Mậu Thân - Máu và hoa: 23 ngày đêm bi tráng

Họa sỹ Trang Phượng bên bức tranh sơn dầu vẽ trên bao cát Mỹ trong cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968.
Họa sỹ Trang Phượng bên bức tranh sơn dầu vẽ trên bao cát Mỹ trong cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968.
TP - Họa sỹ Trang Phượng, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TPHCM trực tiếp tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 cùng nhiều văn nghệ sỹ và là họa sỹ duy nhất sống sót trong cuộc chiến đầy bi tráng 23 ngày đêm.

Người duy nhất sống sót

Đang ở Phnôm Pênh (Campuchia) chờ làm hộ chiếu lên máy bay ra Hà Nội, hoạ sỹ Trang Phượng nhận được lệnh về gấp. “Tôi và ba hoạ sỹ vừa từ miền Bắc vào gồm các anh Lê Hoàng Anh, du học ở Liên Xô về; Nguyễn Quang Bửu du học Ukraina và Trương Ngọc Lâm, Đại học Mỹ thuật Hà Nội được lệnh tăng cường vào mặt trận Sài Gòn”, ông Phượng nhớ lại.

Các họa sỹ tức tốc lên đường. Đến Tân Túc, ông Phượng và họa sỹ Hoàng Anh nán lại vẽ cảnh nhân dân kết xuồng chở bộ đội qua sông. Bên bờ sông Tân Bửu, các má trải nệm phát bánh kẹo, thuốc lá cho bộ đội. Các chiến sỹ nhận quà rồi lội qua cánh đồng Rạch Rít Bà Tà dưới làn pháo địch, khoảng ba giờ khuya thì đến ấp chiến lược Tân Nhựt.

Vừa hừng sáng tàu Mỹ tập kích. Nhà dân ở mé sông không có cửa hậu, tổ điện đài cơ yếu hy sinh hết. Hai họa sỹ chui xuống con rạch dừa nước um tùm chạy ra cánh đồng. Trên đầu, trực thăng quần thảo bắn xối xả. Ông Phượng nhớ lại: “Đến 10 giờ sáng thì cả con rạch tan nát, không còn cây dừa nào. Nước chuyển sang màu đỏ. Anh Hoàng Anh bị thương nặng. Tôi cõng anh đi được vài bước thì ngã khuỵ. Không còn chỗ ẩn náu, tôi nằm xuống bên cạnh Hoàng Anh chờ chết.

Đến xế chiều, chị Mười Hương (cán bộ báo chí nội thành), cô Thủy (Việt kiều Campuchia) và cô Thanh phụ Trang Phượng khiêng họa sỹ Hoàng Anh lên chiếc xuồng chở đăng của người dân bỏ lại. Họa sỹ Trang Phượng kể tiếp: “Nhà văn Lê Văn Thảo gọi tôi qua lấy súng chiến đấu vì anh em đã hy sinh gần hết. Chúng tôi cầm cự đến hơn 3 giờ chiều thì anh Hoàng Anh mất. Tôi vuốt mắt, lấy chiếc võng của mình phủ lên người anh. Cả ba họa sỹ được tăng cường với tôi ngã xuống tại cửa ngõ Sài Gòn, chỉ còn tôi sống sót”.

Mậu Thân - Máu và hoa: 23 ngày đêm bi tráng ảnh 1 Họa sỹ Trang Phượng trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 tại Ngã ba sông Cây Khô (nay là khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7).

Dân đùm bọc, cưu mang

Cánh quân của họa sỹ Trang Phượng băng đồng vào Phú Định. Đường phố vắng hoe. Người dân đi sơ tán, nhà nào cũng không khoá cửa, trên bàn để lại mảnh giấy: “Thịt, cá trong tủ lạnh; gạo trong khạp; bánh trái đều ăn được…”. Các chiến sỹ rất đói và khát nhưng không ai dám đụng đến vì 10 điều lệnh quân giải phóng. Đến sáng, một số người dân mới cho hay đồ ăn thức uống trong nhà là của bà con chuẩn bị cho quân giải phóng ăn Tết.

Ông Phượng nhớ lại: “Thấy chiếc xe Jeep địch bỏ lại bên đường, tôi rọc mui xe vẽ bức tranh “Sài Gòn nổi dậy” bằng chất liệu sơn dầu. Bức tranh đến giờ vẫn còn trưng bày ở bảo tàng TPHCM. Hai bức khác tôi vẽ trên bao cát Mỹ nhưng chỉ giữ được một bức vì việc bảo quản rất khó khăn.

