leo thang. Thống đốc Anh James Douglas đáp trả bằng việc cử ba chiến hạm và một đơn vị thủy quân lục chiến do đại úy Geoffrey Hornby chỉ huy đến San Juan, với nhiệm vụ đuổi quân Mỹ khỏi đảo nhưng tránh để xảy ra xung đột. Khi các tàu chiến Anh đến nơi, Picket từ chối rời đi và gọi thêm tiếp viện từ Oregon. Hornby cũng gọi lực lượng tăng cường từ Vancouver.

Lý do lãng xẹt khiến Anh - Mỹ suýt lao vào cuộc chiến tranh ảnh 2

Đảo San Juan là đối tượng tranh chấp giữa Anh và Mỹ trong thế kỷ 19. Đồ họa: GlobalSecurity

Đến tháng 8, Mỹ có 460 lính, 14 khẩu pháo đặt quanh tiền đồn tại San Juan dưới quyền chỉ huy của trung tá Silas Casey. Phía Anh triển khai thêm tàu chiến và thủy quân lục chiến dưới quyền của chuẩn đô đốc Lambert Baynes.

Thông tin về tình trạng đối đầu trên đảo được báo cho Tổng thống Mỹ James Buchanan. Ông hoàn toàn sửng sốt trước tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát. Trước nguy cơ cuộc chiến vì một con lợn có thể nổ ra bất cứ lúc nào, Tổng thống Buchanan cử tướng Winfield Scott tới San Juan để đàm phán nhằm hạ nhiệt tình hình.

Tướng Scott nhanh chóng đàm phán với Thống đốc Douglas, hai bên nhất trí rút phần lớn lực lượng khỏi đảo để tranh một cuộc đối đầu thảm kịch. Mỹ và Anh cũng thỏa thuận rằng đảo San Juan sẽ do quân đội hai nước cùng kiểm soát cho đến khi tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài.

Mỹ sau đó rút hầu hết lực lượng về và chỉ để lại một đại đội, trong khi Anh duy trì lực lượng nhỏ ở nửa kia đảo. Đến tháng 3/1860, tình hình trở lại bình thường, việc cùng kiểm soát đảo diễn ra suôn sẻ trong 11 năm.

Năm 1871, hai phe thống nhất để Hoàng đế Kaiser của Đức đứng ra làm trọng tài giải quyết tranh chấp. Sau khi Kaiser ra phán quyết cuối cùng rằng San Juan thuộc về Mỹ, nông dân và thủy quân lục chiến Anh rời khỏi đảo. San Juan từ lúc đó trở thành một phần lãnh thổ của Mỹ.

Lý do lãng xẹt khiến Anh - Mỹ suýt lao vào cuộc chiến tranh ảnh 3

Khu nhà ở của sĩ quan Mỹ trên đảo San Juan. Ảnh: US National Park Service.

Ngày nay, bảo tàng lịch sử quốc gia trên đảo San Juan vẫn giữ nguyên tiền đồn Mỹ và căn cứ thủy quân lục chiến Anh. Đây được coi là biểu tượng của việc ngăn chặn thành công một cuộc chiến bắt nguồn từ một con lợn

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG