Mở lối thoát nghèo vùng biên

Thiếu tá Hà Trung Kiên với lứa cá hồi đến độ thu hoạch.
Thiếu tá Hà Trung Kiên với lứa cá hồi đến độ thu hoạch.
TP - Ngoài canh giữ, bảo vệ vững chắc cột mốc biên giới Việt - Trung (từ cột số 132 -135), các chiến sỹ bộ đội biên phòng ở bản nghèo biên giới Lao Chải, thuộc Đồn Biên phòng Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) còn phát triển thành công mô hình nuôi cá hồi mang lại hiệu quả kinh tế cao, hứa hẹn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho đồng bào vùng biên.

Đưa cá hồi về xã nghèo

Sau một ngày vượt quãng đường gần 400km, chúng tôi mới có mặt ở Đồn Biên phòng Nậm Chảy. Trung tá Cù Xuân Thảo, Chính trị viên đồn dẫn chúng tôi lên thăm mô hình nuôi cá hồi thí điểm tại thôn Lao Chải (xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Đường từ đồn đến điểm nuôi cá hồi khoảng 10km, nhưng phải đi gần 1 tiếng đồng hồ bởi đường đi gồ ghề, đá lởm chởm, dốc ngược lên đỉnh núi.

Đón chúng tôi tại điểm nuôi cá, thiếu tá Hà Trung Kiên, cho biết, ba ao nuôi cá liền kề xây dựng chắc chắn bằng bê tông, nước từ suối trên núi được dẫn trực tiếp vào khu vực nuôi cá. Mỗi hồ hiện có hàng nghìn con cá hồi đến thời kỳ thu hoạch. Do phù hợp với điều kiện tự nhiên, nên cá hồi phát triển nhanh và khỏe mạnh, trọng lượng cá đạt hơn 1kg/con.

Về “cơ duyên” dẫn các anh đến với mô hình nuôi cá hồi tại đây là do vị trí xây dựng tổ công tác, có dòng suối nhỏ mát trong chảy từ  đỉnh núi xuống không bao giờ cạn với độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, quanh năm mát lạnh, khí hậu giống như vùng ôn đới, xứ lạnh châu Âu. Từ đó, tổ công tác hình thành ý tưởng nuôi cá hồi giống như ở Sa Pa, vừa tăng gia vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Kiên cùng đồng đội xin Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Nậm Chảy mở mô hình nuôi cá hồi và đi học kinh nghiệm ở Sa Pa. Sau khi khảo sát kỹ các yếu tố liên quan, tháng 4/2014, anh Kiên cùng đại úy Lê Minh Tài (thành viên tổ công tác) bắt tay triển khai nuôi thử nghiệm 400 con cá hồi vân trong ao nuôi có diện tích khoảng 80m­­2. Sau 12 tháng, lứa cá đầu tiên xuất bán có trọng lượng trung bình 1,3 kg/con, với giá thị trường 300.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí cũng thu được lợi nhuận trên 20 triệu đồng.

Anh Kiên vẫn nhớ như in những ngày đầu vất vả nuôi thử nghiệm cá hồi, bởi việc nuôi giống cá đặc sản này khá vất vả, đòi hỏi kỹ thuật cao từ khâu cho cá ăn phải đúng giờ, đến nguồn nước đảm bảo sạch, độ PH đúng yêu cầu... Anh Kiên kể, lứa cá giống đầu tiên nhập về, nuôi rất suôn sẻ. Nhìn đàn cá lớn lên trông thấy, ai cũng phấn khởi, hào hứng. Tổ công tác đã mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng mở rộng mô hình lên 300m2.

Nhưng đến vụ thứ 2, thành công chẳng mỉm cười với các anh, bởi cuối năm ấy, thời tiết, khí hậu đột ngột thay đổi, nhiệt độ môi trường tăng cao.

“Giống cá hồi có giá trị kinh tế cao nhưng cũng đòi hỏi khắt khe về điều kiện nguồn nước, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc. Lúc đầu, không có kinh nghiệm nên chúng tôi đều rất lúng túng, không biết xử lý thế nào khi cá bị bệnh. Đàn cá chết nổi trắng kín hồ. Hàng ngày phải vớt bỏ xác cá khiến chúng tôi nặng trĩu, hoang mang”, anh Kiên kể.

