Màu áo lính giữa xanh ngát Lý Sơn

Một góc đất và biển Lý Sơn.
Một góc đất và biển Lý Sơn.
TP - Trong cái nắng oi bức, gay gắt vùng biển đảo, những luống rau trong khu tăng gia của Đại đội Pháo mặt đất (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn) vẫn xanh non, căng tràn sức sống.

Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cách đất liền chừng 15 hải lý (khoảng 30km). Ngay từ đầu thế kỷ XVII, nơi đây đã có đội hùng binh được Chúa Nguyễn cử đi cắm cột mốc, đo đạc thủy trình, dựng bia chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên vùng biển Hoang Sa - Trường Sa.

Huyện đảo Lý Sơn chỉ rộng khoảng 10 km2, cất giấu trong lòng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Là con dâu mới của một “nhà đài quân đội”, chuyến ghé đảo thăm vườn rau chiến sĩ mới đây đã để lại trong tôi ấn tượng thật sâu sắc.

7 giờ sáng, cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn) tấp nập tàu thuyền và dòng người từ khắp nơi đổ về. Những ca khúc trữ tình, những thước phim ngắn về Lý Sơn - “hòn ngọc giữa biển khơi” tại nhà chờ càng hấp dẫn du khách đến với huyện đảo. Sau hồi còi dài, con tàu rẽ sóng tiến ra biển lớn. Giữa biển khơi, nhìn thấy cờ Tổ quốc bay phấp phới trên những con tàu, tôi nhắm mắt lắng nghe tiếng sóng vỗ, lòng lâng lâng cảm xúc khó nói thành lời.

Trong cái nắng oi bức, gay gắt vùng biển đảo, những luống rau trong khu tăng gia của Đại đội Pháo mặt đất (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn) vẫn xanh non, căng tràn sức sống; đàn gà, vịt, heo rừng hơn 100 con béo trục béo tròn. Các chiến sĩ cho biết, ngoài giờ huấn luyện lại tranh thủ sản xuất. Nhờ vậy, dù nắng hạn hay mưa bão, đơn vị vẫn không thiếu thực phẩm. Đơn vị có nhiều cán bộ công tác xa nhà, mỗi năm chỉ về đất liền thăm vợ con được 1 - 2 lần, nhưng các anh vẫn luôn thực hiện tốt nhiệm vụ, bởi được sống và làm việc ở đảo là vinh dự của bản thân và niềm tự hào của cả gia đình. Tận mắt thấy các cán bộ, chiến sĩ huấn luyện, học tập, tăng gia sản xuất mới hiểu được, các anh không chỉ hết lòng bảo vệ Tổ quốc, mà còn có tài chinh phục sóng gió biển khơi.

Đêm về trên đảo thật yên bình, ấm áp. Chúng tôi được ăn cơm tối cùng ngư dân. Bữa cơm có đầy đủ hương vị huyện đảo, đó là rau xanh, cá biển, ốc biển và đặc biệt là món gỏi được làm từ ngồng tỏi giòn, ngọt, đậm đà. Sau bữa cơm ấm cúng, chúng tôi văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Những ca khúc về đất - người Lý Sơn được các ca sĩ áo lính thể hiện trong niềm vui sướng, tự hào về quê hương.

Tôi chưa kịp cảm nhận hết cái mặn mòi của huyện đảo Lý Sơn nhưng những câu chuyện về đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (thời Chúa Nguyễn) ra khơi làm nhiệm vụ, dựng bia chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, di tích lịch sử Âm linh tự … cùng sự thân thiện, dễ mến của người dân “vương quốc tỏi” cứ lôi cuốn, ám ảnh mãi. 

Con tàu rời đảo, giữa muôn trùng sóng vỗ lời ca khúc “Về lại Lý Sơn” vang vọng khiến lòng tôi xao xuyến: “… Tôi trở về thăm huyện đảo Lý Sơn. Vẫn rặng dừa xanh, vẫn mùa hành tỏi. Vẫn anh bộ đội canh giữ quê hương.  Quê hương ơi dẫu còn gian khó. …”.

MỚI - NÓNG