Hai ngày chiến đấu giằng co, cánh quân của Trang Phượng không tiến qua được cầu Bình Tiên do quân Đại Hàn chốt giữ. Đến đêm thứ ba, ông Trần Bạch Đằng, Bí thư Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định ra lệnh cho các văn nghệ sỹ rút ra An Lạc. Riêng Trang Phượng và Lê Văn Thảo quen chiến trường tiếp tục ở lại chiến đấu.

Ðầu tháng 6/1968, họa sỹ Trang Phượng và nhà văn Lê Văn Thảo được lệnh trở về cứ. “Thảo ghé qua đón tôi, vai đeo hai khẩu súng. Tôi hỏi: Lê Anh Xuân hy sinh rồi hả? Anh gật đầu đưa tôi xem cuốn nhật ký của Lê Anh Xuân, ghi “ngày 18/5/1968 gặp Trang Phượng…” và trang cuối cùng là ngày 21/5/1968”

Ông Trang Phượng nghẹn ngào

“Tôi qua sông Rạch Cát đánh vào vùng Chánh Hưng. Địch ở khắp nơi. Đại liên chúng đặt trên sân thượng những toà nhà ngay ngã ba, ngã tư. Càng vào sâu, anh em hy sinh càng nhiều. Chúng tôi đành khiêng thi thể đồng đội bỏ vào những căn nhà đang cháy. Còn thương binh, chúng tôi gõ cửa từng nhà gửi nhờ bà con chăm sóc”, hoạ sỹ Trang Phượng nhớ lại.

Sau này kiểm tra quân số, mới biết tất cả thương binh đều được người dân tìm cách chuyển vào bệnh viện cứu chữa rồi tổ chức đưa ra vùng giải phóng an toàn.

Đợt 2 của cuộc tổng tấn công, ông Trần Bạch Đằng chỉ định họa sỹ Trang Phượng làm Đội phó kiêm chính trị viên đội vũ trang có nhiệm vụ vào xây dựng chính quyền quận 3.

Trưa 28/4/1968, trực thăng địch đổ quân. Các chiến sỹ rút xuống rạch trú ẩn. Địch bí mật ém lại một trung đội mai phục trong nhà một chị nông dân giữa đồng.

Đến chiều, thấy tình hình yên ắng, anh em Thành Đoàn từ dưới kênh đi lên. Chị nông dân la lớn: “Còn lính, còn lính…” Ông Phượng xúc động: “Địch bắn chết chị, đốt nhà. Sau giải phóng, tôi trở lại tìm nhưng đến bây giờ chưa biết chị ấy tên gì, người thân của chị đang ở đâu”.

Cuộc chiến bi tráng

Trên đường tiến vào nội thành, họa sỹ Trang Phượng lạc đơn vị và cùng ba phóng viên Thông tấn xã giải phóng chiến đấu tại khu vực cầu chữ Y cùng với một số cán bộ chiến sỹ Quận đội quận 4. Địch phản công, cả nhóm rút qua Ngã ba sông Cây Khô (nay là khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7). Là khu đầm lầy, nước bẩn. Nhiều người khát quá uống liều, mấy ngày sau đi tiêu ra máu.

Chiến đấu suốt ba ngày đêm, con số thương vong ngày càng tăng. Họa sỹ Trang Phượng quyết định rút quân.

Ông Phượng kể: Chiều 18/5/1968, tôi đến trạm giao liên để vào Tân Kiên thì gặp nhà thơ Lê Anh Xuân và nhà phê bình văn học Hồng Tân. Tôi bảo tình hình căng lắm. Các anh nên đi theo đội vũ trang của tôi, có gì còn bảo vệ nhau. Cả hai quyết định xuống Bình Chánh gặp lãnh đạo rồi trở lên. Tại trạm giao liên, tôi gặp lại cô Thủy, Việt kiều Campuchia đang là giao liên hợp pháp. Sau đợt 2, cô bị địch bắt giam trong Tổng nha Cảnh sát và bị tra tấn đến điên dại. Em trai Thủy cũng hy sinh trong cuộc tổng tấn công.

Sau này, tôi nghe anh Hai Tân (nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Trần Trọng Tân) bị giam với Thủy kể tối nào cô cũng lang thang trong buồng giam, miệng lẩm bẩm “Anh Trang Phượng ơi, anh Hoàng Anh chết rồi”, họa sỹ Trang Phượng đau đớn nhớ lại.

MỚI - NÓNG