Sự kiện tháng 2 năm 1979 là một “lát cắt rỉ máu” cứa vào truyền thống bằng hữu tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc ngàn đời nay. “Ôn cố tri tân”, việc nhìn lại lịch sử không phải khơi lại hận thù, mà là dịp hai nước cùng nhìn nhận, đánh giá, và xem như đó là bài học để không bao giờ xảy ra chiến tranh nữa.

Những ngày tháng 2 này, cờ Tổ quốc trên Đài hương 468 phấp phới bay giữa núi non hùng vĩ. Từ Đài hương 468 có thể quan sát được các cao điểm 1509, 772, 685... mà theo lời ông Vàng Văn Xuyên, người trông coi Đài hương 468, gần 600 chiến sỹ của Sư đoàn 356 đã hy sinh chỉ trong một buổi sáng. Ông Xuyên chỉ vào bức phù điêu “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” nghẹn ngào: “Đây là câu nói nổi tiếng của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh, người Phú Thọ. Trong khi chiến đấu, anh bị thương hai lần, cấp trên đẩy anh lại phía sau nhưng anh kiên quyết trụ lại, đến lần thứ ba bị thương nặng quá nên hy sinh...”.

Ông Xuyên là người thứ 3 trông coi Đài hương 468. Có lẽ cũng là cái duyên, khi ông từng là cựu chiến binh chiến đấu trên mặt trận này, trong hàng ngũ Trung đoàn 824. Trong suốt giai đoạn 1979 – 1984, ông có mặt ở hầu hết các điểm cao. Do đặc thù là lính đặc công, ông không tham gia chiến đấu nhiều, chỉ đi nắm tình hình, nhưng chỗ nào nóng bỏng nhất là ông có mặt. Ban đầu, ông chỉ nhận trông hộ Đài hương 1 – 2 tháng, rồi tiếp tục công việc đến tận hôm nay.

3h30 phút ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu, sau đó huy động hơn 600.000 quân tiến công sang lãnh thổ Việt Nam. Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh đại quân khu Quảng Châu được cử làm tổng tư lệnh cuộc tiến công, trực tiếp chỉ huy hướng Cao Bằng - Lạng Sơn. Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh đại quân khu Côn Minh chỉ huy hướng Lào Cai.

Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 17/2/1979, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố nêu rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước và khẳng định: “Quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”.

Mở đầu cuộc tiến công, quân Trung Quốc sử dụng các Quân đoàn 43, 55 và 54 (dự bị), có 160 xe tăng, xe bọc thép, 350 pháo cơ giới, chia làm nhiều mũi đánh vào Bản Chắt (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và khu vực thị trấn Đồng Đăng.

Lực lượng vũ trang địa phương của Việt Nam chặn đánh các mũi tiến công của quân Trung Quốc suốt ba ngày (từ ngày 17 đến 20/2) ở phía Tây đường 1A và đường 1B. Lạng Sơn có 10 đồn, trạm, đơn vị cơ động Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) trực tiếp chiến đấu, liên tục đánh chặn, gây cho đối phương một số thiệt hại.

Sau 10 ngày tiến công không đạt mục tiêu đề ra, ngày 27/2, phía Trung Quốc huy động Quân đoàn 54 dự bị vào hỗ trợ các Quân đoàn 43, 55 tiến công từ ba hướng Đồng Đăng, Cao Lộc, Lộc Bình, nhằm mục tiêu thị xã Lạng Sơn.

Dựa vào thế quân đông, chiều ngày 4/3, quân Trung Quốc sử dụng bộ binh có xe tăng hỗ trợ mở đợt tiến công đánh chiếm thị xã Lạng Sơn. Các đơn vị chủ lực Quân khu 1 cùng bộ đội địa phương tỉnh Lạng Sơn và các huyện chiến đấu rất anh dũng, kiên cường, giữ vững địa bàn.

Với tinh thần “Phía trước không tiếc máu xương, phía sau không tiếc của”, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã chuyển hàng chục tấn hàng hóa ở tuyến sau lên bổ sung cho các đơn vị bộ đội chiến đấu trên tuyến đầu của Tổ quốc.

Sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc huy động 2 quân đoàn (41, 42) và Quân đoàn 50 (thiếu) làm lực lượng dự bị, hai trung đoàn địa phương Quảng Tây, 4 trung đoàn độc lập, 225 xe tăng, xe bọc thép, hơn 300 pháo cơ giới, nhiều đơn vị sơn cước, hàng chục tiểu đoàn các xã giáp biên và hàng nghìn dân binh chia làm hai cánh: Một cánh do Quân đoàn 41 đảm nhiệm tiến công vào Thông Nông, Hà Quảng và một cánh do Quân đoàn 42 đảm nhiệm tiến công vào Phục Hòa, Đông Khê. Mục tiêu chủ yếu là đánh vào thị xã Cao Bằng và tiêu diệt Sư đoàn 346 của ta.

Các đơn vị thuộc Sư đoàn 346, bộ đội địa phương tỉnh Cao Bằng cùng lực lượng dân quân tự vệ đã chiến đấu anh dũng, lập chiến công oanh liệt, buộc đối phương chịu nhiều thiệt hại. Nhân dân các dân tộc huyện Quảng Hòa tham gia vận chuyển lương thực,đạn dược từ các kho ở Quảng Uyên lên trận địa phục vụ bộ đội chiến đấu; nhiều thanh niên và dân quân đã tình nguyện ở lại chốt, sát cánh cùng bộ đội chiến đấu.

Để tăng cường lực lượng chiến đấu cho mặt trận Cao Bằng, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 điều động Trung đoàn bộ binh 852 lên phòng ngự ở đèo Tài Hồ Sìn; huy động 1.300 chiến sĩ mới lên huyện Ngân Sơn, tăng cường lực lượng cho quân và dân Cao Bằng chiến đấu. Hướng ra mặt trận, tỉnh Bắc Thái cử một số đơn vị bộ đội địa phương và dân quân tự vệ cấp tiểu đoàn, đại đội lên chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở mặt trận Cao Bằng.

Dựa vào thế quân đông, ngày 24/2, quân Trung Quốc tiến công đánh chiếm thị xã Cao Bằng và mở rộng đánh chiếm một số vùng xung quanh, tuy nhiên không thực hiện được ý định bao vây tiêu diệt Sư đoàn 346. Cao Bằng trở thành chiến trường đánh giặc khắp nơi. Phát huy sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương phối hợp với dân quân tự vệ liên tục chiến đấu, gây nhiều khó khăn và thiệt hại cho đối phương.

Từ 4 giờ đến 6 giờ ngày 17/2, Trung Quốc dùng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ nước ta. Sau đó, huy động 2 quân đoàn (13, 14), một sự đoàn (thuộc quân đoàn 50) cùng một số trung đoàn địa phương, có 100 xe tăng, xe bọc thép và 450 khẩu pháo hỗ trợ, chia làm hai cánh: Một cánh do Quân đoàn 13 đảm nhiệm tiến công theo hữu ngạn sông Hồng đánh vào thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường, một cánh do Quân đoàn 14 theo tả ngạn sông Hồng đánh vào Mường Khương, Bản Phiệt, Phố Lu.

Cuộc chiến đấu trên mặt trận Hoàng Liên Sơn diễn ra rất quyết liệt. Các đơn vị vũ trang của ta đã chốt giữ các khu vực, điểm cao quan trọng, chiến đấu dũng cảm, đánh tan và đẩy lùi nhiều đợt tiến công của đối phương.

Ở khu vực thị xã Lào Cai, bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ kiên cường chiến đấu, giữ vững từng mét hào, căn nhà, dãy phố. Lực lượng vũ trang thị xã đẩy lùi nhiều đợt tiến công của đối phương ở các tiểu khu Duyên Hải, Kim Tân, Phố Mới, Cốc Lừu, Pháo Đài...

Do bị quân và dân địa phương kiên quyết chặn đánh, ngày 19/2, quân Trung Quốc mới vào được thị xã Lào Cai. Tiếp đến, ngày 25/2, quân đối phương chiếm được thị xã Cam Đường. Được tăng cường lực lượng, ngày 5/3, đối phương chiếm các mục tiêu Cốc San, Phố Lu và Sa Pa. Như vậy, sau 17 ngày tiến công trên hướng Hoàng Liên Sơn, đối phương tiến sâu được 40 km, nhưng cũng không còn khả năng để tiếp tục tiến công do quân và dân ta chặn đánh.

P hía Trung Quốc huy động Quân đoàn 11 đánh vào Pa Nậm Cúm, Nậm Cáy, Nậm Xe, mục tiêu chính là thị trấn Phong Thổ. Sáng ngày 17/12, hai Sự do thuộc Quân đoàn 11 cùng lực lượng dân binh, có xe tăng và pháo binh hỗ trợ, chia làm ba mũi tiến vào Lai Châu.

Bị lực lượng vũ trang địa phương ta chặn đánh, sau 3 ngày đối phương nơi tạo được bàn đạp ở khu vực biên giới. Sau 11 ngày dừng lại để củng cố và đưa tin lực lượng dự bị vào chiến đấu, đến ngày 5/3, đối phương chiếm được thị trấn Phong Thổ; nhưng sau đó, bị quân và dân ta đánh trả, buộc phải rút quân.

P hía Trung Quốc huy động 2 sự đoàn và một số trung đoàn địa phương chia làm ba mũi tiến công vào các khu vực Thanh Thuỷ, Đồng Văn và Mèo Vạc (nay thuộc tỉnh Hà Giang).

Ngày 18/2, phía Trung Quốc huy động bộ binh có pháo binh hỗ trợ mở cuộc tiến công vào các chốt do Đội Tự vệ 784 Lâm trường Mèo Vạc và dân quân Thượng Phòng (huyện Mèo Vạc) trấn giữ.

Kiên quyết đánh trả các đợt tiến công của quân Trung Quốc, sau hơn chục ngày chiến đấu, quân và dân Hà Tuyên đã lập nhiều chiến công, bẻ gãy các mũi tiên công của đối phương vào các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Thanh Thuỷ.

Q uân Trung Quốc huy động 2 sư đoàn bộ binh, chia làm hai mũi: Một mũi tiến công vào Thán Phán (huyện Móng Cái) và một mũi tiến công vào Cao Ba Lanh (huyện Bình Liêu); đồng thời, dùng pháo bắn dữ dội vào thị xã Móng Cái và các khu vực Hoành Bồ, Đồng Văn, hòng phối hợp với cánh quân hướng chủ yếu ở Lạng Sơn.

Trước cuộc tiến công của quân Trung Quốc, lực lượng vũ trang tỉnh và các huyện Bình Liêu, Móng Cái, Tiên Yên anh dũng đánh trả, đánh tan hàng chục đợt tiến công của đối phương, giữ vững địa bàn.

Cuối tháng 2, đầu tháng 3/1079, quân Trung Quốc mở nhiều đợt tiến công vào các địa bàn, điểm cao giáp biên giới. Bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi các đợt tiến công, buộc quân Trung Quốc phải rút về bên kia biên giới.

Ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương ra lời kêu gọi quân và dân cả nước, trong đó nêu rõ: “Đồng bào và chiến sĩ cả nước hãy phát huy khí thế cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất với kỷ luật chặt chẽ và năng suất cao, chi viện nhiều nhất cho tiền tuyến, hăng hái luyện tập quân sự, nâng cao cảnh giác”, quyết tâm “giữ vững biên cương của Tổ quốc”.

Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng công bố Lệnh tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cùng ngày 5/3, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 83-CP quy định mọi công dân (nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi) có đủ điều kiện đều gia nhập dân quân du kích tự vệ; thực hiện chế độ làm việc và luyện tập quân sự, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt kêu gọi: “Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc”.

