Mỹ đạt được thỏa thuận luân chuyển đóng quân tại 5 căn cứ ở Philippines

Một chiếc trực thăng UH-1D của Không quân Philippines tại căn cứ không quân Mactan Benito Ebuen ở thành phố Cebu.
Một chiếc trực thăng UH-1D của Không quân Philippines tại căn cứ không quân Mactan Benito Ebuen ở thành phố Cebu.
TPO - Mỹ và Philippines đã công bố một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ luân chuyển sự hiện diện tại 5 căn cứ ở Philippines theo một hiệp định an ninh đã được ký, vào giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông đang gia tăng.

Sau cuộc Đối thoại Chiến lược thường niên giữa Mỹ và Philippines, một tuyên bố chung đã nêu tên các khu vực là: căn cứ không quân Antonio Bautista – gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông, căn cứ không quân Basa ở phía Bắc Manila, căn cứ Fort Magsaysay ở Palayan, căn cứ không quân Lumbia ở Mindanao và căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen ở Cebu.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Amy Searight cho biết thỏa thuận đã đạt được theo một Hiệp định hợp tác thúc đẩy quân sự (EDCA). Theo đó, Mỹ được phép tăng cường sự hiện diện quân sự tại Philippines thông qua sự luân chuyển các tàu và máy bay cho các hoạt động nhân đạo và an ninh hàng hải.

Bà Searight nói trước hội nghị rằng Manila là một “đồng minh quan trọng của Mỹ” và mối quan hệ chưa bao giờ bền vững hơn. Bà cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter sẽ tới thăm Philippines vào tháng 4 để thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines - Philip Goldberg trả lời các phóng viên rằng việc di chuyển vật chất và nhân sự tới các căn cứ sẽ được tiến hành “rất sớm”.

Ông mô tả thỏa thuận là một bước tiến lớn, cho phép Mỹ hiện diện nhiều hơn như là một phần trong chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ và tăng cường liên minh với Philippines.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng điều này không cho phép các căn cứ của Mỹ vĩnh viễn tồn tại như thời kỳ trước năm 1991. Hoạt động này là nhằm giải quyết những vấn đề của thế kỉ XXI, trong đó có an ninh hàng hải. Ông nói thêm rằng tất cả các triển khai của Mỹ sẽ cần được Philippines chấp thuận.

Mỹ đang quan tâm đến việc thúc đẩy khả năng quân sự của các nước Đông Á và sự hiện diện trong khu vực của chính mình khi đối mặt với sự theo đuổi cứng rắn của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông – một trong những tuyến đường thương mại sầm uất nhất thế giới.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho biết thỏa thuận này đạt được vào một thời điểm quan trọng, trước khi đưa ra phán quyết trong vụ kiện mà Philippines đệ đơn lên Tòa Trọng tài quốc tế ở Hague để chống lại sự tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Đô đốc Hải quân John Richardson cũng bày tỏ lo ngại rằng phán quyết của Hague - dự kiến đưa ra vào cuối tháng 5 – có thể thúc đẩy Bắc Kinh tuyên bố một vùng đặc quyền ở Biển Đông.

Bà Searight cho biết Lầu Năm Góc đã thông báo với Quốc hội Mỹ về mục đích của mình để cung cấp 50 triệu USD cho việc xây dựng an ninh hàng hải trong khu vực. Bà cho biết, Philippines sẽ nhận được phần lớn của quỹ, dự kiến sẽ dùng để cải thiện radar và các khả năng giám sát Biển Đông khác.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG