Lý do tên lửa Bulava phát nổ khi phóng từ tàu ngầm Nga

Tên lửa Bulava trong một lần phóng thử từ tàu ngầm. Ảnh: Russian military forums.
Tên lửa Bulava trong một lần phóng thử từ tàu ngầm. Ảnh: Russian military forums.
Việc quả tên lửa đạn đạo Bulava của Nga tự hủy và phát nổ khi phóng từ tàu ngầm hôm 28/9 có thể là do sai sót trong quá trình sản xuất chứ không phải lỗi thiết kế.

Tàu ngầm hạt nhân Nga Yuri Dolgoruky tối 28/9 đã bắn thử hai quả tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava (ICBM) từ độ sâu 50 m ở biển Bạch Hải vào một mục tiêu ở bãi thử Kura, Kamchatka, theo RBTH.

Do đây chỉ là đợt bắn thử nghiệm nên hai tên lửa chỉ trang bị các đầu đạn điện tử thay vì đầu đạn hạt nhân để truyền các thông tin hành trình bay về trung tâm kiểm soát.

Tuy nhiên, một trong hai quả tên lửa đã không bay đến mục tiêu và đã "tự phát nổ" ngay trong giai đoạn đầu tiên của hành trình rồi rơi xuống biển, theo thông báo của hải quân Nga.

Theo chuyên gia quân sự Nikolai Litovkin, đây không phải lần đầu tiên tên lửa đạn đạo Bulava gặp sự cố bởi nó đã thất bại 8 trong 26 lần phóng thử nghiệm trước đây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để khẳng định dự án thất bại nếu chỉ dựa trên các con số thống kê không thuyết phục này, bởi công nghệ tác chiến không thể ngay lập tức có được độ tin cậy. Các loại vũ khí hiện đại vẫn thường phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình thử nghiệm.

Chẳng hạn như R-36M2 Voevoda, tên lửa ICBM nặng và uy lực nhất của Nga, cũng đã phát nổ trên không và rơi trong 30 lần bắn thử, nhưng sau đó đã được khắc phục và trở thành tên lửa đáng tin cậy.

"Thất bại trong quá trình thử nghiệm tên lửa Bulava bắt nguồn từ công đoạn chế tạo. Có thể các nhà phát triển, những người chưa từng chế tạo ICBM cho các tàu ngầm hạt nhân, trong một số giai đoạn nhất định chỉ dựa trên các mô hình máy tính thay vì thử nghiệm trên biển. Chính phủ Nga có thể cũng đã cố gắng cắt giảm chi phí và thời gian bằng cách hợp nhất tên lửa mặt đất với tên lửa dùng trên biển", một nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga tiết lộ với RBTH.

Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng còn quá sớm để biết được nguyên nhân thất bại của đợt phóng thử này. "Thất bại lần phóng thử này đòi hỏi tiến hành điều tra rất nghiêm túc bởi nó có thể làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng hạt nhân Nga, thậm chí dẫn tới thảm họa công nghệ nhân tạo", Vladimir Yevseyev, phó giám đốc Viện nghiên cứu Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS), nói.

Theo chuyên gia quốc phòng Dave Majumdar, tên lửa Bulava, được kỳ vọng trở thành trụ cột trên biển của bộ ba răn đe hạt nhân Nga, đã liên tiếp gặp trục trặc trước khi đạt khả năng vận hành ngày 15/10/2015, sau khi các vấn đề kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất được khắc phục.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tên lửa Bulava đã thất bại ít nhất ba trong 4 lần phóng thử.

Majumdar cho rằng vấn đề với tên lửa Bulava không phải do lỗi thiết kế mà ở công đoạn sản xuất. Ngành công nghiệp tên lửa Nga đơn giản là không thể sản xuất được các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có chất lượng đảm bảo.

Thất bại của lần thử tên lửa Bulava này đồng nghĩa với việc các tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei của Nga hiện không thể đảm bảo năng lực răn đe hạt nhân hiệu quả, và hải quân Nga vẫn phải dựa vào hạm đội tàu ngầm lớp Delta IV cũ hơn trong biên chế, trang bị tên lửa đạn đạo R-29RMU Sineva và R-29RMU2.1 Layner có tầm bắn và trọng tải lớn hơn tên lửa Bulava.

"Khả năng răn đe hạt nhân của Nga vẫn được đảm bảo nhờ tàu ngầm Delta IV. Bề ngoài, Bulava không phải là một tên lửa SLBM quá ấn tượng và các thông số kỹ thuật của vũ khí này không bằng các tên lửa đời cũ của Liên Xô và Mỹ như Sineva và Trident II D5", Mike Kofman, chuyên gia về các vấn đề quân sự Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, cho biết.

Lý do tên lửa Bulava phát nổ khi phóng từ tàu ngầm Nga ảnh 1

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Alexander Nevsky lớp Borei của Nga. Ảnh: Russian military forums.

Tuy nhiên, tầm bắn và trọng tải của tên lửa Bulava giúp nó tăng cường khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, đặc biệt là các hệ thống phòng thủ không gian Brilliant Pebbles trong Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược dưới thời cựu tổng thống Ronald Reagan, theo chuyên gia phân tích quân sự Vladimir Dvorkin từ Trung tâm Carnegie Moscow.

Bulava và các tên lửa mặt đất Topol –M và Yars bay theo quỹ đạo phẳng hơn và có cơ chế phòng thủ đối phó laser và các vũ khí chống tên lửa đạn đạo khác (ABM), dù phải hy sinh một số tính năng khác để đổi lấy khả năng sống sót ưu việt hơn trước hệ thống phòng thủ tên lửa được nâng cấp của Mỹ.

Hải quân Nga hiện có 955 tàu ngầm hạt nhân lớp Borei được chế tạo để mang tên lửa Bulava ICBM, mỗi tàu có thể mang theo 16 quả, tầm bắn khoảng 8.000 km. Tên lửa Bulava có thể mang theo 6-10 đầu đạt hạt nhân hành trình siêu thanh dẫn đường độc lập có sức công phá 100-150 kiloton có thể thay đổi quỹ bay dựa trên độ cao và giai đoạn hành trình.

Hải quân Nga sẽ vận hành 8 tàu ngầm chiến lược lớp Borei và Borei –A, phiên bản nâng cấp có thể mang 20 tên lửa Bulava vào năm 2020.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG