Mỹ bác đề nghị ngừng do thám Trung Quốc

Máy bay trinh sát chống ngầm P-8 và P-3 của Mỹ. Ảnh: US Navy
Máy bay trinh sát chống ngầm P-8 và P-3 của Mỹ. Ảnh: US Navy
TP - Nhà Trắng vừa tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay trinh sát Trung Quốc, bất chấp việc nước này giận dữ gây sức ép với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice vừa có chuyến thăm Bắc Kinh. 

“Chúng tôi đã làm rõ rằng các chuyến bay của Mỹ hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế và chúng tôi không có kế hoạch thay đổi do sức ép của Trung Quốc”, một quan chức cao cấp Mỹ phát biểu với trang tin Washington Free Beacon (Mỹ). 


Bà Rice đã phải chịu sức ép lớn từ lãnh đạo Trung Quốc, nhất là tướng Phạm Trường Long - Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc trong cuộc gặp hôm 9/9, sau vụ chiến đấu cơ Trung Quốc Su-27 chặn đuổi máy bay chống ngầm P-8 của Mỹ trên biển Đông.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Patrick Ventrell khẳng định, vấn đề các chuyến bay trinh sát của Mỹ được đề cập trong các cuộc gặp gỡ của bà Rice tại Bắc Kinh, nhưng từ chối cung cấp thông tin bà đáp trả đề nghị của Trung Quốc ra sao. 

Ông Ventrell nêu rõ, Mỹ hết sức lo ngại về các vụ chặn đuổi rất thiếu chuyên nghiệp và không an toàn của Trung Quốc, có nguy cơ làm tổn hại đến phát triển quan hệ quân sự song phương Mỹ-Trung. Quan chức quân sự Mỹ cho biết, vấn đề này cũng được thảo luận trong cuộc gặp giữa bà Rice với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Bà Rice đến Bắc Kinh để chuẩn bị cho Tổng thống Barack Obama tham dự Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11. Khi gặp bà Rice, tướng Phạm Trường Long yêu cầu Mỹ ngừng ngay việc do thám trên không cũng như ven biển, hãng thông tấn Xinhua tường thuật. 

Theo tướng Phạm, Mỹ cần có quan điểm “đúng đắn” trong vấn đề quân sự của Trung Quốc. “Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể ủng hộ sự phát triển lành mạnh mối quan hệ quân sự kiểu mới Trung-Mỹ với những hành động cụ thể”, ông Phạm nói.

Theo Washington Free Beacon, Mỹ gia tăng do thám Trung Quốc là một trong những yếu tố then chốt trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của chính quyền Obama. 

Nó được thiết kế nhằm giám sát chương trình xây dựng các lực lượng quân sự thông thường quy mô lớn và hạt nhân của Trung Quốc, thường được thực hiện bí mật. Những yếu tố khác của chiến lược “xoay trục” bao gồm bổ sung các chiến hạm và tàu ngầm tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh khu vực như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ.

Việc Nhà Trắng bác bỏ đề nghị chấm dứt do thám của Bắc Kinh tiếp ngay sau tuyên bố hồi tuần trước của đô đốc Jonathan Greenert - chỉ huy các chiến dịch hải quân Mỹ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động ở không phận quốc tế”. 

Đô đốc Greenert còn công bố thông tin Malaysia đã đề nghị Mỹ triển khai các máy bay chống ngầm tối tân P-8 Poseidon tại căn cứ nằm sát biển Đông. Tờ Đa Chiều của người Hoa ở hải ngoại dẫn ý kiến của tướng hải quân Trung Quốc Lý Kiệt nhận định, việc triển khai P-8 tại Malaysia là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Trung Quốc.

Triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở châu Á

Trong khi đó, tạp chí Jane’s Defense (Anh) đưa tin, 2 trong số 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Mỹ vừa được triển khai tại châu Á-Thái Bình Dương, đã đi qua các khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông, biển Đông. 

Neo đậu tại căn cứ hải quân Changi của Singapore hồi giữa tháng 8, USS Michigan là một trong các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio đang làm nhiệm vụ tại châu Á. Tàu được trang bị 154 tên lửa hành trình Tomahawk và một đơn vị tác chiến đặc biệt. Thuyền trưởng Benjamin Pearson, chỉ huy tàu USS Michigan, cho biết, tàu ngầm tiến hành các nhiệm vụ trinh sát, huấn luyện và các nhiệm vụ bí mật khác. 

“Chúng tôi hoạt động ở biển Đông, biển Hoa Đông. Khu vực này giống như sân sau của chúng tôi”, thuyền trưởng Pearson nói và cho biết thêm, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio có thể phóng toàn bộ 154 tên lửa Tomahawk chỉ trong vòng 6 phút.

Theo phát ngôn viên Bộ tư lệnh hạm đội tàu ngầm số 7 của hải quân Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, Aaron Kakiel, tàu USS Michigan tạo cho hải quân Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương khả năng tấn công cực mạnh, với tầm bắn vượt 1.000 hải lý. 

Bổ sung cho USS Michigan là tàu ngầm hạt nhân tấn công USS North Carolina lớp Virginia được triển khai tại Trân Châu Cảng. Tàu USS North Carolina từng ghé căn cứ Changi trước USS Michigan.

 Việc triển khai 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược được xem là một phần chiến lược cân bằng của Mỹ trong khu vực. Theo đó, Mỹ có kế hoạch tái bố trí 60% lực lượng hải quân tới châu Á như một cách giám sát sự gây hấn trên biển của Trung Quốc. Không chỉ Singapore, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Mỹ còn ghé thăm các đồng minh Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

MỚI - NÓNG