Một ngày bắn rơi 12 máy bay - chiến công thần kỳ!

Trận địa dưới chân núi Nài - ảnh tư liệu
Trận địa dưới chân núi Nài - ảnh tư liệu
Quân và dân Hà Tĩnh đã làm nên một chiến công thần kỳ khi một ngày bắn rơi 12 chiếc máy bay.

Sẵn sàng tâm thế để chiến đấu

Ngày 26/3/1965, nhân dân Hà Tĩnh đã được chứng kiến trận đầu thắng Mỹ oanh liệt của quân và dân ta, trong đó có trung đội dân quân tự vệ 10 cô gái núi Nài. 50 năm đã trôi qua, 10 cô gái năm xưa, giờ đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, người còn, người mất, nhưng ký ức họ vẫn vẹn nguyên những giờ phút kề vai, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu với quân thù.

Bà Dương Thị Tuyết (70 tuổi) - tiểu đội phó 10 nữ dân quân tự vệ Núi Nài, người trực tiếp xung phong lên núi cứu thương cho các chiến sĩ khẩu đội 3 bảo vệ ra-đa. Dù đã 50 năm trôi qua nhưng với bà Tuyết thì chuyện như vừa mới xảy ra ít ngày.

Qua hệ thống truyền thanh và thông báo, chúng tôi được biết: Vào đầu năm 1965 địch tăng cường không quân đánh phá nhiều trận địa radar ở Vĩnh Linh, Quảng Bình nhằm bịt “con mắt” canh trời miền Bắc. Xác định, địch có thể đánh ra trạm radar tại núi Nài, nên Bộ tổng tư lệnh Phòng không đã xây dựng phương án tác chiến bằng cách kịp thời di chuyển hệ thống radar trên Núi Nài đến nơi an toàn, nhường nguyên vị trí cũ để dựng lên một radar giả, nhằm nhử máy bay Mỹ. Và tổ chức một trận địa hỏa lực gồm lực lượng pháo cao xạ, súng bộ binh quanh Núi Nài, khu vực xã Thạch Hòa, thị xã Hà Tĩnh (nay là phường Đại Nài, TP.Hà Tĩnh) để đón đánh địch khi chúng vào đánh phá.

Bà Tuyết cho biết: “Radar giả đã được dựng lên ngay tại đỉnh Núi Nài, còn radar thật thì chuyển về phường Thạch Quý và được bảo vệ an toàn. Từ đêm 24/3 đến 12h trưa ngày 25/3 trạm radar giả đã hoàn tất. Nhân dân đã sơ tán đến nơi an toàn, trận địa đã cài sẵn, cả thị xã nín thở từng giờ chờ địch đến để tiêu diệt. Tiểu đội của chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ Núi Nài - nơi có hệ thống radar bảo vệ thị xã Hà Tĩnh và quốc lộ 1A, có cầu Phủ bắc qua - là mục tiêu cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ thị xã cũng như bảo đảm huyết mạch giao thông của hậu phương ra tiền tuyến”.

Cả ngày hôm ấy, bà Tuyết cùng cả trung đội luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. “Không chỉ riêng chúng tôi mà thời khắc ấy, cả thị xã Hà Tĩnh đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Mỗi người vẫn làm công việc hàng ngày của mình nhưng tinh thần đã được lên dây cót, chỉ chờ địch đến là nã đạn”.

Cũng chung với tinh thần ấy, ông Phan Văn Thịnh - Chỉ huy trưởng trungđội dân quân 1 thị xã Hà Tĩnh (sau này là chỉ huy trưởng Trung đội súng máy 12 ly 7), nhớ lại: “Chúng tôi được cấp trên giao cho o 4 khẩu thượng, trung liên; 20 khẩu súng trường; 20 tiểu liên và 100 lựu đạn làm nhiệm vụ công sự tại sân vận động tỉnh. Chúng tôi chia làm 4 tiểu đội (7 người/ tiểu đội), thay nhau làm nhiệm vụ. Cả ngày không ăn uống nhưng anh em ai cũng chắc tay súng, luôn đề cao chiến đấu”.

Khoảng 13h15' ngày 26/3/1965, từ phía biển xuất hiện 26 chiếc máy bay Mỹ đủ các loại, chia thành nhiều tốp bay vòng lên phía Tây rồi vòng lại thi nhau lao xuống bắn phá xối xả núi Nài và khu vực xung quanh bằng 2 đợt công kích, mỗi đợt kéo dài trên 20 phút. Chúng điên cuồng trút xuống núi Nài và các vùng lân cận hàng trăm loạt bom. “Khi đó cả thị xã rung chuyển, mọi thứ đều bao phủ bởi bụi mù. Chỉ riêng núi Nài ở dưới chân núi chỉ thấy những cuộn khói đen xen lẫn với khói vàng”, Bà Tuyết nhớ lại.

Trong trận đánh này nhiều chiến sỹ của ta đã hy sinh như: Đại đội trưởng Trần Đức Mai, chính trị viên Dương Chí Uyển, Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Toái, pháo thủ Lê Công Danh, trắc thủ Chu Hồng Trường….

Đến 15h55 cùng ngày, trận đánh kết thúc. Sau hơn 40 phút giao tranh, quân dân thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ.

“Khi nghe tin mừng chiến thắng trên loan phát thanh của thị xã, cả trung đội chúng tôi đều nhảy cẫng lên mừng rỡ. Vừa cười, vừa khóc vì không ngờ quân ta chiến thắng “thần sấm” (máy bay F105- PV), ông Thịnh hồ hởi kể lại.

Bị thất bại thảm hại tại trận địa Núi Nài, chúng lại tiếp tục kéo nhau vào đánh phá khu vực Đèo Ngang (Kỳ Anh). Lực lượng chiến đấu tại chỗ của ta đã anh dũng chiến đấu ngoan cường, tiếp tục bắn rơi thêm 3 máy bay Mỹ, nâng tổng số máy bay Mỹ bị quân, dân Hà Tĩnh bắn rơi trong chiều ngày 26/3/1965 lên 12 chiếc

Những kỷ niệm khó quên về trận đánh đầu tiên

Chiến thắng trận đầu ngày 26/3/1965 đã đi vào ký ức của quân và dân Hà Tĩnh như những chiến công hiển hách nhất, mở đầu cho hàng loạt trận chiến ngoan cường, anh dũng. Riêng đối với bà Dương Thị Tuyết và ông Phan Văn Thịnh thì trận chiến 26/3 còn đọng lại trong họ những kỷ niệm khó quên.

“Ngay sau đợt công kích lần 1, nhận được tin nhiều chiến sĩ của ta bị thương, tôi đã xung phong lên cứu thương và có đồng chí Lê Minh đi cùng, anh Minh nói: anh em sống thì sống với nhau, chết thì chết với nhau. Chúng tôi đã đội bom đạn leo lên đỉnh núi, lúc đó đầu tôi đau như búa bổ. Tại trạm radar, chúng tôi không thể nhận ra các đồng đội, bởi thân thể các anh đã trộn với bùn đất.

Tôi khóc thương suýt ngất đi, nhưng rồi bình tâm trở lại để cất bốc những gì còn lại của các anh. Cả ngày chưa có một chút gì vào bụng, nhưng một lần lả đi, nhớ đến những anh em đã hy sinh, chúng tôi lại quên đi mệt nhọc tiếp tục nhiệm vụ. Trên đường xuống tôi phát hiện thêm 6 quả bom chưa nổ và hàng trăm quả rốc két chất đầy tại trận địa. Cảnh tượng rất kinh hoàng”, bà Tuyết kể lại.

Một ngày bắn rơi 12 máy bay - chiến công thần kỳ! ảnh 1

Bà Tuyết kể lại trận đánh 50 năm trước

Trước sự gan dạ của bà, ngay trong ngày 26/3, bà Tuyết được tổ chức kết nạp vào hàng ngũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Một niềm vinh dự lớn lao của bà được nhận món quà do Bác Hồ gửi tặng. Vào khoảng tháng 5/1965, khi tôi đang ở nhà thì được 2 chủ cảnh vệ vào nhà và trao 2 kg đường, 2 hộp sữa, 4m lụa.

Các anh nói rằng “quà Bác Hồ gửi tặng sau khi Bác đọc một bài báo về cô Tuyết”. Kèm với món quà là mẩu giấy nhỏ“Bác tặng bố mẹ thân sinh đồng chí Dương Thị Tuyết - người con gái dũng cảm dưới chân Núi Nài”, lời Bác Hồ.

Còn đối với ông Phan Văn Thịnh, năm nay là tròn 50 năm tuổi Đảng của ông. Sau khi trận đánh kết thúc, ông được kết nạp vào Đảng ngay trên trận địa.

Sau này, trung đội 12ly 7 của ông Thịnh còn tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường khác, dù ở vị trí nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đến năm 2013, đơn vị Trung đội súng máy 12 ly 7 được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.