Mỹ đẩy mạnh xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương

TP - Các nhà quan sát quốc tế nhận định, chiến lược của Mỹ về tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương đang và sẽ được đẩy mạnh, nhất là khi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton ngày càng có khả năng trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ. Bà Clinton được coi là một trong những kiến trúc sư của chiến lược này.

Liên minh Mỹ-Nhật vẫn là hòn đá tảng của an ninh châu Á-Thái Bình Dương, có khả năng đóng góp nhiều hơn cho an ninh khu vực và thế giới. Liên minh Mỹ-Úc ngày càng mang tính toàn cầu. Hai nước làm việc cùng nhau để duy trì tự do hải hành và tự do bay khắp khu vực, tăng cường chiến đấu chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. 

Liên minh Mỹ-Philippines gần gũi hơn với việc mới đây ký kết hiệp định hợp tác quốc phòng nâng cao. Mỹ đang hỗ trợ hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Philippines. Hiệp định mới cho phép nhân sự quân sự Mỹ và Philippines thường xuyên huấn luyện, tập trận và hoạt động cùng nhau, kể cả thông qua các đợt tuần tra chung trên biển.

Quan hệ đối tác Mỹ-Ấn Độ, quan hệ quân sự giữa hai nước gần gũi hơn bao giờ hết. Hai nước đang tập trận chung cả trên không, trên biển và trên đất liền. Mỹ-Ấn Độ cũng tiến sâu hơn, đa dạng hơn về việc cùng phát triển, cùng sản xuất sản phẩm quốc phòng, bao gồm thiết kế, xây dựng tàu sân bay. Tuần sau, Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ. Trong khi đó, Mỹ đang đưa máy bay tuần thám biển và tàu tác chiến ven bờ tới Singapore.

Theo sáng kiến an ninh biển trị giá 425 triệu USD mà Mỹ thông báo năm ngoái, Mỹ đang giúp Philippines cải thiện Trung tâm giám sát bờ biển quốc gia và cải tiến các cảm biến biển và trinh sát, giúp Việt Nam phát triển năng lực giám sát biển, cung cấp cho Indonesia và Malaysia các loại thiết bị liên lạc và đào tạo, làm việc với Thái Lan về việc xử lý thông tin tại các trung tâm hỗn hợp…

 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói: “Thay vì chỉ đơn giản cung cấp tiền hoặc phần cứng, Mỹ đang giúp 5 nước Đông Nam Á kết nối với nhau và phát triển một cách tiếp cận kết nối mạng lưới để xử lý các thách thức khu vực. Những thiết bị, kết nối này cùng với quan hệ đối tác của Mỹ sẽ cho phép 5 nước Đông Nam Á này nhìn thấy nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn và làm việc nhiều hơn để bảo đảm an ninh biển ở khắp Đông Nam Á”.

Ngoài ra, Mỹ đang tăng cường các quan hệ đối tác 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn (sẽ tập trận cảnh báo tên lửa đạn đạo vào cuối tháng 6 này), Mỹ-Nhật-Úc, Mỹ-Nhật-Ấn (mở rộng tập trận để hợp tác an ninh thực chất khắp khu vực từ Ấn Độ Dương tới tây Thái Bình Dương, Mỹ-Thái-Lào (đào tạo chung về xử lý bom mìn…).

Tháng 9 tới, Mỹ và Lào sẽ đồng tổ chức đối thoại không chính thức cấp bộ trưởng quốc phòng ASEAN ở Hawaii để thảo luận lợi ích chung và tìm kiếm biện pháp mới cho an ninh khu vực kết nối.

Tại Đối thoại Shangri-La vừa qua, ông Carter cho biết, Lầu Năm Góc đang tiếp tục gửi những nhân sự tốt nhất cùng các thiết bị quân sự tiên tiến nhất tới châu Á-Thái Bình Dương. 

“Đó là máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35, máy bay tuần tra biển P-8 Poseidon, máy bay ném bom B-2 và B-52 và các tàu chiến nổi mới nhất của chúng tôi. Bộ Quốc phòng cũng đang đầu tư vào các trang thiết bị cần thiết cho chiến lược tái cân bằng”, ông nói.

MỚI - NÓNG