Ngã đâu đứng dậy nơi đó, anh em trong tổ động viên nhau cố gắng, vượt qua khó khăn. “Nếu mô hình nuôi cá hồi ở vùng này thành công sẽ mở ra hướng thoát nghèo mới cho đồng bào nơi đây”, anh Kiên nói. Ngoài thời gian tuần tra và thực hiện các hoạt động xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới, hai thành viên trong tổ công tác dành nhiều thời gian học hỏi từ sách, báo, xin lãnh đạo đơn vị tham quan mô hình nuôi cá hồi tại Sa Pa để có thêm kinh nghiệm cũng như kỹ thuật.

Vay mượn, đầu tư hơn trăm triệu đồng mua bổ sung máy bơm nước, lọc nước, máy tạo ô-xy… Những hôm trời mưa to, anh Kiên cùng đồng đội chia nhau túc trực theo dõi để cắt nước đầu nguồn, không cho nước đục vào ao; hằng ngày phải theo dõi chặt chẽ, nếu phát hiện cá bị bệnh phải tiến hành cách ly, chữa trị, tránh lây lan sang con khác...

Ông trời không phụ lòng người, vụ cá năm 2016 trúng đậm, bán ra thị trường, trừ chi phí tổ công tác thu về trên gần 200 triệu đồng. Đến nay, vụ cá hồi năm 2017 đang sinh trưởng tốt, sắp đến ngày thu hoạch.

Mở hướng thoát nghèo 

Việc các chiến sỹ biên phòng nuôi cá hồi thành công sẽ mở ra cơ hội làm giàu cho đồng bào trên chính mảnh đất nơi đây. Theo thượng tá Nguyễn Thanh Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Chảy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Xã Nậm Chảy có trên 500 hộ dân với 13 thôn bản thì có 370 hộ nghèo, đặc biệt là 5 thôn: Sán Pản, Gia Khâu B, Cốc Dâm B, Cốc Dâm A, Lao Chải với 100% số hộ nghèo, thiếu đói. Người lính quân hàm xanh ngoài bảo vệ biên giới còn gánh trách nhiệm giúp dân lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Mô hình nuôi thử nghiệm cá hồi ở thôn Lao Chải đã cho những tín hiệu bước đầu khả quan, mở ra triển vọng mới cho nghề thủy sản ở xã Nậm Chảy nói riêng và huyện Mường Khương nói chung.

“Đồn Biên phòng Nậm Chảy đang chuẩn bị nhân rộng thêm mô hình bởi nếu thành công, mô hình nuôi cá hồi sẽ được triển khai rộng cho nhân dân các xã có điều kiện tự nhiên phù hợp. Từ đó sẽ cung cấp một lượng lớn cá hồi vân sạch mang thương hiệu Mường Khương cho thị trường trong và ngoài huyện theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao”, thượng tá Hà nói.

Trung tá Cù Xuân Thảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Chảy cho biết thêm: Ngoài mô hình nuôi cá hồi, cán bộ chiến sĩ đồn còn phối hợp với Đoàn thanh niên xã Nậm Chảy nhận đỡ đầu 5 hộ nghèo. Cán bộ, chiến sĩ trích lương mua cây giống, lợn, gà tặng cho các hộ.

Đoàn thanh niên xã Nậm Chảy huy động lực lượng, cùng bộ đội giúp dân trồng rừng, hỗ trợ chăm sóc vật nuôi, hướng dẫn đồng bào ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. “Cán bộ chiến sĩ biên phòng luôn ý thức việc tăng gia làm mẫu mô hình chăn nuôi bò, lợn, trồng chuối, ớt và mới đây là cây sa nhân cho bà con thấy bộ đội cũng làm được để làm theo”, trung tá Thảo nói.

“Mô hình nuôi thử nghiệm cá hồi ở thôn Lao Chải đã cho những tín hiệu bước đầu khả quan, mở ra triển vọng mới cho nghề thủy sản ở xã Nậm Chảy nói riêng và huyện Mường Khương nói chung”.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Chảy

MỚI - NÓNG