Một số căn cứ khẳng định Trung Quốc không thể độc chiếm biển Đông

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ trong một lần diễn tập ở biển Đông
Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ trong một lần diễn tập ở biển Đông
TPO - Chuyên gia nói có nhiều lý do Trung Quốc, dù rất muốn, không thể độc chiếm biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa tuyên bố rằng thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi biển Đông là “đế chế biển” của mình. Mỹ đứng bên cạnh các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ở nước ngoài, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế.

“Nhưng thực sự Trung Quốc không tìm kiếm một đế chế ở biển Đông. Một đế chế thực hiện quyền thống trị các lãnh thổ nước ngoài từ một trung tâm đế quốc. Bắc Kinh muốn nhiều hơn một đế chế biển. Họ khước từ quyền sở hữu. Họ muốn tạo ra biển Đông như những gì người La Mã từng gọi biển Địa Trung Hải, cụ thể là mare liberum, hay “biển của chúng ta”, James Holmes, chuyên gia chiến lược biển tại Đại học Hải chiến Mỹ(*) viết trên National Interest.

Theo ông Holmes, giới lãnh đạo Trung Quốc không che giấu mục tiêu của họ. Trên thực tế, kể từ năm 2009, giới chức nước này đã thẳng thắn và thường xuyên tuyên bố rằng mục tiêu tối quan trọng của họ là chủ quyền “không thể chối cãi” của họ trong phạm vi một đường chín đoạn bao quanh phần lớn biển Đông. Đây là một yêu cầu ngông cuồng. “Hãy suy nghĩ về chủ quyền là gì. Một chính phủ có chủ quyền thực hiện độc quyền về việc sử dụng lực lượng vũ trang trong các biên giới được ghi trên bản đồ. Họ ra lệnh và những người khác tuân theo”, ông Holmes viết. Luật biển, trong đó quy định quyền sở hữu quốc gia đối với không gian hàng hải không có điều khoản nào biện minh cho các đòi hỏi của Bắc Kinh.

Việc từ bỏ quyền của mình ở biển Đông sẽ khuyến khích các quốc gia ven biển khác gạt bỏ luật biển nếu họ cảm thấy đủ sức mạnh vật chất để thực thi ý chí của họ. Do đó, ông Pompeo cảnh báo không nên để nguyên tắc nguyên thủy là lẽ phải thuộc về kẻ mạnh, tức là kẻ mạnh luôn giành lấy những gì họ muốn trong quan hệ quốc tế, thắng thế.

Tự do biển là mối quan tâm cấp bách đối với bất kỳ “quốc gia đi biển” nào. Nó là thứ không thể thỏa hiệp.

Nhưng có những lý do nào khác ngoài chuyện luật pháp quốc tế khiến người Mỹ phải quan tâm liệu Trung Quốc có thống trị một vùng đất xa xôi mà họ ít biết hay không.

Đầu tiên, là quyền tiếp cận. Như Alfred Thayer Mahan (sử gia, cựu sỹ quan hải quân Mỹ-PV) đã chỉ ra cách đây một thế kỷ, mục tiêu tối quan trọng của chiến lược biển là đảm bảo tiếp cận thương mại, ngoại giao và quân sự cho các khu vực thương mại quan trọng như Đông Á. Thương mại là vua. Tiếp cận quân sự đảm bảo tiếp cận chính trị, tiếp cận thương mại và những thứ thương mại mang lại. Đồng thời tiếp cận là một yếu tố quyết định quan trọng cho chiến lược biển. Thương mại tạo ra sự giàu có đủ để tài trợ cho hải quân để bảo vệ thương mại. Thỏa hiệp với các yêu sách biển của Bắc Kinh, sẽ khiến tàu hàng và tàu chiến mất tự do đi lại, làm tổn thương sự thịnh vượng của Mỹ.

Không bao giờ nên đặt sự thịnh vượng vào nguy hiểm. Làm như vậy trong một năm đại dịch, một năm đầy rẫy những bất ổn về kinh tế, sẽ có thể dẫn đến sai lầm chiến lược. Những gì xảy ra ở Đông Nam Á có ý nghĩa trực tiếp đối với người Mỹ.

Thứ hai, địa chính trị. Nếu chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thương mại từ thời Mahan, thì nó cũng nhằm mục đích giữ cho các khu vực cần kiểm soát của Đông Á và Tây Âu thoát khỏi sự thống trị của một thế lực thù địch hoặc liên minh nào đó. Bắc Mỹ có vị trí địa lý may mắn, có vùng đệm chống lại sự thù hận Á-Âu bởi các đại dương Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tuy nhiên, nếu một số đối thủ địa chính trị kiểm soát được một trong những vành đai cần kiểm soát (rimland), họ có thể tập hợp đủ sức mạnh quân sự để vươn ra ngoài đại dương và gây tổn hại cho Mỹ ngay ở Tây bán cầu.

Để giữ cho các vành đai bị phân mảnh giữa các cường quốc cạnh tranh và ngăn chặn nguy hiểm, các nhà ngoại giao Mỹ và những “quốc gia đi biển” phải có thể tiếp cận được các vành đai. Do đó, hải quân Mỹ và liên minh phải kiểm soát được những gì nhà hiền triết địa chính trị Nicholas Spykman gọi là “vành đai biển liền kề của vành đai Á-Âu”. (Ông Spykman cho rằng rimland, dải đất ven biển bao quanh Á-Âu, quan trọng hơn khu vực trung tâm châu Á (được gọi là heartland) trong việc kiểm soát lục địa Á-Âu. Ai kiểm soát rimland sẽ cai trị Á-Âu, người cai trị Á-Âu kiểm soát vận mệnh thế giới-PV)

Các số liệu về biển Đông nổi bật trong số các tuyến đường thủy cận biên này và do đó, theo chiến lược vùng vành đai của Mỹ. Washington không thể để mất nó.

Và thứ ba, bạn bè và đồng minh.  Mỹ không có vị trí chiến lược ở Tây Thái Bình Dương nếu không có các đối tác địa phương, các bến cảng và căn cứ mà họ cung cấp. Mỹ phải giữ các cam kết của mình với các đồng minh, ví như với Philippines. Nếu không Mỹ có thể thấy mình bị cấm cửa ở khu vực này. Rõ ràng, việc không tôn trọng bảo đảm an ninh lâu dài cho Philippines và các đồng minh khác sẽ khiến chính sách và chiến lược đối ngoại của Mỹ lâm nguy. Nếu người Mỹ thích một thế giới giàu có và an toàn, họ có nhiều lý do để quan tâm đến các vấn đề Đông Nam Á.

(*)Các quan điểm trong bài của ông James Holmes không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiền Phong.

MỚI - NÓNG