Bài xã luận trên báo Nhân dân ra ngày 5/3/1979 nêu rõ “Lời kêu gọi của trung ương là lời hịch quyết chiến quyết thắng của tổ quốc. Tất cả con em đất nước Việt Nam đang đi vào cuộc chiến đấu mới: cả nước đánh giặc, toàn dân là lính”… 50 triệu người Việt Nam khi ấy đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, Chính ủy Sư đoàn 308 cho biết, thời điểm ra lệnh tổng động viên, cả Hà Nội sục sôi, từ khắp các công, nông trường, xí nghiệp, thôn xóm có hàng nghìn lá đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Tính từ năm 1975 đến nay, đó là lệnh tổng động viên duy nhất được ban hành. Trước đó năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ký Sắc lệnh Tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân để phục vụ cho nhu cầu kháng chiến chống Pháp đang đến giai đoạn tổng phản công. Trong kháng chiến chống Mỹ, lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước năm 1966 của Hồ Chủ tịch và những đợt huy động lực lượng dồn sức cho chiến trường miền Nam vào các năm 1972, 1974 chưa được gọi là tổng động viên.

Cũng trong ngày 5/3/1979, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân, và rêu rao hoàn thành mục tiêu “dạy cho Việt Nam một bài học”. Ngày 7/3/1979, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân. Đến ngày 18/3/1979, về cơ bản Trung Quốc đã rút quân khỏi nước ta.

Mặc dù tuyên bố rút quân, nhưng trên thực tế, từ sau ngày 18/3/79 phía Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, có nơi sâu từ 200 đến 500 mét, thường xuyên gây xung đột vũ trang, làm cho tình hình luôn căng thẳng, kéo dài đến năm 1989: Trung Quốc đã duy trì nhiều đơn vị quân đội, gây xung đột, lấn chiếm biên giới. Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên trở thành vùng chiên sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới.

Đến giữa năm 1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều cao điểm của Việt Nam như: 226, 233, 685, 772, 1030, 1250, 1509... thuộc tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 312, 316, 356 được lệnh tiến hành chiến dịch phản công giành lại các điểm cao. Ngày 12/7/1984, trận mở màn chiến dịch giành lại cao điểm 772 diễn ra ác liệt. Quân Trung Quốc được hỏa lực mạnh yểm trợ, lại chiếm được các điểm cao có lợi đã gây cho ta nhiều thiệt hại, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Sau trận đánh, các đơn vị của ta tuy không giành lại được các cao điểm đã mất, nhưng đã chặn được quân Trung Quốc thực hiện ý định vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang.

Từ tháng 7/1984 về sau, Vị Xuyên tiếp tục là mặt trận ác liệt, hai bên giành giật nhau từng vị trí trên các điểm cao. Đỉnh điểm diễn ra vào đầu năm 1985, có ngày quân Trung Quốc bắn tới 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên trong khoảng chiều rộng 5km, chiều sâu 3km.

Thương vong của hai phía trong các cuộc xung đột kéo dài 10 năm ở mặt trận Vị Xuyên rất lớn. Theo thống kê của Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến 1989, hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.

Ký ức của Đại tá Bùi Thuận Hoá, nguyên cán bộ Cục Tuyên truyền đặc biệt Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, về những ngày tháng 2 năm 1979 lịch sử.

Khi chiến tranh biên giới tháng 2/1979 nổ ra thì chúng tôi đang là sinh viên năm cuối của khoa Trung, Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Những bài ca như “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”… thôi thúc cánh sinh viên chúng tôi tình nguyện lên đường đi chiến đấu.

Ngày ngày chúng tôi náo nức chờ thông tin từ mặt trận truyền về, háo hức chờ đợi được lên đường ra mặt trận để tham gia chiến đấu chống quân xâm lược... Chúng tôi lên Khoa, lên Trường để đề đạt nguyện vọng, nhưng đều được trả lời: “Cứ yên tâm học và chờ đợi, khi nào tổ chức yêu cầu thì sẽ xem xét”.

Chiến tranh biên giới kết thúc sau hơn 1 tháng sục sôi. Nhưng vẫn còn đâu đó thông tin về một cuộc chiến tranh tổng lực lại sắp nổ ra, về những đoàn cán bộ quân đội vào trường tuyển quân, về những đợt tái ngũ, trở lại phục vụ quân đội. Và nguyện vọng của chúng tôi cũng được xem xét! Một đoàn cán bộ của Cục Nghiên cứu, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nghiên cứu hồ sơ và gọi nhập ngũ 15 sinh viên theo tiêu chuẩn “học giỏi, lý lịch tốt”.

Chúng tôi nhập ngũ, sau ba tháng huấn luyện, được phong hàm sĩ quan và đúng như ý nguyện, sử dụng tiếng Trung vào việc phục vụ chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu.

Đối mặt với chúng tôi lúc đó không phải là những tên lính hung hăng, tàn bạo trên chiến trường, mà là những gương mặt thất thần, bạc nhược bị bắt làm tù binh khi họ âm mưu xâm nhập biên giới, hoạt động phá hoại, trinh sát... Họ thuộc lòng và ra sức biện bạch cho hành động tội ác gây chiến tranh xâm lược, phá hoại những công trình công cộng, nhà dân ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta.

Đối diện với nhóm người này luôn đòi hỏi những màn đấu trí căng thẳng. Tuy nhiên, họ thường cúi đầu mỗi khi bị hỏi: Trung Quốc lấy tư cách gì mà đòi trừng phạt nước khác? Các anh xưng danh “quân giải phóng nhân dân” sao lại giết hại dân thường? Các anh nói kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi, sao lại đặt mìn phá hoại di tích hang Pac Bó?

Rồi cuộc chiến tranh lấn chiếm biên giới nổ ra, đầu tiên là ở Yên Minh, Mèo Vạc, sau lan ra Bình Độ 400 (Lộc Bình, Lạng Sơn) và đỉnh điểm là cuộc chiến đẫm máu, dai dẳng kéo dài suốt từ tháng 4/1984 đến tận cuối năm 1989 ở các cụm cao điểm 1509, 772... ở Vị Xuyên (Trung Quốc gọi là “Lão Sơn”), cụm cao điểm 1250 ở Yên Minh (Trung Quốc gọi là “Giả Âm Sơn”).

Ảnh được chụp trên chốt H2 thuộc khu vực Bốn Hầm, Vị Xuyên vào sáng sớm ngày 1/8/1987 ở ngay cửa Hầm tai mèo giữa “Lò vôi thế kỷ”. Những đồng đội chụp cùng tác giả là các chiến sĩ thuộc sư đoàn 356 đang phòng ngự khu vực này.

Chúng tôi lao vào cuộc chiến mới, làm đủ mọi công việc từ thu thập tin tức, làm và rải truyền đơn, nhập mạng thông tin để tuyên truyền vận động địch, viết và phát loa địch vận... đến quản lý, khai thác tù binh phục vụ chiến đấu và đấu tranh ngoại giao.

Chúng tôi nhiều lần lăn lộn cùng anh em ở chiến hào, hứng chịu mưa đạn pháo của địch, cùng nằm trong các “hầm tai mèo” chất bằng rọ đan bằng lưới sắt đựng đá hộc ở khu Bốn Hầm – “Lò vôi thế kỷ”, suốt đêm thức cùng lính, kể chuyện tiếu lâm, uống rượu tự cất từ cơm thừa bằng... mặt nạ phòng độc và nếm trải cảnh bị chuột gặm chân, ngửi mùi xác lính địch bỏ lại trước trận địa phòng ngự, rơi nước mắt khi vận chuyển thi hài đồng đội về phía sau trên xe tải, thét lên vui sướng khi nắm và thông báo những thông tin được báo chí đối phương tiết lộ về những thiệt hại trong những trận đánh từ sau tháng 8/1985. Có những chuyện, những việc làm không thể nói ra, nhưng chúng tôi tự hào vì mình đã góp một phần công sức, máu, mồ hôi và nước mắt vào cuộc chiến đấu hào hùng những năm tháng biên giới ấy.

