Mỹ: 100 tỷ USD cho đội tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới

Ước tính, 348 tỷ USD sẽ được chi cho “tam giác” hạt nhân, trong đó 100 tỷ USD dành cho đội tàu mới.
Ước tính, 348 tỷ USD sẽ được chi cho “tam giác” hạt nhân, trong đó 100 tỷ USD dành cho đội tàu mới.
TP - Tham mưu trưởng lực lượng hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson, hôm qua đưa ra kế hoạch chi tiết về việc tăng cường sức mạnh hải quân Mỹ, trong đó ưu tiên số 1 là đầu tư đội tàu ngầm mới được trang bị vũ khí hạt nhân, ẩn mình khắp các vùng biển trọng yếu.

Theo kế hoạch của đô đốc Richardson, đội tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới sẽ trở thành trung tâm lực lượng hạt nhân của Mỹ. Hải quân Mỹ có kế hoạch thay thế đội tàu ngầm hiện nay gồm 14 chiếc lớp Ohio (hoạt động từ năm 1981) bằng 12 tàu thế hệ mới. “Đây là cơ sở cho sự tồn tại của quốc gia”, đô đốc Richardson nhận định trong kế hoạch mà ông gọi là “thiết kế cho tương lai”.

Ước tính, tổng vốn đầu tư cho kế hoạch tăng cường sức mạnh hải quân Mỹ lên tới 100 tỷ USD. Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với dự án hải quân này, thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, cũng cho rằng, mức chi phí này “gây sửng sốt, làm choáng váng”. Và đây chỉ là một trong ba nỗ lực của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm hiện đại hóa “tam giác” hạt nhân của nước này. Ba cạnh của “tam giác” gồm máy bay ném bom tầm xa đời mới, tên lửa đạn đạo liên lục địa mới hoặc nâng cấp được phóng từ đất liền và tàu ngầm mới mang tên lửa.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, số tiền đầu tư cho “tam giác” hạt nhân này cùng những thay thế, nâng cấp liên quan có thể lên tới 348 tỷ USD vào năm 2024.

Đô đốc Richardson công nhận đây là khoản đầu tư tốn kém, nhưng cho rằng, nó là một phần của chi phí làm ăn trên vũ đài quốc tế. “Từ quan điểm an ninh trong thời đại ngày nay, năng lực hạt nhân đẳng cấp thế giới” phải được coi là một nguồn sức mạnh to lớn, ông nhận định. Không có nó, “chúng ta có thể bị quốc gia khác đe dọa hoặc ép buộc; quốc gia khác có thể treo nguy cơ hạt nhân này lơ lửng trên đầu chúng ta”, ông nói thêm.

Phía Mỹ cho rằng, cả Nga và Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của họ. Nhưng theo một số quan chức, chuyên gia quốc phòng, nếu chỉ vì lý do này thì Mỹ không cần phải chi một khoản tiền khổng lồ cho “tam giác” hạt nhân, trong đó có việc thay mới đội tàu ngầm.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry, cho rằng, với một lực lượng tinh gọn gồm máy bay ném bom và tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân, Mỹ cũng có thể ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân. Ông Perry ủng hộ việc loại bỏ các tên lửa phóng từ đất liền trực thuộc Không lực Mỹ.

Nhiều chuyên gia nói rằng, sẽ là hợp lý nếu kết hợp hai lực lượng tàu ngầm và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Trong hầu hết các kế hoạch phát triển, lực lượng tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân đều được đề cập. Tàu ngầm là lực lượng khó bị đối phương phát hiện nhất. Có thể nói, khi tuần tra trong lòng đại dương, chúng gần như không thể bị phát hiện. Cuối năm 2015, sau khi một đại diện Hải quân Trung Quốc tuyên bố, biển Đông thuộc về Trung Quốc, Đô đốc John Richardson phát biểu: “30% thương mại thế giới đi qua biển Đông. Không ai sở hữu nó”.

Theo Theo AP, Defense News, Japan Times
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).