Mỹ có thể điều tàu đi qua đảo nhân tạo ở biển Đông

Chiến hạm Mỹ
Chiến hạm Mỹ
TP - Theo tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review, sau khi Trung Quốc phái 5 chiến hạm đi qua eo biển Bering, áp sát bang Alaska một ngày trước cuộc duyệt binh rầm rộ tại Bắc Kinh hôm 3/9, Mỹ đang xem xét triển khai thêm tàu chiến, máy bay đi qua các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông.

Việc đội tàu Trung Quốc đi sát nhóm đảo Aleutian là hợp pháp và không phải tình huống báo động. Tuy nhiên, nếu như các tàu chiến Mỹ thực hiện một động thái tương tự sát khu vực tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, phản ứng của Bắc Kinh có thể sẽ không bình tĩnh và ôn hòa như vậy, Nikkei Asian Review nhận định.

Thái độ điềm tĩnh của chính quyền Mỹ trước việc tàu Trung Quốc áp sát Alaska có thể xuất phát từ mong muốn không làm gia tăng căng thẳng trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoặc có khả năng là kết quả của chính trị nội bộ Mỹ, nhất là từ khi các ứng cử viên Tổng thống phe Cộng hòa, đặc biệt là tỷ phú Donald Trump, bắt đầu chỉ trích Trung Quốc. Một số ứng cử viên kêu gọi Nhà Trắng tước bỏ tư cách khách mời nhà nước của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm sắp diễn ra.

Theo nhiều chuyên gia, sự kình địch giữa hai nền kinh tế dẫn dắt thế giới đang lớn lên, tạo cơ hội cho những quan điểm chống Trung Quốc tại quốc hội Mỹ cũng như trong số các ứng viên tổng thống.

Dù muốn hay không, sự kiện chiến hạm Trung Quốc áp sát lãnh thổ Mỹ cũng sẽ ít nhiều mang lại sắc thái khác trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Obama và ông Tập trong tháng này. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ thảo luận các đồng thuận đã đạt được tại cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 7 hồi tháng 6. Mới đây, ông Tập tuyên bố, Bắc Kinh và Washington cần xử lý tốt hơn các vấn đề nhạy cảm và khác biệt để hai bên có thể duy trì sự phát triển ổn định trong quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi yếu ớt tại Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và tình hình kinh tế không mấy khả quan của Nga, Mỹ Latin và châu Á có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới, nhiều chuyên gia nhận định.

Những căng thẳng địa chính trị cũng ngày càng gia tăng, bao gồm nguy cơ hạt nhân Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông, biển Đông, bất ổn chính trị ở một số nước Đông Nam Á, cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông…

MỚI - NÓNG