Chiến tranh đã qua đi, nhiều anh em trong chúng tôi lại góp công sức vào việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, khôi phục tình hữu nghị. Nhưng, lịch sử là lịch sử, lịch sử không cho phép chúng tôi quên đi một cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc đầy hào hùng ấy.

Từ ngày 5 – 10/11/1991, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Bằng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây là mốc thời gian đánh dấu chính thức bình thường hóa và mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Hai bên tuyên bố hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện, trên cơ sở 5 nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình.

Từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, về tổng thể, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc khôi phục nhanh, phát triển mạnh.

Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm chính thức và gặp gỡ bên lề hội nghị quốc tế, qua các cuộc gặp cấp cao. Hai bên luôn nhấn mạnh, tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc là tài sản quý báu của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần được hết sức giữ gìn và không ngừng vun đắp; khẳng định sẽ làm hết sức mình để đưa quan hệ đó ngày càng sâu sắc hơn, tin cậy hơn, cùng ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đổi mới, cải cách mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các cấp của hai đảng, như: duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng, tổ chức các cuộc hội thảo về lý luận giữa hai Đảng, thành lập cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương (2006) để điều phối tổng thể các mặt hợp tác trong quan hệ hai nước.

Quan hệ giữa các địa phương được tăng cường với nhiều hình thức với các cơ chế, như: Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc); Nhóm công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc); Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) và Côn Minh (Trung Quốc).

Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều không ngừng phát triển, đặc biệt là trong những năm đầu thế kỷ XXI. Chỉ số trao đổi thương mại của hai nước cho thấy mức độ gia tăng không ngừng của hợp tác kinh tế hai nước và không ngừng vượt qua các kế hoạch và dự báo của hai bên cho mỗi giai đoạn.

Hai nước Việt Nam - Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400 km. Sau khi bình thường hóa quan hệ, hai bên đã tiến hành đàm phán thực chất và ký kết “Hiệp ước biên giới trên đất liền” ngày 30/12/1999. Tháng 2/2009, sau một quá trình đàm phán phức tạp, khó khăn lâu dài suốt 10 năm, trên cơ sở tôn trọng lịch sử và xét đến hiện tại, hiệp thương thẳng thắn và lâu dài, hai nước hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên đất liền.

Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc có những bước tiến mạnh mẽ với việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn nhằm tạo sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau. Quân đội hai nước thống nhất nhận thức về sự chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của hai nước thông qua các thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, chia rẽ Đảng với Quân đội, Quân đội với nhân dân và mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; giải quyết những bất đồng giữa hai nước cần được thực hiện bằng các biện pháp hoà bình bằng đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích của nhau.

Năm năm trước, khi trò chuyện với PV Tiền Phong, cố PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại, Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho rằng sự kiện 1979 là một “lát cắt rỉ máu” cứa vào truyền thống bằng hữu hết sức tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng việc nhìn lại lịch sử không phải khơi lại hận thù, mà cũng là cơ hội để cả hai bên nhìn nhận, đánh giá. Coi như đó là một bài học để không bao giờ xảy ra chiến tranh nữa.

Ngạn ngữ có câu “Không có kẻ thù vĩnh viễn”. Trước đây là kẻ thù, bây giờ là bạn. Với sự đắp đổi của thời cuộc, kẻ thù có thể biến thành bạn, và cũng có thể ngược lại. Vì vậy để giữ được mối tình bằng hữu đó chúng ta phải tôn trọng lịch sử, tôn trọng truyền thống và phải nói rõ với thế hệ trẻ vết thương đó trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.