Mới nhất về Syria: Nga tăng cường không kích, Mỹ-Anh 'ghê sợ'?

Máy bay Su-34 của Nga không kích ở tỉnh al-Raqqa, Syria, khu vực Nhà nước Hồi giáo đang kiểm soát. Ảnh: TASS.
Máy bay Su-34 của Nga không kích ở tỉnh al-Raqqa, Syria, khu vực Nhà nước Hồi giáo đang kiểm soát. Ảnh: TASS.
TPO - Việc Nga can thiệp vào Trung Đông và gia tăng không kích ở Syria đã khiến cho nhiều nước phương Tây 'nóng mắt'.Thậm chí nhiều tướng lĩnh Mỹ, Anh còn lớn tiếng xếp Nga vào dạng nguy hiểm ngang IS. 

Không kích hơn 400 mục tiêu trong ba ngày

Bộ Quốc phòng Nga hôm qua thông báo nước này tấn công 448 mục tiêu khủng bố ở Syria trong vòng ba ngày trước đó. Các phi cơ Nga không kích trúng một xưởng sửa chữa phương tiện bọc thép gần Kfar Nabuda, tỉnh Hama, của Mặt trận Nusra, tổ chức có liên hệ với al-Qaeda. 

Những mục tiêu khác được cho là thuộc Mặt trận Nursa gồm một trung tâm chỉ huy ở Zarbe, một trại huấn luyện gần Kweyris, phía đông Aleppo và "kho đạn lớn" gần Maheen, tỉnh Homs.

Không quân Nga còn ném bom Raqqa, thành trì tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), "phá hủy hoàn toàn" hai kho đạn và một kho rocket ở khu vực đồi núi gần thủ đô Damascus.

Nga bắt đầu không kích ở Syria từ ngày 30/9. Tính đến nay, máy bay chiến đấu của Nga đã thực hiện tấn công hơn 2.000 công trình. 

Máy bay Nga đã phá huỷ 287 cơ sở chỉ huy của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS), 52 doanh trại huấn luyện các phần tử khủng bố, 40 cơ sở chế tạo vũ khí, 155 nhà kho cất giữ nhiên liệu và đạn dược.

Mỹ, Phương Tây nóng mắt


Mới nhất về Syria: Nga tăng cường không kích, Mỹ-Anh 'ghê sợ'? ảnh 1

Ông Obama (trái) vừa có điều chỉnh mới về chiến lược tại Syria và Iraq.

Nga can dự mạnh vào Trung Đông đã dẫn đến xung đột về địa chính trị giữa Moscow và Washington ở khu vực này, Mỹ đã có điều chỉnh mới về chiến lược tại Syria và Iraq.  Gần đây, Tổng thống Balack Obama đã cho phép điều động 50 đặc nhiệm đến hỗ trợ phe đối lập tấn công IS. Điều này cho thấy, chính phủ Mỹ đã có sự thay đổi lập trường, khi trước đó tuyên bố không điều lực lượng tác chiến dưới mặt đất đến Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cũng lớn tiếng cáo buộc Nga đã xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Ukraine và Gruzia, cũng như “đổ dầu vào lửa” đối với cuộc khủng hoảng tại Syria khi bắt đầu chiến dịch không kích của mình từ ngày 30/9.

“Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến tranh nóng hay lạnh với Nga. Chúng tôi không biến Nga thành kẻ thù, tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ bản thân và đồng minh, cũng như các nguyên tắc chung của quốc tế vì một tương lai chung tốt đẹp”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói.

Trong khi đó, Tư lệnh Lục quân Mỹ - Tướng Mark Milley lại có phát biểu “gây thù chuốc oán” với Nga khi miêu tả nước này “hung hăng, hiếu chiến và là kẻ thù đối với lợi ích của nước Mỹ". Thậm chí, ông Milley cho rằng, với vũ khí hạt nhân và năng lực có thể sử dụng loại vũ khí huỷ diệt đó, Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.

Trong một diễn biến có liên quan, Cơ quan an ninh của Anh cũng vừa công bố danh sách các mối đe dọa lớn nhất đến an ninh nước này. Trong danh sách này, nước Nga bị xếp ngang hàng với tổ chức khủng bố IS về mức độ nguy hiểm.

Theo cơ quan an ninh Anh, những hoạt động quân sự của Nga đã đặt hệ thống phòng thủ của nước Anh vào tình trạng báo động.

“Việc Nga tăng chi tiêu quân sự và thể hiện sức mạnh quân sự cho thấy sự leo thang  mối đe dọa từ Nga đối với an ninh của Tây Âu trong 5 năm tới”. – bản báo cáo cho biết. 

Mới nhất về Syria: Nga tăng cường không kích, Mỹ-Anh 'ghê sợ'? ảnh 2 Máy bay Nga trên bầu trời Syria.

Thủ tướng Anh David Cameron, hôm 4/10 chỉ trích quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc can thiệp quân sự vào Syria là một “sai lầm khủng khiếp”.

Ông Cameron cho rằng, đa số các cuộc không kích của Nga tại Syria không nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng như liên quân do Mỹ dẫn đầu mà nhằm vào lực lượng mà Thủ tướng Anh gọi là “phe đối lập” ở Syria.

Theo ông Cameron, đây đơn thuần là hành động để giúp Tổng thống Bashar al-Assad và điều này sẽ là một “sai lầm khủng khiếp” cho cả thế giới.

Nga lạnh lùng đáp trả

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 9/11 nói vòng đàm phán tiếp theo về Syria dự kiến vào cuối tuần này không cần phải chăm chăm vào chủ để đòi Tổng thống Syria Bashar Assad từ chức.

Ông Lavrov cho rằng việc yêu cầu này cứ lặp đi lặp lại ở vòng đàm phán trước là một cách tiếp cận đơn giản thái quá và nhàm chán.

"Thay vì đòi ông Assad từ chức thì nên tập trung vào nỗ lực đạt đồng thuận về vấn đề ai sẽ đại diện cho quân nổi dậy Syria và những đối tượng nào được coi là cực đoan", ông Lavrov nói.

Rõ ràng, với cách trả lời và quan điểm của Nga hiện nay, Mỹ và Phương Tây sẽ không dễ dàng để yêu cầu Nga dừng không kích ở Syria và can thiệp ở Trung Đông theo cách của Mỹ. 

Điều đó đồng nghĩa đến thời điểm này, Nga sẽ cương quyết không bỏ rơi đồng minh Syria mà cụ thể là không đếm xỉa đến sức ép từ Phương Tây đòi Tổng thống Syria Assad từ chức.

MỚI - NÓNG